Hầu hết những người trong làn sóng người di dân và tị nạn tràn vào Âu châu là những người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở Syria và các nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, trong đó cũng có hàng vạn người Afghanistan muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thông tín viên Jeff Swicord của đài VOA đã nói chuyện với một thiếu niên Afghanistan trên đảo Lesbos của Hy Lạp.
Trên một ngọn đồi nhìn xuống cảng Mytilene của đảo Lesbos, anh Mohamed Eckberry ngồi dưới bóng cây với 5 người bạn Afghanistan và thuật lại những chuyện đã xảy ra trong 20 ngày qua, sau khi anh rời nhà ở Kabul để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn ở Châu Âu.
Eckeberry năm nay 17 tuổi. Cha mẹ anh cảm thấy ngần ngại, không muốn anh bỏ nước ra đi, vì họ sợ anh sẽ bị những kẻ đưa lậu người giết chết hay bị chết đuối trên biển. Nhưng họ cũng lo nghĩ rất nhiều về cuộc chiến tranh không có hồi kết và tình hình khó khăn trong nước. Với tiếng Anh lưu loát, chàng trai còn học bậc trung học này nói với phóng viên đài VOA “Nếu tôi ở lại Afghanistan tôi không thể tiếp tục đi học. Tôi thật sự không có tương lai ở Afghanistan. Tôi muốn đi học và tiếp tục việc học ở Châu Âu.”
Rốt cuộc cha mẹ Eckeberry đồng ý cho anh vượt biên, và anh đã cùng 5 người bạn lên đường để tìm kiếm một tương lai mà anh hy vọng là tốt đẹp hơn.
Một cuộc hành trình nguy hiểm
Ra khỏi Afghanistan không phải là một chuyện dễ dàng. Những kẻ đưa lậu người đưa Eckeberry và 21 người khác vượt biên sang Iran. Anh nói “Họ dồn 22 người lên một chiếc xe con. Họ dồn chúng tôi lên xe, chật cứng như cá hộp. Đó là kinh nghiệm tệ hại nhất trong đời tôi.”
Cuộc vượt biên từ Iran vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầy dẫy những sự nguy hiểm. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phát giác họ và nổ súng trong lúc rượt đuổi họ. Những thanh niên vuợt biên túa chạy lên núi và trốn ở đó trong 3 ngày. Eckeberry kể lại “Có nước để uống, vì nước chảy từ trên núi xuống. Nhưng không có thức ăn, không có bánh mì, không có gì hết và đến đêm khí trời rất lạnh. Tôi tưởng là chúng tôi sẽ chết trên ngọn núi đó.”
Chuyến đi dài 3km từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Lesbos cũng nguy hiểm không kém. Những kẻ đưa lậu người dồn 60 người lên một chiếc xuồng phao vốn chỉ chứa được 10 người. Những chiếc xuồng phao này thường chạy bằng một động cơ từ 15 cho tới 20 mã lực do Trung Quốc chế tạo và có tỉ lệ hư hỏng rất cao.
Những kẻ đưa lậu người không lên xuồng với những người vượt biên. Họ chỉ định một người nào đó cầm lái, rồi chỉ tay về hướng chân trời hoặc một ánh sáng ở nơi xa trong đêm tối, và nói cứ thế mà chạy tới. Nhiều bãi biển ở Lesbos tràn ngập những xuồng phao cao su mà người vượt biên bỏ lại.
Anh Eckeberry cho biết anh và 5 người bạn lên xuồng cùng với khoảng 50 người khác. Giữa đường, động cơ bị nước biển tràn vào và không chạy được nữa. Anh nói “Những ngọn sóng thật cao. Chúng tôi tưởng mình sắp chết ở giữa biển. Sau đó, chúng tôi trôi giạt trên biển.”
Rốt cuộc, lực lượng tuần duyên Hy Lạp trông thấy họ và đưa họ tới đảo Lesbos.
Đi theo hướng bắc để tới Châu Âu
Vì không thích thức ăn của trại tị nạn ở ngoại ô Mytilene, cho nên Eckeberry và những người bạn của anh đến văn phòng của một công ty lữ hành trong thành phố để mua vé phà đi Athens. Mỗi buổi sáng, hàng trăm người di dân xếp hàng để mua vé tại các văn phòng này.
Chiếc phà tới Athen rất lớn, tương đương với một chiếc tàu du lịch cỡ nhỏ, nhưng vé bán hết rất nhanh. Sau khi xếp hàng 4 giờ đồng hồ, Mohamaed Eckeberry và bạn anh đã mua được vé cho ngày hôm sau.
Anh lấy tấm vé phà cùng với giấy tờ ghi danh có hình của anh trong túi ra để khoe và hỏi phóng viên VOA “Giấy này có dùng được ở mọi nước Châu Âu hay không?”
Sau khi đã dùng hết tiền để mua vé phà, Eckeberry và các bạn anh định quay lại trại tị nạn để được ăn miễn phí. Khi được nhắc nhở là anh sẽ cần nhiều tiền để tiếp tục cuộc hành trình từ Athens đi lên hướng bắc để tới các nước Tây Âu, chàng trai này trả lời với một thái độ lạc quan “Gia đình của chúng tôi sẽ gởi tiền cho chúng tôi tới một ngân hàng ở Athen. Chúng tôi sẽ không quay về nước.”