Đường dẫn truy cập

Thiệt hại nhân mạng tại Afghanistan gây áp lực rút quân Australia trước năm 2014


Thủ tướng Australia Julia Gillard 07/08/2012.
Thủ tướng Australia Julia Gillard 07/08/2012.
Trên căn bản thời gian tham chiến, Australia đã có mặt tại chiến trường Afghanistan lâu hơn cả. Trước đây, Việt Nam đã từng là cuộc chiến lâu dài nhất mà Úc tham dự từ năm 1962 đến năm 1972.

Trong cả hai cuộc chiến, Australia tham dự với tư cách là đồng minh của Hoa Kỳ. Theo chân Washington, Canberra dưới thời chính phủ bảo thủ John Howard đã bắt đầu chuyển một đơn vị gồm 1100 quân đến chiến trường Afghanistan vào cuối năm 2001, trong nỗ lực của đồng minh nhằm đánh bại chế độ Taliban, sau cuộc tấn công tại New York và Washington DC vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 mà trùm khủng bố Osama Bin Laden, lãnh tụ của tổ chức Al-Qaeda được coi là kẻ chủ mưu.

Cũng như trong cuộc chiến Việt Nam, khởi đầu dân chúng Úc Châu ủng hộ – hay ít nhất là không chống đối mạnh mẽ - quyết định của chính phủ để chống lại sự đe dọa của các tổ chức khủng bố quốc tế, mà Canberra lập luận là có thể phương hại đến nền an ninh của Úc Châu.

Trong cuộc chiến Việt nam, Đảng Lao Động Úc ở thế đối lập, luôn luôn chống đối quyết định tham chiến của chính phủ bảo thủ của các Thủ tướng Robert Menzies, Harry Holt, John Gorton và Bill McMahon. Trái lại, trong cuộc chiến Afghanistan, Đảng Lao Động ở thế đối lập dưới thời lãnh tụ Kim Beazley, cũng như khi nắm chính quyền dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd và nữ Thủ tướng Julia Gillard, luôn luôn ủng hộ đồng minh Hoa Kỳ.

Cũng khác với Việt nam, khi Australia luân chuyển 50 ngàn quân nhân phục vụ trong 10 năm với sự thiệt hại nhân mạng là 512 chiến binh tử trận, thiệt hại nhân mạng tại chiến trường Afghanistan tương đối thấp và do đó, áp lực chính trị ít khi biến thành những cuộc biểu tình tuần hành qui mô tại các thủ phủ và thành phố lớn Úc Châu.

Thêm vào đó, yếu tố tình cảm do việc gửi tân binh quân dịch phục vụ chiến trường Việt nam không hề là vấn đề khó khăn tại chiến trường Afghanistan, vì Australia đã bãi bỏ chế độ quân dịch từ cuối năm 1972, sau khi kết thúc cuộc tham chiến ở Việt nam.

Bởi vậy, trong tuần qua, khi chỉ trong một ngày mà 5 chiến binh Úc tử trận tại chiến trường Afghanistan, đã làm công luận bàng hoàng và giới truyền thông đồng loạt chạy tít lớn “Thiệt hại nhân mạng lớn nhất kể từ cuộc chiến Việt Nam ”. Trong cuộc chiến Việt Nam, ngày đau buồn của Quân lực Hoàng gia Úc cũng chính là ngày chiến thắng vẻ vang tại Long Tân khi 18 quân nhân Úc tử thương.

Trái lại trong tuần qua, ngày đau buồn ấy không đi kèm với một chiến thắng quân sự nào. Lý do là vì 3 trong số 5 quân nhân Úc tử trận là do hành vi phản bội của một trung sĩ quân đội Afghanistan mà quân đội Úc đang huấn luyện và 2 chiến binh đặc nhiệm khác thiệt mạng vì tai nạn phi cơ trực thăng của Mỹ.

Sự hi sinh của 5 chiến binh Australia không được bù trừ bởi một chiến công nào tại mặt trận. Và điều này càng khiến công luận đặt dấu hỏi về giá trị của việc tiếp tục tham chiến của Australia.

Dân biểu Andrew Wilkie, một cựu trung tá trong quân lực Úc và là 1 trong 4 dân biểu độc lập ủng hộ chính phủ thiểu số Julia Gillard, đã lên tiếng cáo buộc:

"Máu của những chiến binh này đang dính trên bàn tay của cựu Thủ tướng John Howard, cựu Thủ tướng Kevin Rudd và Thủ tướng Julia Gillard. Hôm nay, sự hi sinh của họ là hồi chuông cảnh tỉnh. Tất nhiên, chúng ta không muốn nhìn thấy chiến sĩ Úc tiếp tục đổ máu tại chiến trường Afghanistan. Đây không phải là quyền lợi quốc gia để Úc duy trì sự hiện diện của quân đội chúng ta."

Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Dân biểu Stephen Smith phải lên tiếng trấn an và phản biện:

"Chúng ta không thể lưu lại Afghanistan một cách vĩnh viễn, chúng ta không muốn lưu lại Afghanistan vĩnh viễn, nhưng ngược lại, cũng là điều sai lầm, nếu chúng ta rời khỏi Afghanistan trước kỳ hạn hoặc là vào ngày mai, như một vài người đã đề nghị."

Tiếp lời Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Đại tướng David Hurley, Chủ tịch Bộ Tổng Tham Mưu liên quân Australia, nhận định:

"Tại sao đây là một vấn đề chiến lược? Là vì nếu chúng ta bỏ cuộc, thì Taliban sẽ chiến thắng."

Sự việc xảy ra khi Thủ tướng Julia Gillard đang có mặt tại Đảo Quốc Cook Islands để tham dự Hội Nghị Đảo Quốc Thái Bình Dương – The Pacific Islands Forum – một diễn đàn của các nước nhỏ trong vùng biển đang càng ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược, trong bối cảnh định vị mới của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương và trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng với chương trình viện trợ kinh tế tài chánh to lớn. Chính vì thế mà Ngoại trưởng Mỹ Hiliary Clinton lần đầu tiên đã đến tham dự – và theo chương trình, dự trù gặp gỡ Thủ tướng Úc và Thủ tướng New Zealand.

Australia và New Zealand là hai cường quốc thường trực trong Diễn Đàn này.
Thế nhưng, vì nhu cầu quốc nội tiếp theo sự hi sinh của 5 chiến binh Úc trong một ngày tại Afghanistan, Bà Julia Gillard đã phải trở về Canberra để nắm vững tình hình chính trị:

"Tôi không thể và sẽ không chấp nhận trao cho kẻ thù một chiến thắng, kẻ thù đang nỗ lực giết hại chiến binh Úc Đại Lợi."

Bối cảnh chính trị của Australia như là một cường quốc dân chủ bậc trung, chỉ có 22 triệu dân, và thiệt hại quân sự của một quân lực không quá 50 ngàn người. Từ Hội Nghị Đảo Quốc Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Hilary Clinton đã điện đàm với Thủ tướng Julia Gillard để khuyến khích Australia tiếp tục nhìn vấn đề Afghanistan trên bình diện rộng lớn và những tiến bộ đã đạt được.

Ngoại trưởng Clinton nói rằng Hoa Kỳ và đồng minh Australia không thể để Afghanistan trở thành căn-cứ-địa an toàn cho những tổ chức khủng bố đe dọa tất cả chúng ta. Bà Hilary Clinton nói:

"Tôi đã điện thoại Thủ tướng Julia Gillard để ngỏ lời phân ưu và chia sẻ quan điểm với Úc. Và mặc dù chúng ta phải đối diện với nhiều thử thách, kể cả những thiệt hại nhân mạng vì bọn khủng bố và những phần tử phản bội, nhưng chúng ta nhất quyết tiếp tục sứ mạng này."

Nỗ lực của chính phủ Úc trong việc trấn an công luận không dễ dàng gì hơn, khi tại Kabul, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai lên tiếng chỉ trích quân đội Austrlaia là đã vi phạm thỏa hiệp hành quân, khi quân đội Úc tảo thanh truy lùng trung sĩ Afghanistan phản bội. Từ đầu năm 2012 đến nay, 45 chiến binh đồng minh NATO, đã bị các phần tử mặc quân phục quân đội Afghanistan, phản bội và giết hại.

Theo lời Tổng thống Karzai, quân đội Úc đã hành quân đơn phương, thay vì hành quân hỗn hợp với quân đội Afghanistan trong cuộc truy lùng này như đã thỏa thuận, nhưng phát ngôn viên Quân Lực Hoàng Gia Úc cải chính và xác quyết rằng quân đội Úc đã hành quân đúng theo qui định giữa NATO và chính phủ Kabul.

Hiện nay Australia có 1.500 quân đồn trú tại Tỉnh Uruzgan mà nhiệm vụ chính là huấn luyện quân đội và cảnh sát Afghanistan. Quân lực NATO, kể cả Úc, dự trù sẽ rời khỏi Afghanistan vào năm 2014.

Ngọc Hân tường trình từ Sydney Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG