Đường dẫn truy cập

Thẻ lên tàu in song ngữ Trung-Việt, chuyện nhỏ hay lớn?


Ảnh thẻ lên tàu dành riêng cho CBCNV thi công dự án tuyến Cát Linh-Hà Đông. (Web Screenshot- Thanh Nien)
Ảnh thẻ lên tàu dành riêng cho CBCNV thi công dự án tuyến Cát Linh-Hà Đông. (Web Screenshot- Thanh Nien)

Dự án đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông sắp sửa được đưa vào hoạt động trong năm nay sau 7 năm thi công. Dự án có kinh phí lên tới 868 triệu USD được xây dựng bằng tiền vay từ quỹ hỗ trợ phát triển Trung Quốc. Tuyến tàu điện cao tốc trên cao được coi là một phương án phát triển giao thông hiện đại mà rất nhiều người kỳ vọng sẽ giúp Hà nội giải quyết được nạn ách tắc giao thông, tuy nhiên bão mạng bùng nổ khi tin loan truyền rằng các tấm biển chỉ dẫn các nhà ga của tuyến đường này, và thẻ lên tàu phát hành cho một chuyến chạy thử hôm 11/8/2018 được in bằng hai thứ tiếng: tiếng Trung và tiếng Việt. Mặc dù Ban Quản lý dự án/ Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam quy lỗi cho nhà thầu Trung Quốc về vụ việc này, và nhà thầu Trung Quốc nhận trách nhiệm, nhiều người Việt Nam ở trong và ngoài nước cho rằng dù đây là ‘chuyện nhỏ’ đối với một số người, nhưng họ cảnh báo về những hệ quả rất nghiêm trọng nếu phía Việt Nam, người dân Việt Nam, không có phản ứng phù hợp. VOA-Việt ngữ liên lạc với nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà ở Hà nội, và blogger Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, ở Đức, để hỏi ý kiến của họ về vấn đề này. VOA chưa nhận được phản hồi từ phía giới hữu trách Việt Nam.

Dự án tuyến tàu điện Cat Linh - Ha Dong
Dự án tuyến tàu điện Cat Linh - Ha Dong

Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Tổng Thầu của dự án Đường sắt Cát Linh- Hà Đông, hôm 11/8 tổ chức cho 200 người, trong đó có 40 người Trung Quốc tham quan chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông. Trang mạng VNN cho biết nhóm người gồm “cán bộ, công nhân và người nhà”.

Người tham gia được phát thẻ lên tàu trên đó in dòng chữ tiếng Trung và tiếng Việt "Dự án đường sắt đô thị hạng mục vận hành thử", "Thẻ lên tàu", "Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông". Chữ Trung Quốc, lớn hơn, được đặt bên trên dòng chữ tiếng Việt.

Cộng đồng mạng Việt Nam đã phản ứng dữ dội sau khi hình ảnh lan truyền trên các trang mạng xã hội và cả báo nhà nước, cho thấy biển chỉ dẫn những ga tàu của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông và thẻ lên tàu (cho chuyến chạy thử ngày 11/8/2018), được in bằng tiếng Trung và tiếng Việt. Vì sao họ phản đối?

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà nói đây là một vấn đề về chủ quyền quốc gia: “Trong chính quốc gia mình thì ngôn ngữ chính thống của đất nước mình phải đặt lên hàng đầu, sau đấy mới đến tiếng ngoại quốc. Như theo thông lệ của các nước trên thế giới, kể cả các nước gần với Việt Nam, thì trong các công trình công cộng đều ghi tiếng bản địa đầu tiên và to nhất, rồi sau đó là tiếng Anh, chỗ nào nhiều người Hoa thì mới có tiếng Hoa, nó khác hẳn với những gì đang xảy ra ở tuyến tuyến Cát Linh-Hà Đông.”

Truyền thông nhà nước dẫn lời Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt/ Bộ GTVT, ông Vũ Hồng Phương, nói rằng hiện nay toàn bộ khu vực đang do Tổng thầu Trung Quốc đảm nhận, và “chỉ những người có nhiệm vụ, có thẻ kiểm soát của Tổng thầu mới được vào khu vực và lên tàu”. Về việc các nhà ga gắn biển tên với phần chữ tiếng Trung lớn hơn, đặt trên chữ tiếng Việt, ông Phương nói đó là “do Tổng thầu cắt chữ dán lên cho dễ quan sát trong lúc vận hành thử”.

Theo ông Phương thì hầu hết các biển thông tin đó giờ đã bị gỡ bỏ, và theo thiết kế, biển tên chính thức tại các nhà ga chỉ có 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh.

Ông Nguyễn Đình Hà không chấp nhận cách lý giải đó: “Những lời giải thích đó là không có tính cách thuyết phục bởi vì ngay trên đất nước Việt Nam thì anh không thể làm thế được. Tất cả các công trình đầu tư xây dựng đều phải có sự giám sát và quản lý của Ban Quản lý dự án, chứ không thể phó mặc 100% cho nhà thầu được. Tại sao khi có sự giám sát như thế thì lại sao lại để cái chuyện đó xảy ra? Chuyện này phải ‘tiên trách kỷ hậu trách nhân’. Trách nhiệm của những người quản lý, những người giám sát người Việt và cơ quan quản lý của Việt Nam trước khi trách nhà thầu Trung Quốc.”

Từ Đức, blogger Bùi Thanh Hiếu, tức Người Buôn Gió, nói vấn đề này đang xảy ra tại ngay thủ đô của Việt Nam, và dù cho đây là một dự án làm bằng tiền vay từ Trung Quốc, dự án này vẫn phải do người Việt Nam làm chủ, và ông đặt câu hỏi thế thì tại sao lại phải ghi tiếng Trung Quốc?

“Việt Nam vay tiền của Trung Quốc với điều kiện là phải thuê nhà thầu của Trung Quốc làm, thì trên danh nghĩa vẫn là của Việt Nam chứ làm gì có cái gì của Trung Quốc trong đó mà tại sao người Trung Quốc có quyền đưa vé tàu ấy vào và các nhà ga lại ghi tiếng Trung Quốc? Rõ ràng đấy là một sự cố ý để Trung Quốc thăm dò phản ứng của người Việt Nam tiếp xúc với những ảnh hưởng của Trung Quốc thì phản ứng như thế nào.”

Đối với người Việt, vấn đề chủ quyền quốc gia là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Liệu dân mạng có phản ứng quá trớn?

Blogger Người Buôn Gió: “Tôi thấy rằng sự phản ứng như vừa rồi của người Việt Nam như thế là quá là nhẹ. Họ đưa những cái văn hóa của họ vào, đưa những hình ảnh của họ vào. Hôm nay thì họ xuất hiện ở trên vé tàu này, xuất hiện ở cái nhà ga này, mai kia người Trung Quốc họ có thể là chủ của một khu vực này – như một đặc khu chẳng hạn hoặc là ở một điểm trọng yếu, rồi dần dần nó luyện cho người dân Việt Nam cái phản xạ là quen với sự xuất hiện của người Trung Quốc, quen với sự làm chủ của người Trung Quốc. Đó là một đường lối rõ ràng chứ không phải là một sự nhầm lẫn hoặc là một sự cẩu thả vô ý nào cả.”

“Các vấn đề liên quan tới Trung Quốc rất nhạy cảm bởi vì nó là một vấn đề dân tộc, mà chủ quyền dân tộc đang bị phía Trung Quốc xâm phạm. Nếu mà Trung Quốc làm tốt, mang những điều tốt đẹp như người Mỹ, người Đức, người Nhật… thì thái độ của người Việt Nam đã khác. ”
Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà

Ông Nguyễn Đình Hà thì cho rằng vấn đề nhạy cảm cũng là do quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là một vấn đề mang tính lịch sử. Ông Hà nói trong cả ngàn năm nay, đã xảy ra “quá nhiều đau thương và chiến tranh vì những hành động xâm lấn của Trung Quốc”, không ngừng tìm cách lấn át nước láng giềng nhỏ bé hơn.

“Các vấn đề liên quan tới Trung Quốc thật sự là rất nhạy cảm bởi vì nó là một vấn đề dân tộc, mà chủ quyền dân tộc đang bị phía Trung Quốc xâm phạm. Về kinh tế thì người Việt đã từng bị người Trung Quốc chơi xấu rất nhiều. Nếu mà Trung Quốc làm tốt, mang những điều tốt đẹp như người Mỹ, người Đức, người Nhật… thì thái độ của người Việt Nam đã khác. ”

Blogger Người Buôn Gió nói theo quan điểm của ông thì trước phản ứng giận dữ của dân mạng, chính quyền Việt Nam chỉ lên tiếng lấy lệ, và cách lý giải của họ rất vô lý:

“Nếu mà khách đi thử tàu thì có thể lấy khách của Việt Nam, tại sao lại phải thử khách của Trung Quốc ? Tại sao người lái tàu phải là người Trung Quốc chứ không phải là người Việt Nam? Chẳng nhẽ chúng ta đầu tư hàng 800, 900 triệu đôla ra mà cuối cùng người lái tàu, người vận hành vẫn là người của Trung Quốc?”

Ông cho rằng đây không phải là một hành động vô tình hoặc vô ý mà là một chiến dịch có mục tiêu hán hóa rõ rệt:

“Đây là một sự thăm dò phản ứng của Việt Nam, mà không phải là sự thăm dò nữa mà nó là từng bước một, vấn đề đi dần để cho người Việt Nam làm quen với sự có mặt của Trung Quốc nay ở điểm trọng yếu này, mai nó có ở những điểm trọng yếu khác, và chúng ta, người dân Việt Nam, dần dần quen với những hình ảnh đấy.”
Blogger Người Buôn gió

trút hết trách nhiệm lên vai “những người cầm đầu nhà nước Việt Nam”, và bày tỏ sự phẫn nộ của ông:

“Đây là những hành động của những người cầm đầu nhà nước Việt Nam, những hành động tiếp tay bán nước, đồng lõa thôn tính văn hóa Việt Nam, đồng hóa để cho Trung Quốc nó đô hộ Việt Nam.”

Có chiều dài hơn 13km, ga đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa ở Hà Đông, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông được khởi công từ tháng 10/2009. Là dự án đầu tiên loại này tại Việt Nam, tuyến tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng tiền vay từ quỹ hỗ trợ phát triển Trung Quốc, và do nhà thầu Trung Quốc thi công. Các chuyến tàu trên tuyến đường sắt này dự kiến sẽ vận hành với tần suất mỗi hai phút một chuyến, tốc độ tối đa 80 km/giờ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG