Đường dẫn truy cập

Thư Berlin: Tết Nhâm Dần và nỗi niềm Việt Nam hóa hổ


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Sa Huỳnh (gởi VOA từ Berlin)


Cọp là linh vật biểu tượng phong thủy cho con giáp năm tới tại Việt Nam cùng nhiều nước Á châu, như Ấn Độ, Bhutan, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Singapore, Thái Lan, Triều Tiên, Trung Quốc - Hồng Kông.

Con giáp chúa tể sơn lâm, dũng mãnh, oai phong hình như cũng giúp cho người mang mệnh tuổi này có được một tâm thái lẫm liệt, hùng mạnh. Chúa sơn lâm chẳng ngán bất kỳ sinh vật nào, hiên ngang đây đó, không lẫn trốn, ẩn nấp, chỉ ngoại trừ lúc săn mồi, cần giấu mình, gây bất ngờ cho những con mồi trong tầm ngắm.

Cái oai hùm này cũng “báo hại” mạng sống của chúng, bởi cánh đàn ông thường tin rằng “cao hổ cốt” sẽ giúp tăng cường sinh khí, bền bỉ, dẻo dai, nên họ không ngại quăng cả đống tiền mua hổ cốt về ngậm, nhai, nuốt... Không biết kết quả thật sự ra sao, nhưng trước mắt thấy tội cho mấy chú cọp, vì vậy mà bị chết oan.

Chính tôi hồi bé ở vùng miền Trung, quê Quảng Nam, mẹ thấy tôi hay bệnh liên miên, nên tìm đến tận miền ngược, chợ trên triền núi, mua cho tôi một cái vuốt cọp mài nhọn về đeo vào cổ làm bùa. Chẳng biết từ đó tôi có ít bệnh hay không, nhưng chắc chắn mẹ tôi vô cùng an tâm.

Cọp còn được thiên hạ gọi là “Ông Ba mươi”, dựa theo truyền thuyết Phạm Nhĩ là tướng của nhà Trời, bị mắc lỗi làm loạn, nên Ngọc Hoàng đày xuống dương gian, làm thân con cọp. Thế nhưng vẫn tính nào tật ấy, hóa thân của ông tiếp tục đi phá làng phá xóm, gây náo loạn và sợ hãi cho nhân gian. Nhà vua ra lệnh, ai bắt được cọp thì thưởng cho ba mươi lạng vàng.

Cọp cũng được gọi là “con hùm”. Bởi thế ai mượn danh người khác để dọa nạt, thì được coi là kẻ yếu đuối nhưng mượn oai hùm. Người có lòng dạ độc dữ thì gọi là “miệng hùm – nọc rắn”. Khi bước vào chốn nguy hiểm đe doạ đến tính mạng, người ta gọi là vào “hang hùm”.

Nhưng „“hùm” không phải chỉ để ám chỉ những điều xấu, mà cũng để chỉ tướng mạo anh hùng, như câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766 – 1820) tả Từ Hải: “Râu hùm, hàm én, mầy ngài - Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” , hoặc như “Trướng hùm mở giữa trung quân - Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi”.

Và khi “hổ tướng” Từ Hải bị bủa vây, lâm vào kế hiểm mà tử trận, thì Nguyễn Du đã viết “Đang khi bất ý chẳng ngờ - Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn - Tử sinh liều giữa trận tiền - Dạn dày cho biết gan liền tướng quân”.

Và vì oai hùng, mạnh mẽ như thế nên ai cũng muốn mạnh như cọp.

Thời gian qua, nước Việt Nam ta cũng mơ biến thành rồng, thành hổ. Phát triển vượt bậc, đặc biệt về kinh tế, để đưa dân tộc đến bến bờ ấm no, hạnh phúc. Và thực tế kể từ khi hai nước cựu thù Mỹ-Việt bắt tay nhau quên quá khứ, cùng nhìn về tương lai. Với sự kiện lịch sử là Mỹ đồng ý bỏ lệnh cấm vận, nước Việt đã từng bước, từ con mèo nhỏ xíu, nay đã thay đổi vóc dáng, dù chưa giống hổ lắm, nhưng cũng đã tiến lên con đường... hoá hổ. Và từ đó, chuyện hóa rồng, để có thể càng bay cao và xa hơn, chắc cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Thế nhưng cũng có những lực cản sự tiến hoá này.

