Đường dẫn truy cập

Thỏa thuận ‘ngầm’ cho người ‘ngoài cuộc’ khai thác dầu khí ở Biển Đông?


Tàu cảnh sát biển Trung Quốc rượt đuổi tàu cảnh sát biển Việt nam khi lực lượngViệt Nam đến gần giàn khoan thăm dò dầu của Trung Quốc HD-981 ở Biển Đông ngày 15/7/2014.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc rượt đuổi tàu cảnh sát biển Việt nam khi lực lượngViệt Nam đến gần giàn khoan thăm dò dầu của Trung Quốc HD-981 ở Biển Đông ngày 15/7/2014.

Việc một công ty Hàn Quốc phát hiện dầu mỏ trong vùng biển mà 6 chính phủ đang tranh giành chủ quyền cho thấy cách người “ngoài cuộc” khai thác nguồn tài nguyên biển tại đây mà không làm gia tăng căng thẳng chính trị đã kéo dài nhiều thập niên.

Công ty dầu khí của Hàn Quốc SK Innovation Corporation vừa phát hiện dầu thô tại một khu vực do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông.

Trường hợp này cho thấy các công ty thuộc các quốc gia bên ngoài tranh chấp Biển Đông, một khu vực giàu tài nguyên, có thể thăm dò dầu khí bằng cách ký hợp đồng với một trong các chính phủ có tuyên bố chủ quyền. Theo các nhà phân tích, các chính phủ thường cho thuê các lô nằm trong 370 km vùng đặc quyền kinh tế của họ, thay vì đi ra xa hơn, nơi có nhiều xung đột hơn.

“Điều này không phải là hiếm, nhưng dĩ nhiên là bất cứ khi nào phát hiện ra tài nguyên, người dân sẽ lại đặt câu hỏi, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi có nhiều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”, Giáo sư Oh Ei Sun, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Nanyang của Singapore, nhận định.

Để người ngoài dò tìm

Có 6 quốc gia tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng 3,5 triệu cây số vuông, trải dài từ Đài Loan đến Singapore. Đó là Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Một phần nguyên nhân tranh chấp là để giành quyền kiểm soát nguồn dầu khí dưới biển. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, bên dưới Biển Đông có một lượng dầu lên đến khoảng 11 tỷ thùng và khoảng hơn 500 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.

Trung Quốc, nước có sức mạnh quân sự lớn nhất, tuyên bố chủ quyền khoảng 90% khu vực. Việc xây đảo của Bắc Kinh từ năm 2010 đã khiến các chính phủ khác nổi giận, dẫn tới phán quyết của tòa án quốc tế chống lại Bắc Kinh vào năm 2016.

Tuy nhiên, Ấn Độ và Tây Ban Nha đã làm việc với Việt Nam từ năm 2016 để dò tìm nhiên liệu dưới đáy biển. Philippines cũng đã làm việc với công ty có tên Diễn đàn Năng lượng có trụ sở ở Mỹ vào năm 2012 với mục tiêu tương tự. Năm 2014, Shell và đối tác Malaysia cũng phát hiện ra khí đốt thiên nhiên.

Công ty SK Innovation cho biết trên trang web rằng họ đã phát hiện ra một bể dầu dày 34,8 mét ở độ sâu hơn 2.000 mét hồi năm ngoái. Sản lượng dầu được kiểm định lên đến 3.750 thùng mỗi ngày.

Công ty này bắt đầu dò tìm dầu khí từ năm 2015 với tư cách là chủ sở hữu 80% lô dầu còn thuộc Tập đoàn Khai thác Dầu Khí quốc gia Trung Quốc. SK Innovation bắt đầu kinh doanh dầu khí vào năm 1983 bằng cách mua lại các cổ phần ở Indonesia, quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên một phần nhỏ ở Biển Đông.

Giáo sư Alan Chong của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho biết các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang âm thầm gạt tranh chấp chính trị sang một bên để khai thác tối đa kinh tế dầu mỏ toàn cầu, có khi thông qua việc liên doanh.

“Phức tạp càng chồng chất. Và do đó gián tiếp ai đó sẽ được hưởng lợi theo chiều hướng này, mặc dù về mặt chính thức, các chính phủ đối đầu nhau”, giáo sư Alan Chong nói. “Trong khi các chính phủ đang chính thức vẽ ranh giới quanh khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, bản thân tôi cho rằng họ đang nhắm mắt làm ngơ tất cả các mối liên hệ thương mại ngầm này”.

Mở thầu cho ‘người ngoài cuộc’

Hầu hết các hợp đồng thăm dò nhiên liệu liên quan đến các công ty bên ngoài đều diễn ra khi một nước có tuyên bố chủ quyền đưa ra đấu thầu một lô trên biển. Các nhà phân tích cho hay các lô này thường nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia mở thầu nhằm giảm thiểu nguy cơ tranh chấp, mặc dù các khu vực này thường bị tranh chấp vì các tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.

Chuyên gia kinh tế Song Seng Wun của chi nhánh ngân hàng tư nhân CIMB ở Singapore, nói: “Cho đến thời điểm này, tôi không cho rằng việc đó đã đi quá xa trong khu vực vốn có nguy cơ tiềm ẩn. Cũng không ai muốn dính vào lúc này”.

Ông Song Seng Wun nói thêm: “Tôi nghĩ việc này được kiểm soát khá tốt”.

Giữa năm 2017, công ty Repsol của Tây Ban Nha đột ngột dừng dò tìm dầu trong một khu vực do Việt Nam kiểm soát nhưng có tranh chấp với Trung Quốc. Bắc Kinh đã gây áp lực buộc Việt Nam phải từ bỏ dự án, các học giả chính trị cho biết vào thời điểm đó.

Theo giáo sư Oh, các công ty dầu mỏ có thể không quan tâm đến nguy cơ chính trị vì họ đã quen với các dự án ở khu vực Trung Đông đầy bất ổn về chính trị. Điều họ lo sợ hơn, theo lời ông Oh, là viễn cảnh không tìm thấy nhiên liệu dưới đáy biển sau khi chi ra hàng tỷ đôla.

XS
SM
MD
LG