Có một số liệu thống kê lặp lại nhiều lần đến nỗi người ta không còn chú ý nữa: có đến một nửa thực phẩm mà thế giới sản xuất ra đã bị vứt đi, thay vì để ăn. Nhưng những người tiêu dùng lãng phí ở các quốc gia giàu có không phải là thủ phạm duy nhất, mà tệ nạn này cũng xảy ra ở các nước nghèo. Cộng tác viên Liên Hoàng gởi bài tường thuật về từ Bình Dương.
Theo ông Elliot Wooley, giảng viên về sản xuất bền vững tại Đại học Loughborough, Anh, các nước nghèo cũng vứt đi thực phẩm hoàn toàn tốt, đôi khi với mức độ không khác gì các nước giàu.
Nhưng điều đáng chú ý là các nước phát triển và đang phát triển có nguyên nhân khác nhau và giải pháp khác nhau cho sự lãng phí, dù đó là thực phẩm hay bất kỳ sản phẩm nào khác mà cuối cùng cũng bị vứt ra bãi rác.
Ở những nơi nghèo như Chad, ông Woolley cho biết, thực phẩm thường bị hư hỏng trong khi vẫn còn trên cánh đồng hoặc trong quá trình tồn trữ và vận chuyển, do sự thiếu hiệu quả trong kinh doanh. Một khi sản phẩm được bán, các gia đình có xu hướng ăn tất cả mọi thứ mà họ mua. Điều đó khác hẳn với người Anh, Mỹ và những người tiêu dùng khác, là những người bỏ đi một nửa số thực phẩm đã mua.
“Tôi nghĩ rằng đây là một điều đáng xấu hổ”, ông Woolley nói hôm thứ Tư tại Hội nghị Toàn cầu thường niên lần thứ 13 về Sản xuất Bền vững, được tổ chức bởi trường Đại học Việt – Đức.
Tương tự như vậy, các nước giàu và các nước nghèo có những cách khác nhau để ngăn chặn sự lãng phí, nói cách khác là tái chế. Ví dụ, Úc và Anh tái chế 30-40% rác thải so với chỉ 10-20% tại Việt Nam và Malaysia, ông Brendan Moloney, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về kỹ thuật tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết.
Và vì thế, những nhà tái chế tại các quốc gia này kiếm được nhiều tiền hơn, ông Moloney cho biết trong một bài phát biểu tại hội nghị, bởi vì chi phí cơ sở hạ tầng thấp hơn, như khoản tiền lương không chính thức cho người nhặt rác. Thêm vào đó, một số vật liệu tái chế như thủy tinh và kim loại có thể được bán với giá quốc tế, bất kể khu vực địa lý mà chúng được thu nhặt.
“Đó là một lĩnh vực thu lợi nhuận cao hơn nhiều tại các thị trường mới nổi”, ông Moloney nói.
Điện thoại thông minh và các ứng dụng
Sự khác nhau giữa các nước đề ra yêu cầu cho các giải pháp theo nhu cầu. Câu trả lời của ông Woolley cho việc lãng phí thực phẩm là gì? Có một ứng dụng cho điều đó. Ông đã xây dựng ứng dụng “Pantry” để giúp người sử dụng theo dõi thực phẩm của họ. Ông cho biết, điều này có thể giúp giảm lượng thực phẩm bị lãng phí tới 34%.
Các kết quả dựa trên một cuộc thử nghiệm rất hạn chế, giám sát thực phẩm trong vòng 1 tuần. Ứng dụng này sẽ thông báo cho người sử dụng bao nhiêu thực phẩm đã mua, khi nào thì hết hạn và làm thế nào để kết hợp các thực phẩm còn lại bằng các công thức nấu ăn.
Nhưng một trong những người tham gia buổi thuyết trình cho biết sẽ tốt hơn nếu ngăn chặn việc mua quá nhiều thực phẩm ngay từ đầu. Ông Jeremy Bonvoisin, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Berlin cho biết, khách hàng sẵn sàng lãng phí thực phẩm vì không coi trọng chúng.
“Vấn đề là thực phẩm tồn trọng trở nên quá lớn vì giá trị của thực phẩm đang trở nên rẻ hơn”, ông nói.
Bonvoisin cho biết Pantry App có thể giúp đỡ những người đã muốn một sự thay đổi, mặc dù nó cũng có thể khuyến khích họ để lãng phí nhiều hơn bởi vì họ không còn phải chú ý đến bao nhiêu thực phẩm họ mua. Họ dựa vào ứng dụng.
“Tôi nghĩ rằng ở một thời điểm nào đó nó có thể có những tác dụng không mong muốn”, ông nói.
Nền kinh tế nhặt rác
Giống như tái chế, Moloney nói rằng các nước đang phát triển nên cải thiện điều kiện an toàn và sức khỏe, trong khi vẫn được hưởng lợi từ các nhà tái chế không chính thức. Bởi vì người nhặt rác dùng tay để phân loại những thứ nhặt được, họ có thể lọc được nhiều vật liệu tái chế, chẳng hạn như hàng dệt may và các loại đồng khác nhau, chứ không chỉ là giấy và nhựa.
Các quốc gia tiên tiến dựa vào máy móc có thể phân loại một cách cơ bản qua chất liệu và màu sắc, trong khi những người nhặt rác còn có thể phân loại theo kích thước và hình dạng. Ông Moloney cho biết, các quốc gia giàu có hơn có thể tận dụng quy mô của nền kinh tế để tái chế trong các cơ sở lớn hơn, vì vậy họ có năng lực để thực hiện việc phân loại phức tạp hơn.
Tuy vậy, ông Moloney ca ngợi các nước giàu tái chế nhiều nguyên liệu hơn bao giờ hết vì họ có những chính sách mạnh mẽ tại địa phương. Ông nêu ra dữ liệu của Vương quốc Anh, nơi đã tái chế hơn 25% rác, so với 6-7% của hai thập kỷ trước đây. Nhưng ông không thể so sánh với các nước đang phát triển, mà theo ông, có xu hướng không lưu giữ số liệu thống kê như vậy.