Đường dẫn truy cập

Thơ văn Nhã Ca


Nhã Ca (ngồi hàng đầu bím tóc) cùng cô giáo và bạn học nơi sân trường Đồng Khánh
Nhã Ca (ngồi hàng đầu bím tóc) cùng cô giáo và bạn học nơi sân trường Đồng Khánh

Cuối thập niên 60, Nhã Ca là nhà văn làm chúng ta có những lúc khóc cười giữa thành phố. Khóc vì chiến tranh, vì những ước mơ hòa bình chẳng bao giờ tới. Hai mươi năm sau, bà không làm chúng ta cười được nữa vì những cảnh đổi đời từ 1975.

Ai về đó mà thơm hồn lụa bạch
Cổ chim xanh còn quấn quít tơ vàng


Với những vần thơ đẹp như mơ ấy, mời quý vị và các bạn đến với Nhã Ca, với thơ văn của một người con gái Huế, vời vợi hương thơm và quấn quít tơ vàng trong Câu chuyện Thơ Nhạc của Đài VOA đêm nay…

Độc giả miền Nam biết đến Nhã Ca với bài thơ Nhã Ca Thứ Nhất ký tên Trần Thy Nhã Ca đầu thập niên 1960. Nhưng trước đó, giữa thập niên 1950, thuở học trò, Nhã Ca đã có thơ đăng trên các tuần báo văn nghệ học sinh, Văn Nghệ Tiền Phong ở Saigon ký tên thật là Thu Vân. Năm 1964, thơ được in thành tập Nhã Ca Mới, được trao Giải Thi Ca Toàn Quốc năm 1965. Giải văn toàn quốc Giải Khăn Sô Cho Huế năm 1969.

Tên tuổi Nhã Ca được yêu mến, bà nổi tiếng khắp miền Nam.

Theo nhà biên khảo Đặng Tiến, cái gọi được là thơ trong Nhã Ca, trước hết là một không gian.

Sân chiều chao nhẹ dăm tờ lá
Và khói sương về cuộn cánh song


Buổi chiều xa xưa ở đây không còn hiu hắt như trong Huy Cận hay đằm thắm như trong Xuân Diệu. Buổi chiều của Nhã Ca chao nhẹ, chao thật nhẹ như trong Nhất Linh. Những buổi chiều vô cùng mịn màng, óng ả, mềm mại, dìu dặt… mà đặc biệt trong thơ Nhã Ca mới có.

Ngày cũng vừa xanh dáng tịch liêu
Đường xa sầu tiếp với cây chiều
Bầy chim én cũ qua thành phố
Về gọi thời gian vỗ cánh theo

Thôi trả cho dòng sông tối đen
Trả cho người đó nỗi ưu phiền
Còn đây chút tủi hờn thơ dại
Rồi cũng xa vời trong lãng quên


Thiếu nữ thời ấy-thập niên 1960 rất yêu truyện của Nhã Ca. Văn Nhã Ca nhẹ nhàng và đẹp như một bài thơ. Nhân vật chính trong các truyện đa số là những cô bé học sinh mới lớn, nhiều mơ mộng. Khung cảnh trong truyện vẫn là một góc thành phố, một góc sân trường, một thế giới nhỏ bé, nhưng vẫn xảy ra những biến động quay quắt, những uẩn khúc bi thương (Quỳnh Giao)

Mời quý vị và các bạn thưởng thức một đoản văn trong truyện dài Cổng Trường Vôi Tím.

Ánh nắng đã trôi dồn cho một bình minh của phương trời khác. Buổi chiều trong vườn cây thật lặng lẽ, ngoài tiếng gió, tiếng lá xào xạc. Dòng sông êm như mơ. Bên kia sông là lau lách, là những mái nhà bị che khuất bởi vườn cây, bởi những bến sông. Đời có bao nhiêu bến sông, và tôi còn ngồi ở một bến.

Một con thuyền từ phía dưới ngược lên thành phố. Người đàn bà lái đò lặng lẽ chèo, nhưng tôi nghe như từ mặt nước bốc lên một giọng hò, như lãng đãng vương vất từ những đêm trăng, trước những đêm trăng tôi và chị Phương Thảo ra ngồi ở đây, nhìn ánh trăng vàng tràn trên mặt nước, nghe xuôi phía dưới dòng tiếng hò vang lên, tôi gục đầu vào vai chị Thảo mơ màng…


Mười tám năm sau cuộc đổi đời 1975, người ta thấy mực tím đã chan hòa thành máu. Khuynh hướng văn chương lãng mạn cho tuổi mười sáu đã bị xô đẩy, nhận chìm.

Ngày nay, theo Quỳnh Giao, được đọc lại Nhã Ca sau gần ¼ thế kỷ, sau những biến động và đổi thay khốc liệt của một dân tộc, đọc lại Nhã Ca ở một không gian hoàn toàn khác lạ, viết về một thế giới đã trở thành xa lạ trong không gian hải ngoại. Hoa Phượng Đừng Đỏ Nữa của bà vẫn viết về thành phố, nhưng, một thành phố đã mất tên. Vẫn viết về trường học và bầy con gái, nhưng trường học đã biến thành trại nuôi heo, và bầy con gái đã được “nàng tiên cách mạng” với cây đũa thần của hộ khẩu biến thành những đứa trẻ tật nguyền của một xã hội què cụt.

Những Vẫn Có Mùa Xuân, Dạ Lai Hương, Vĩnh Biệt Hương…, tình thương làm nổi bật vẻ dửng dưng đến man rợ của nhưng con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa.

Cuối thập niên 60, Nhã Ca là nhà văn làm chúng ta có những lúc khóc cười giữa thành phố. Khóc vì chiến tranh, vì những ước mơ hòa bình chẳng bao giờ tới. Cười vì nhưng ngây thơ ngộ nghĩnh của lớp tuổi con gái.

Hai mươi năm sau, bà không làm chúng ta cười được nữa vì những cảnh đổi đời mà bà và gia đình cũng là những nạn nhân hàng đầu. Trong mỗi truyện có những đoạn làm người đọc rơi nước mắt và nếu có cười, chỉ là những nụ cười méo mó nở ra giữa khổ đau…

Thực tại thê thảm quá, khủng khiếp quá.

Trong cơn lốc 1975, miền Nam đắm chìm trong đau khổ. Chia ly, tan tác, đói khổ, bị hành hạ…

Trần Dạ Từ, người bạn đời của Nhã Ca đã có những vần thơ trong tù cho vợ:

Tôi không biết giờ này em ra sao
Có lượm lại đủ con cái tan tác không
Tôi không biết giờ này chúng thế nào
Em có gì để ăn, cho chúng ăn
Em có cách gì để thở, cho chúng thở
Em còn chỗ nào nương náu, tạm bợ


Trong cơn lốc 1975, miền Nam đắm chìm trong đau khổ. Chưa nói đến sự hành hạ trong tù, đời sống bên ngoài với bao thảm cảnh chia ly, tan tác, đói khổ… như nội dung bài hát Thằng Bé Tát Dầu của Phan Văn Hưng và Nam Dao, giọng hát tác giả diễn tả.

Trong nỗi đau đớn ngậm ngùi ấy, Bích Huyền xin lưu luyến chia tay… Một lần nữa, làm sao chúng ta có thể ngủ ngon mộng đẹp đêm nay đây, thưa quý vị và các bạn?


Nhã Ca và năm con gái tại Hoa Kỳ

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG