Ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam, các thành viên chính phủ và đại diện các doanh nghiệp nhà nước tham dự hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, vừa dành ra một phút để mặc niệm các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội và lũ quét ở Lào Cai (1).
Rạng sáng ngày 13/9/2023, lửa bùng lên trong một căn nhà tọa lạc ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Tuy diện tích chỉ chừng 200 mét vuông nhưng căn nhà này cao mười tầng với 45 căn hộ và được ước đoán là nơi cư trú của 150 người nên còn được gọi là chung cư mini. Do nhà ở sâu trong hẻm nhỏ, không có hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống thoát hiểm nên tính đến chiều 13/9/2023, số nạn nhân thiệt mạng đã là 56 người (2)...
Để giảm cả sự bàng hoàng lẫn phẫn nộ của công chúng, Bí thư Hà Nội tuyên bố đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo “điều tra tận gốc vấn đề từ khâu cấp phép xây dựng, tinh thần chỉ đạo là sai đâu xử đấy, bảo đảm sự nghiêm minh theo quy định của pháp luật” (3). Trước mắt, công an đã khởi tố và tống giam chủ chung cư mini...
Giờ, hệ thống truyền thông chính thức đang hướng dư luận vào chuyện giấy phép chỉ cho xây dựng sáu tầng nhưng chủ chung cư mini xây đến chín tầng, chủ chung cư mini vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), vi phạm liên quan đến xây dựng xảy ra từ 2015 đã được phường và quận cùng ghi nhận rồi để đó (4)...
Năm ngoái, hệ thống truyền thông chính thức và các cơ quan hữu trách cũng xới lên chừng đó vấn đề khi quán karaoke An Phú ở phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương phát hỏa khiến 32 người thiệt mạng. Sau khi toàn bộ trách nhiệm trút hết vào chủ quán karaoke An Phú, vụ hỏa hoạn này coi như được giải quyết xong!
***
Nhiều người thắc mắc, chẳng lẽ từ 2015 đến nay, công an không hề kiểm tra mức độ an toàn của chung cư mini vừa xảy ra hỏa hoạn ở Hà Nội? Nếu công an làm tròn trách nhiệm chắc chắn đã ngăn chặn được hậu quả thảm khốc đến vậy! Năm ngoái, sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke An Phú, công chúng từng nêu thắc mắc tương tự, khi ấy, Phó Giám đốc Công an Bình Dương từng hứa sẽ điều tra và trả lời cả về trách nhiệm kiểm tra lẫn phê duyệt phương án PCCC (5) nhưng chuyện chỉ đến thế mà thôi!
Thực tế cho thấy, công an Việt Nam đã khai thác tối đa hậu quả của các vụ hỏa hoạn để đặt định nhiều yêu cầu không chỉ khắc nghiệt mà còn vô lý về PCCC (6). Các yêu cầu của công an về PCCC đã trở thành gánh nặng cho cả giới chuyên sản xuất hàng hóa lẫn giới chuyên cung cấp dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú. Đó cũng là lý do cách nay chừng hai tháng, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Bộ Công an “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy” cho hàng chục ngàn doanh nghiệp (7).
Ai cũng biết tại sao công an Việt Nam giành giữ quyền kiểm tra, phê duyệt phương án PCCC ở mọi nơi trên toàn quốc rồi đặt định vô số yêu sách phi lý đến mức cộng đồng doanh nghiệp liên tục phải kêu cứu, thậm chí xếp PCCC vào nhóm thủ tục hành chính hành hạ doanh giới nhiều nhất. Thế thì tại sao công an không phải chịu trách nhiệm khi có những vụ hỏa hoạn rõ ràng là do “vi phạm quy định về PCCC” nhưng công an không hề ngăn chặn nên mới dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, nhân mạng? Chẳng lẽ ở Việt Nam, công an là một trong những lực lượng chỉ có quyền chứ không phải gánh vác bất kỳ nghĩa vụ nào?
Cứ bỏ ra ít phút tìm kiếm trên Internet rồi đối chiếu thông tin, hình ảnh liên quan đến trang bị, phương tiện cứu hỏa, cứu nạn của công an Việt Nam với các lực lượng có cùng chức trách của thiên hạ ắt sẽ thấy cả trang bị cá nhân lẫn phương tiện cứu hỏa, cứu nạn của lực lượng cứu hỏa, cứu nạn do công an Việt Nam điều hành thua xa thiên hạ và đặc biệt thua xa trang bị, phương tiên của các lực lượng mà công an Việt Nam tổ chức để trấn áp dân chúng như cảnh sát cơ động. Đó cũng là lý do tại sao hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hỏa, cứu nạn rất hạn chế khiến dân chúng bỡn cợt, diễn giải bốn chữ cái PCCC thành... “phải cháy cứ cháy”.
Thủ tướng Việt Nam vừa biện bạch cho công an sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội bằng cách: Biểu dương lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã có mặt ngay sau khi nhận được thông tin, khẩn trương triển khai công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả (8). Ngoài việc đưa tin ông Chính “biểu dương” công an, tờ Nhân Dân còn có bài ca ngợi ông Nguyễn Đăng Văn (30 tuổi, làm nghề giao hàng bằng xe hai bánh gắn máy) là “người hùng thầm lặng” (9)...
Lửa bùng lên ở chung cư mini tại quận Thanh Xuân lúc 23 giờ 50 phút, khi ấy ông Văn đang đi giao hàng. Sau khi nhận được điện thoại từ anh trai rằng anh, chị, cháu gái đang kẹt trên tầng bốn của chung cư mini, ông Văn đã phóng đến đó. 0 giờ 23 phút – nghĩa là 33 phút sau khi lửa bùng lên và lan rộng, ông Văn lao vào trong, leo lên tầng bốn, dùng búa phá cửa đưa anh, chị và cháu ra ngoài... Ông Văn còn quay trở lại chung cư mini đang cháy cứu thêm một gia đình khác có năm người... Tính ra ông Văn đã cứu được mười người. Ngoài ông Văn, một gia đình khác trong chung cư mini đã dùng thang được chuẩn bị sẵn để thoát hiểm và giúp hàng chục người khác thoát hiểm theo cách ấy...
Câu chuyện về ông Văn, về gia đình ngụ tại tầng năm của chung cư mini thoát chết và cứu hàng chục người khác thoát chết nhờ chuẩn bị thang thoát hiểm, buộc người ta phải tự hỏi tại sao ông Chính lại “biểu dương” công an Việt Nam “có mặt ngay sau khi nhận được thông tin, khẩn trương triển khai công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả”?
Chuyện Thủ tướng Việt Nam “biểu dương” công an Việt Nam chẳng khác gì những viên chức hữu trách khác trong chính quyền Việt Nam từng “biểu dương” công an sau những vụ hỏa hoạn, những vụ tai nạn có hậu quả thảm khốc trong quá khứ. Phàm đã “biểu dương” thì đương nhiên loại trừ truy trách. Không truy trách công an cũng là cách để xí xóa, khỏi phải bận tâm đến việc truy trách thêm những cá nhân, tổ chức nào đó có liên đới về trách nhiệm. “Biểu dương” rồi “mặc niệm” là... xong! Bao nhiêu mạng cũng xong!
Chú thích
Diễn đàn