Đường dẫn truy cập

Thấy gì từ cuộc tập trận mới đây của Trung Quốc gần Đài Loan?


Máy bay phản lực chiến đấu J-15 của Trung Quốc cất cánh từ Tàu sân bay Liêu Ninh tại Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc.
Máy bay phản lực chiến đấu J-15 của Trung Quốc cất cánh từ Tàu sân bay Liêu Ninh tại Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc.

Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc gần Đài Loan cho thấy Bắc Kinh nghiêm túc trong việc có thể cắt đứt hòn đảo dân chủ trong một cuộc xung đột, theo giới phân tích, trong khi Bắc Kinh nói rằng các tàu sân bay của họ có thể “phá vỡ” hệ thống phòng thủ của Đài Loan từ phía đông.

Mặc dù các cuộc tập trận kéo dài ba ngày, kết thúc vào hôm 10/4, không căng thẳng như những cuộc tập trận diễn ra vào tháng 8 năm ngoái để phản đối chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc, nhưng Trung Quốc đã sử dụng chúng để chứng tỏ khả năng của mình trên không và trên biển - cả hai lĩnh vực mà họ đều cần phải kiểm soát nếu tìm cách phong tỏa Đài Loan.

Dưới đây là những điểm chính rút ra từ các cuộc tập trận.

1) Hoạt động của tàu sân bay

Nhiều nhà phân tích ghi nhận các máy bay phản lực bay khỏi hàng không mẫu hạm Sơn Đông, chiếm vị trí phía đông Đài Loan, cách đảo Miyajima của Nhật Bản khoảng 230 km về phía nam.

Ông Zhao Xiaozhuo, một đại tá cấp cao và nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Quân sự Quân đội Giải phóng Nhân dân, nói với Tân Hoa Xã rằng sự hiện diện của tàu sân bay ở đó có nghĩa là Trung Quốc “có thể phá vỡ cái gọi là lá chắn phía đông của Đài Loan”.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh không thể vận hành các tàu sân bay mà không bị trừng phạt trong khu vực đó trong một cuộc xung đột, đặc biệt nếu các quốc gia thân thiện với Đài Loan có liên quan, nhưng nói thêm rằng Đài Loan sẽ tự mình đấu tranh để đối phó với mối đe dọa như vậy.

Ông Chieh Chung, một nhà nghiên cứu quân sự tại tổ chức nghiên cứu mang tên Sáng hội Chính sách Quốc gia có trụ sở tại Đài Bắc, nói trong trường hợp bị tấn công, Đài Loan có thể sẽ rút khí tài quân sự từ phía tây về các căn cứ ở phía đông vốn được che chắn bởi các ngọn núi cao của hòn đảo và các đường hầm dưới lòng đất.

Nhưng một cuộc tấn công có phối hợp hơn, không bị kiềm chế từ phía đông có nghĩa là “toàn bộ tình hình sẽ trở nên rất bất lợi,” ông nói.

2) Ngăn chặn sự giúp đỡ của nước ngoài

Các video về cuộc tập trận do Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc công bố cho thấy các tàu và máy bay của họ đã tới phạm vi 24 hải lý của Đài Loan trên tất cả các mặt của hòn đảo.

Mục đích của các cuộc tập trận này là để chứng tỏ rằng họ có thể bao vây Đài Loan trong một cuộc phong tỏa và ngăn chặn các thế lực nước ngoài can thiệp, ông Zhao nói.

Điều đó sẽ rất quan trọng nếu một cuộc xung đột nổ ra.

“Một cuộc xâm lược của Trung Quốc sẽ đòi hỏi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực hiện các hoạt động chống can thiệp chung nhắm vào Mỹ, mà Bắc Kinh tin rằng gần như chắc chắn sẽ can thiệp, và bây giờ có thể là với các đồng minh như Úc và Nhật Bản, thậm chí có thể là Philippines,” ông Derek Grossman một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation nói.

Mặc dù Hoa Kỳ từ lâu đã theo chính sách “mơ hồ chiến lược” về việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan hay không, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói ông sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan.

3) Nhắm mục tiêu chính xác

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng cho biết họ đã thực hiện các mô phỏng ảo cho thấy lực lượng của họ có thể thực hiện các cuộc tấn công phi đạn nhắm vào Đài Loan như thế nào.

Ông Zhang Chi, một đại tá cấp cao và phụ tá giáo sư tại Đại học Quốc phòng, nói với Tân Hoa Xã rằng các cuộc tấn công chính xác mô phỏng có nghĩa là Trung Quốc có thể loại bỏ các nhà lãnh đạo Đài Loan trong chiến dịch “Zhanshou”, có nghĩa là “chặt đầu”. Theo cách nói của quân đội phương Tây, các cuộc tấn công như vậy được gọi là “các cuộc tấn công chặt đầu”.

Các cuộc tập trận mới nhất này là một phản ứng đối với cuộc gặp gần đây ở California giữa đương kim Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy với Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, người mà Trung Quốc coi là một phần tử ly khai.

4) Nhật Bản trong tình trạng báo động

Ông Bonji Ohara, thành viên cao cấp tại Sáng hội Hòa bình Sasakawa và là cựu tùy viên quân sự tại Tòa đại sứ Nhật Bản ở Trung Quốc, cho biết việc Trung Quốc tập trung vào các vùng biển phía đông Đài Loan đặc biệt đáng lo ngại đối với Nhật Bản.

“Các hòn đảo phía tây nam của Nhật Bản có thể nằm trong khu vực phong tỏa,” ông Ohara nói. “Câu hỏi làm thế nào để phá vỡ nó một lần nữa được đặt ra với Nhật Bản. Việc này cũng nhắc nhở Nhật Bản rằng việc phong tỏa có thể cắt đứt các tuyến đường biển vận chuyển dầu thô và thực phẩm đến Nhật, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản.”

Quân đội Nhật Bản nói trong một cuộc họp báo ngày 11/4 rằng họ đang đánh giá các cuộc diễn tập của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, nhưng mô tả chúng là “không nghi ngờ gì nữa, là một cuộc huấn luyện nghiêm túc.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG