Đường dẫn truy cập

The Mountains Sing: Nỗi đau chiến tranh của người Việt qua góc nhìn của những người phụ nữ


Nguyễn Phan Quế Mai viết cuốn sách bằng tiếng Anh đầu tiên "The Mountains Sing" để đưa góc nhìn về chiến tranh và nỗi đau của người Việt qua góc nhìn của những người phụ nữ.
Nguyễn Phan Quế Mai viết cuốn sách bằng tiếng Anh đầu tiên "The Mountains Sing" để đưa góc nhìn về chiến tranh và nỗi đau của người Việt qua góc nhìn của những người phụ nữ.

“Chiến tranh là một con quỷ dữ, khi nó chạm vào ai đó nếu người đó không chết thì tâm trí của người đó sẽ bị lấy đi một phần để người đó không còn được toàn vẹn nữa.” Đó là lời người bà nói với cháu mình trong cuốn sách “The Mountains Sing” (Những ngọn núi ngân vang) của Nguyễn Phan Quế Mai, một tác phẩm mà nhà văn Nguyễn Thanh Việt, tác giả giành giải Pulitzer Prize với tiểu thuyết “The Sympathizer” (Cảm tình viên), ca ngợi là “cảm động và lôi cuốn.”

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Anh của Quế Mai, một nhà thơ và nhà văn được sinh ra 2 năm trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nói về thân phận của người Việt khi phải đối mặt với những biến cố lịch sử như “sự đô hộ của thực dân Pháp, sự xâm lược của phát xít Nhật, trận đói thảm khốc 1945, cải cách ruộng đất, và Việt Nam bị chia cắt qua hiệp định Geneva cùng cuộc chiến tranh Việt Nam với sự tham gia của quân đội Mỹ,” qua giọng kể của bà Diệu Lan với cháu ngoại của mình, Diệu Hương.

“Quế Mai kể lại câu chuyện về cuộc chiến tranh đã làm Việt Nam chia rẽ, và về một thế hệ bị đánh mất trong cuộc chiến đó, thông qua câu chuyện của hai nhân vật rất đẹp thuộc hai thế hệ - một già một trẻ - trong gia đình,” Thi Bùi, tác giả cuốn truyện tranh cũng về đề tài chiến tranh Việt Nam “The Best We Could Do” (Những điều tốt nhất chúng ta có thể làm), nói về “The Mountains Sing,” được New York Times và Washington Post bình chọn là cuốn sách hay nhất của tháng 3.

Không giống như các cuốn sách khác viết bằng tiếng Anh về chiến tranh Việt Nam khi đặt vai trò của người Mỹ hoặc đặt người Mỹ vào trung tâm, cuốn sách mới của Quế Mai “đặt người Việt vào vị trí trung tâm.”

Bìa cuốn sách "The Mountains Sing" (Những ngọn núi ngân vang) của Nguyễn Phan Quế Mai.
Bìa cuốn sách "The Mountains Sing" (Những ngọn núi ngân vang) của Nguyễn Phan Quế Mai.

“Những thử thách mà người Việt phải đương đầu qua những lịch sử cao vời vợi như những ngọn núi cao nhất,” Quế Mai nói về lý do vì sao cô đặt tên cuốn sách là "Những ngọn núi ngân vang" theo tiếng Việt.

“Tiểu thuyết cho bạn đọc một cách tiếp cận với một đất nước Việt Nam giàu có về truyền thống văn hoá, giàu có về tình yêu gia đình và lòng tốt con người, và cũng giàu có về sự độc ác của con người dành cho nhau,” Quế Mai nói với VOA về cuốn sách mà cô mất 7 năm để viết.

“Một ví dụ về sự độc ác của người Việt dành cho nhau là sự thảm khốc của cải cách ruộng đất,” Quế Mai cho biết.

Cuốn sách dựa trên những hư cấu từ trải nghiệm của cuộc đời Quế Mai cũng như những trải nghiệm của gia đình cô và những người Việt mà cô đã gặp. Trong đó, sau khi anh trai bị giết trong cải cách ruộng đất, một chương trình do những người Cộng sản thực hiện để ‘lập lại công bằng xã hội’ giữa thập niên 1950, bà Lan đã phải đưa con cái từ Nghệ An, là nơi ông Hồ Chí Minh được sinh ra, trốn chạy ra Hà Nội. Tuy nhiên, bà vẫn bị truy đuổi dù nghĩ rằng thành phố lớn như Hà Nội có thể giúp bà trốn thoát được sự tàn ác đó.

Sự độc ác đó còn thể hiện qua việc những người Việt cầm súng bắt giết nhau trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Quế Mai kể lại câu chuyện về cuộc chiến tranh đã làm Việt Nam chia rẽ, và về một thế hệ bị đánh mất trong cuộc chiến đó.
Thi Bùi, tác giả cuốn truyện tranh cũng về chiến tranh Việt Nam “The Best We Could Do”


Qua lời kể của người cháu bà Lan là Hương, thì cô có người chú tham gia chiến tranh trong quân đội Bắc Việt và một người bác tham gia quân đội Việt Nam Cộng hoà – đều là những nhân vật hư cấu từ người thân và họ hàng trong gia đình thật của tác giả.

“Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như một trong những người đồng đội của tôi chĩa súng vào đầu anh? Tôi sẽ giết người anh em đồng đội của mình để cứu người anh em ruột của tôi?”, theo lời một nhân vật trong cuốn sách.

Nỗi buồn chiến tranh

“Có quá nhiều gia đình Việt Nam mà tôi biết, gia đình của họ người Bắc kẻ Nam và gia đình của họ phải tham gia cuộc chiến, họ phải cầm súng chống lại nhau,” Quế Mai nói và cho biết cuốn sách này chú trọng tới nỗi đau của người Việt Nam trong chiến tranh và nỗi đau của gia đình người Việt Nam dù sống ở bất cứ nơi nào.

Nỗi đau đó không chỉ được cảm nhận ở những người bại trận mà còn cả ở những người thắng trận.

“Họ là những người thắng trận nhưng trong họ vẫn là một nỗi buồn,” Quế Mai nói. “Có người bạn nói với tôi rằng họ không thể ngủ được vì liên tưởng đến tiếng quạt trần trên trần nhà với tiếng trực thăng đã đuổi và bắn họ trong chiến tranh.”

Quế Mai cho biết cô đã không thể viết được cuốn sách này nếu không trải qua những nỗi đau của cả hai phía.

Sinh ra ở Ninh Bình năm 1973, Quế Mai cùng gia đình di cư vào sống ở Bạc Liêu năm 1979. Trong những năm đầu, gia đình cô nhận những sự kỳ thị của người Nam đối với người Bắc. Nhưng khi nhận thấy những người bạn miền Nam của mình bỗng nhiên phải rời bỏ quê hương để vượt biên cùng gia đình, cô lại thấy buồn vì không biết họ còn sống hay đã chết.

Nhưng trong nỗi buồn chiến tranh đó, cuốn sách muốn nói về tình người của tất cả mọi bên, dù họ là những người lính Bắc Việt, Việt Nam Cộng hoà hay lính Mỹ.

Có quá nhiều gia đình Việt Nam mà tôi biết, gia đình của họ người Bắc kẻ Nam và gia đình của họ phải tham gia cuộc chiến, họ phải cầm súng chống lại nhau.
Nguyễn Phan Quế Mai, tác giả The Mountains Sing (Những ngọn núi ngân vang)


Trong cuốn sách có đoạn nói về những người lính Mỹ xuống suối tắm, bị một nhóm lính Bắc Việt gặp và xả súng bắn. Người cậu của Hương nhìn thấy máu của những người lính Mỹ đó trôi theo dòng suối. Người cậu của Hương lúc đó nghĩ về những người mẹ, những người chị của những lính Mỹ này.

“Cậy ấy nghĩ nếu mình chết thế này thì ai sẽ là người đau đớn – chính là những người mẹ và những người chị của mình. Lúc đó cậu của Hương nghĩ về những người mẹ và chị của những người lính Mỹ đó,” Quế Mai nói.

Và nỗi đau còn dai dẳng sau khi cuộc chiến kết thúc.

Hương, trong cuốn sách, được biết đến một khía cạnh khác của con người Mỹ, mà trước đó cô cho là “những người chỉ biết thống trị quốc gia khác” qua một cuốn truyện mà bà Lan mua cho cô có tên “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.” Cô nhận thấy rằng người Mỹ cũng phải đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống và họ cũng thích ca hát, nấu nướng như người Việt.

Nhưng khi bố cô bị giết trong chiến tranh và khi mẹ cô trở về, sau khi xung phong làm y tá vào chiến trường để tìm bố cô, với nhiều nỗi đau, Hương thấy “căm hận những người Mỹ.” Và điều mà Hương có thể làm được là lấy cuốn sách “Ngôi nhà nhỏ trên Thảo nguyên” ra để xé những trang sách cuối cùng – những trang viết đẹp nhất về văn hoá về cuộc sống và con người Mỹ. “Cô muốn chối bỏ vẻ đẹp của họ bằng cách xé những trang cuối cùng của cuốn sách,” Quế Mai nói. “Nhưng đó là điều đau đớn nhất đối với cô và cô đã khóc khi làm điều đó.” Và Quế Mai cũng đã khóc khi viết những dòng đó.

Tha thứ

Bản thân Quế Mai cũng là một sự giằng xé về tha thứ.

Dù được tới Úc vào năm 20 tuổi để du học, Quế Mai vẫn là một người phụ nữ lớn lên ở Việt Nam và được nuôi dạy trong nước với cách tiếp cận của người Việt. Do đó, cô đã không dễ dàng có được sự tha thứ cho những người lính Mỹ khi nghĩ về cuộc chiến tranh Việt Nam.

“Nếu chúng ta không biết tha thứ cho người khác thì chúng ta chỉ gánh nặng cho bản thân mình.”
Lời bà Diệu Lan nói với cháu Diệu Hương trong cuốn sách


Năm 2008, trong lần đầu tiên tới thăm Washington DC cùng chồng, cô đã tới thăm Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Quế Mai đã cảm thấy “tức giận” khi bức tường đen chỉ có tên những người lính Mỹ mà không có tên những nạn nhân khác của cuộc chiến tranh, trong đó 3 triệu người Việt đã bị giết. Nhưng một bức thư đặt dưới chân bức tường mà Quế Mai đọc được đã làm cô thay đổi. Đó là bức thư một người con trai viết cho bố, người lính Mỹ tử trận có tên trên bức tường đen.

“Anh ấy viết là ‘cha ơi hôm nay là ngày sinh nhật của con gái con, ước gì cha không đến Việt Nam. Cha ơi tại sao cha phải đến Việt Nam. Tại sao cha phải chết,’” Quế Mai nói. “Tôi đã khóc. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến những nỗi đau của người Mỹ cũng như gia đình của họ trong chiến tranh.”

Sau 45 năm, có thể người Việt và người Mỹ đã không còn nhìn nhau là kẻ thù nữa nhưng những người Việt từng ở hai chiến tuyến dường như vẫn không thể tha thứ cho nhau.

Một người bạn Mỹ của Quế Mai thắc mắc rằng “Tại sao sự hàn gắn của người Việt, sự hoà giải nó khó khăn đến như vậy?”

“Vì chúng ta ở cùng một gia đình, chúng ta là anh em,” Quế Mai nói về trải nghiệm của những gia đình có người thân chiến đấu ở 2 chiến tuyến hay những người Việt đã phải rời bỏ tổ quốc ra đi. “Khi anh em gây ra đau đớn cho nhau thì sự tha thứ cho nhau khó hơn rất nhiều so với việc tha thứ cho người ngoài.”

Quế Mai nói rằng cô viết cuốn sách này cho người Việt, dù rằng sách được viết bằng Tiếng Anh vì nằm trong chương trình thạc sỹ của cô ở trường Lancaster ở Anh nhưng sau này sẽ được dịch sang tiếng Việt, và cô mong rằng nó sẽ đến với những “người Việt, dù đã từng đứng ở phía nào của cuộc xung đột, có mong muốn được hiểu nhiều hơn câu chuyện của phía bên kia.”

“Nếu chúng ta không biết tha thứ cho người khác thì chúng ta chỉ gánh nặng cho bản thân mình,” lời bà Lan nói với cháu Hương trong cuốn sách.

VOA Express

XS
SM
MD
LG