Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc ở Hà Nội hôm 8/10 xin lỗi AirVisual qua trang Facebook cá nhân vì vai trò của ông dẫn đến “những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam”.
Lời xin lỗi được đưa ra sau khi hai hãng tin lớn của phương tây đăng bài cho hay ứng dụng báo chỉ số chất lượng không khí kể trên bị nhiều người ở Việt Nam “tấn công tập thể” và nêu đích danh ông Ngọc là người đã phát ra lời kêu gọi tấn công.
... tôi có phân tích điểm những điểm bất thường đó trên trang cá nhân của tôi. Việc này có thể đã dẫn tới những phản hồi tiêu cực của người dùng ... Tôi rất lấy làm tiếc khi những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam.Ông Vũ Khắc Ngọc, qua Facebook
Cùng thời điểm, hai luật sư được nhiều người biết tiếng cũng nêu ý kiến rằng AirVisual có thể kiện ông Ngọc.
Sự việc bắt đầu cách đây 2 ngày, khi thầy dạy môn hóa Vũ Khắc Ngọc đăng một số bài nối tiếp nhau trên trang cá nhân có tổng cộng hơn 180.000 người theo dõi, nói rằng AirVisual là “bọn mất dạy”, ứng dụng của họ là “trò lừa đảo”, “có nhiều điểm vô lý”.
Như VOA đã đưa tin, trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, ứng dụng của AirVisual liên tục báo rằng chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên ở mức độ nguy hại cho sức khỏe của mọi người, có thời điểm đạt mức ô nhiễm nhất trong số các thành phố lớn trên thế giới.
Theo tìm hiểu của VOA, AirVisual tổng hợp dữ liệu từ nhiều trạm quan trắc để đưa ra chỉ số về chất lượng không khí của Hà Nội, trong đó có 11 trạm quan trắc môi trường thuộc chính quyền Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ, và các trạm của người dân.
Hôm 1/10, Tổng cục Môi trường của Việt Nam xác nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số thành phố lớn trong nước đạt mức cao “vượt quy chuẩn” liên tiếp trong nhiều ngày và khuyến cáo người dân “hạn chế các hoạt động ngoài trời”.
Bất chấp thông tin chính thống này, hôm 6/10, ông Vũ Khắc Ngọc viết trên trang cá nhân cáo buộc rằng AirVisual “chỉnh sửa dữ liệu” nhằm bán máy lọc không khí do công ty mẹ là IQair sản xuất.
Không đưa ra bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc của mình, song ông Ngọc đi xa hơn với nhận định rằng các chỉ số và bảng xếp hạng của AirVisual “làm ảnh hưởng” đến hoạt động du lịch của Việt Nam, và kêu gọi người Việt đánh giá tiêu cực đối với ứng dụng này.
“Người Việt cần làm gì trước trò lừa đảo của AirVisual? … những việc các bạn có thể làm là: 1) Report fanpage, vote 1* cho chết cụ chúng nó đi; 2) Gỡ app, report app; 3) Gây sức ép bắt chúng nó phải xin lỗi”, ông Ngọc viết, dẫn đến hàng nghìn phản ứng cả yêu thích lẫn phản đối.
Một ngày sau khi “lời kêu gọi” của ông Ngọc xuất hiện, hai hãng tin Reuters và AFP đưa tin cho hay AirVisual ra tuyên bố hôm 7/10 nói hãng bị “tấn công tập thể” nhằm hạ uy tín sau khi họ đưa ra các chỉ số thể hiện rằng Hà Nội có lúc đứng đầu danh sách 90 thành phố bị ô nhiễm không khí nhiều nhất.
Theo tuyên bố của AirVisual, họ cũng đã phải nhận nhiều lời bình luận xúc phạm và mang tính đe dọa trên Facebook, Apple App Store và Google Play Store.
“Vì vậy, ứng dụng AirVisual và trang Facebook liên quan hiện không truy cập được ở Việt Nam”, tuyên bố cho biết thêm, được Reuters và AFP dẫn lại.
AIRVISUAL nên cân nhắc khởi kiện Vũ Khắc Ngọc ra trước một tòa án nước ngoài đòi bồi thường thiệt hại. Thư xin lỗi mới đây của Vũ Khắc Ngọc là bằng chứng về lỗi ...Luật sư Lê Công Định, qua Facebook
Qua bản tuyên bố, AirVisual nói họ tiếp tục làm việc với Apple, Google và Facebook để xác định chắc chắn rằng họ bị “chơi xấu” và sẽ đưa ứng dụng của họ hoạt động trở lại ở Việt Nam.
Theo quan sát của VOA, những diễn biến này nhanh chóng làm cho ông Ngọc phải nhận vô số lời chỉ trích, phê phán từ cộng đồng những sử dụng mạng xã hội, trong đó có các Facebooker nhiều ảnh hường như nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, luật sư Lê Luân, luật sư Lê Công Định, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, các cây bút tự do Dương Quốc Chính, Lê Dũng Vova, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, v.v…
Những người chỉ trích ông Ngọc nêu ý kiến rằng những phát ngôn của ông là “bịa đặt”, “xúc phạm” và “gây thiệt hại” không chỉ cho AirVisual mà còn đến cả những người Việt cần thông tin về ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, các Facebooker có nhiều ảnh hưởng thậm chí cho rằng việc làm của ông Ngọc là “lợi bất cập hại” vì ông làm cho hình ảnh của Việt Nam bị thể hiện một cách tiêu cực trên báo chí quốc tế.
Hai luật sư Lê Luân và Lê Công Định viết trên trang cá nhân của họ rằng AirVisual có thể khởi kiện thầy giáo Vũ Khắc Ngọc về sự việc vừa qua.
Ông Định gợi ý rằng “AirVisual nên cân nhắc khởi kiện Vũ Khắc Ngọc ra trước một tòa án nước ngoài” và đòi bồi thường thiệt hại “vài mươi triệu” đô la để lấy đó làm “bài học đích đáng” cho những ai có “tâm địa ác độc, dốt nát về luật pháp và kiến thức chuyên ngành, nhưng vẫn quen thói tấn công người khác vô tội vạ”.
Trong khi đó, ông Lê Luân đưa ra hướng xử lý là AirVisual “hoàn toàn có thể làm một đơn kiến nghị hoặc tố giác gửi tới Chính phủ Việt Nam để đề nghị tiến hành một cuộc điều tra về một vụ tấn công quy mô và có tổ chức với mục đích phá hoại sự hoạt động bình thường của công ty”.
Theo ông Luân, “đã có chứng cứ rõ ràng”, và cũng như đồng nghiệp Lê Công Định, luật sư Luân đưa ra cảnh báo rằng mỗi khi ai đó “thực hiện một hành động phá hoại mà đặc biệt lại có tính quốc tế”, người đó “hãy cẩn trọng về các hậu quả pháp lý và kinh tế rất lớn mà nó có thể đưa tới”.
Vào trưa ngày 8/10, qua trang Facebook cá nhân có tổng cộng hơn 180.000 người theo dõi, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc lên tiếng “xin lỗi” AirVisual.
Công ty AQI hoàn toàn có thể làm một đơn kiến nghị hoặc tố giác gửi tới Chính phủ Việt Nam để đề nghị tiến hành một cuộc điều tra về một vụ tấn công quy mô và có tổ chức với mục đích phá hoại sự hoạt động bình thường của công ty.Luật sư Lê Luân, qua Facebook
Ông Ngọc viết rằng do ông và nhiều người khác “chưa được cung cấp thông tin chi tiết” về cách thức thu thập dữ liệu và hoạt động của AirVisual nên dẫn đến việc ông viết về những điểm mà ông gọi là “bất thường” của ứng dụng này trên trang cá nhân.
“Việc này có thể đã dẫn tới những phản hồi tiêu cực của người dùng trên các trang fanpage và chợ ứng dụng đối với AirVisual”, ông Ngọc viết, và khẳng định: “Tôi rất lấy làm tiếc khi những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam”.
“Tôi hy vọng khi những hiểu lầm về cách xếp hạng của AirVisual đã được làm rõ, các bạn sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động tại Việt Nam”, ông Ngọc, người cũng quản lý trang Facebook mang tên Thầy Vũ Khắc Ngọc có hơn 370.000 người theo dõi, viết trong đoạn kết.
VOA cố gắng liên lạc với ông Ngọc để tìm hiểu liệu có phải ông đưa ra lời xin lỗi trước nguy cơ bị kiện tụng hay không, nhưng không có phản hồi từ ông Ngọc.
Vào khoảng 7h rưỡi tối 8/10, giờ Việt Nam, theo quan sát của VOA, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đăng trên trang cá nhân một ảnh chụp màn hình cho thấy ông gửi lời “Chào mừng quay trở lại” và đánh giá 5 sao dành cho ứng dụng AirVisual.
Ông Ngọc bày tỏ “Mong là sẽ không có hiểu lầm nào nữa”, đồng thời “cảm ơn và thêm một lần xin lỗi” AirVisual.