Một trong những lý do mà nhà hoạt động Đường Văn Thái đột nhiên mất tích từ Bangkok và bị bắt ở Việt Nam có lẽ là kênh YouTube dưới tên Thái Văn Đường với trên 100.000 người đăng ký nhận tin và trên 30 triệu lượt xem cho tới nay.
Khi tôi bắt đầu gõ không dấu ‘thai van…’ vào hộp tìm kiếm của YouTube, hai gợi ý đầu tiên là ‘thai van duong’ và ‘thai van duong youtube’. Tôi chọn ‘thai van duong youtube’ và đây là kết quả.
Có vài điều đáng nói về kết quả tìm kiếm này.
Video của Báo Thanh Niên đăng trước hai bản tin của VOA Tiếng Việt hai ngày, tức là tính thời sự không bằng video của VOA nhưng vẫn đứng đầu bảng kết quả tìm kiếm. Lý do duy nhất có thể phần nào lý giải sự xếp hạng của YouTube là Thanh Niên có năm triệu người đăng ký nhận tin so với gần 1,4 triệu của VOA Tiếng Việt.
Thực tế video của VOA có số lượt xem cao hơn vài lần và số bình luận nhiều gấp hàng trăm lần video của Thanh Niên, vốn chỉ đưa tin một chiều và hoàn toàn thiếu các chi tiết để người xem hiểu bối cảnh của câu chuyện.
Một điều khó hiểu nữa là video đứng ở vị trí thứ ba trong kết quả tìm kiếm không có liên quan gì tới Thái Văn Đường, tên trên mạng xã hội của nhà báo Đường Văn Thái. Đó là sản phẩm tuyên truyền của VTV4 để người xem hiểu theo định hướng về đạo Dương Văn Mình. Tôi thử tìm kiếm trên Google về đạo Dương Văn Mình cũng chỉ thấy các thông tin từ báo chí tuyên truyền. Chỉ tới khi thêm từ khoá “RFA”, tức Đài Á châu Tự do, vào cuối mới tìm được bài báo có bối cảnh của Luật Khoa mà trong đó bài báo của RFA được trích dẫn:
Đàn áp đạo Dương Văn Mình: 3 vấn đề chính quyền phải làm rõ.
Tôi sẽ trở lại chuyện YouTube và Google vô tình hay cố ý tô đậm các nội dung tuyên truyền trong blog tới đây.
Kênh YouTube Thái Văn Đường
Theo những thông tin chính thức từ YouTube, kênh Thái Văn Đường xuất hiện hồi tháng 7/2020 và không phải là kênh quá hút khách với chưa tới 40 triệu lượt xem sau gần ba năm. Nhưng số lượt người đăng ký đã vượt 100.000, một mức đáng kể mà YouTube thường gửi tặng Giải thưởng Nhà sáng tạo Bạc cho người sở hữu kênh.
Gần 800 video trên kênh Thái Văn Đường đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau, từ sức khoẻ của tướng công an tới “sách” của tổng bí thư. Các thông tin này đều được cung cấp mà thường là không có nguồn tin nào được trích dẫn để người xem có thể kiểm chứng.
Chưa có video nào của Thái Văn Đường được trên một triệu lượt xem và chỉ có duy nhất một video có trên 100.000 lượt xem – đó là thông tin không dẫn nguồn về “bồ nhí” trước đây của một cựu nguyên thủ quốc gia. Đa số các video có dưới 20.000 lượt xem và không có tầm ảnh hưởng như một số kênh khác trong đó có kênh của nhà báo Lê Trung Khoa, người làm YouTube từ Đức. Kênh thoibao.de của nhà báo này có tới gần 650.000 người đăng ký nhận tin và tổng lượt xem của kênh lên tới trên 375 triệu.
Công an Việt Nam từng cưỡng bức ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin, Đức về Việt Nam nên khả năng chính họ đưa ông Đường Văn Thái từ Bangkok, Thái Lan về Hà Tĩnh là hoàn toàn có thể. Ông Thái đã được Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cấp quy chế tị nạn và đang trong quá trình phỏng vấn để đi định cư ở nước khác nên không có lý do gì để ông “xâm nhập trái phép” trở lại Việt Nam.
Việc ông Thái bị bắt cũng phản ánh thứ hạng về tự do trên cõi mạng của Hà Nội. Đất nước cộng sản hiếm hoi còn lại trên thế giới này đứng thứ năm từ dưới lên, kém cả Nga đứng ở vị trí thứ sáu ở cuối bảng xếp hạng của Freedom House, theo Đài Á châu Tự do. Nói về sự tôn trọng quyền của người sử dụng internet, Việt Nam chỉ được điểm 4/100 trong năm 2022. Hồi cuối năm 2022 RFA cũng đăng tải video trong đó nhà hoạt động Nguyễn Thái Hưng ở Đồng Nai đã bị công an đập cửa xông vào bắt khi đang phát trực tiếp trên YouTube.
Diễn đàn