Đó là sự tiến triển không đồng bộ, giữa thể chế chính trị đã lỗi thời, với nền kinh tế tự do và năng động. Là sự trì trệ trong tư duy của những người mang trách nhiệm, đưa đất nước tiến lên thành “hùm”. Họ theo không kịp bước đi thời đại. Phải chăng họ còn đang ngủ quên trong vòng nguyệt quế, hô hào thời đại 4.0, nhưng cách làm vẫn còn thiếu khoa học, lạc hậu, theo kiểu du kích quân thời chiến tranh. Một số người tuyên bố nhiều chương trình to lớn, quyết tâm tiến lên dẫn đầu thế giới, gây hào hứng nhất thời trong xã hội, nhưng kết quả đạt được rất nghèo nàn, chỉ vì quá xa rời thực tế.

Nhưng dù sao chúng ta cũng công nhận, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công ngoạn mục. Từ một nước nghèo thiếu ăn, đã vươn lên trong vòng 30 năm, thành một nước có thu nhập đang ở mức trung bình thấp. Tạo ra được một lớp trung lưu đáng kể. Có hơn chục tỉ phú đô la, có tên trong danh sách những người giàu của thế giới. Đường xá, cầu cống, nhà cửa các thành phố được xây dựng nhiều, hiện đại và đẹp. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đáng kể. Vị thế Việt Nam trên trường thế giới được tôn trọng hơn. Việc lệ thuộc vào Trung Quốc cũng đã bớt dần đi, sau khi Việt Nam có những dấu hiệu nghiêng về các nước dân chủ phương Tây, trong chiến lược bảo vệ chủ quyền đất nước, đặc biệt trong vùng biển Đông, nơi Trung Quốc đang đe dọa chiếm phần lớn lãnh hải.

Tuy vậy, nếu suy cho kỹ, thì đa số lớp người giàu Việt Nam chủ yếu nhờ vào kinh doanh bất động sản. Mà như thế chẳng mang đến lợi ích gì cho xã hội. Vì bất động sản không phải là một sản phẩm có giá trị thặng dư, giúp phát triển đời sống dân chúng. Cụ thể, nếu các nhà tỉ phú lập ra được những nhà máy, nghiên cứu và tự sản xuất ra được các thành phẩm tiện ích cho đời sống người dân. Không phải chỉ đi làm gia công lắp ráp, hay dựa ưu thế vào tiền công nhân rẻ của người lao động Việt Nam. Đủ sức cạnh tranh bền vững trong nền kinh tế thị trường trong nước và trên thế giới. Thí dụ như máy móc, thuốc men, thực phẩm, hóa học, công nghệ phần mềm, hàng nông nghiệp sạch và cao cấp, công nghệ bảo vệ môi trường... vân vân. Thì cái giàu đó mới thực sự có ý nghĩa cho đất nước và dân tộc. Và nếu các doanh nhân ai cũng làm thế, thì mới giúp Việt Nam nhanh chóng hoá thành con hổ, chứ không thì vẫn là con mèo, loanh quanh trong góc xó các bất động sản, với dinh thự điạ ốc, dù tráng lệ đến đâu.

Trong vấn đề phòng chống tham nhũng, thì nhà nước Việt Nam vẫn gặp khó khăn, tựa như “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Vì sau 17 năm, kể từ 2005, khi bắt đầu thi hành luật phòng chống tham nhũng, dù có đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng “đội quân tham nhũng” càng ngày càng “đông như quân Nguyên. “ Họ tinh vi hơn, mánh lới hơn, cấu kết nhuần nhuyễn hơn với các quyền lực đen tối. Đến nỗi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây cũng phải than “vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?”, theo lời ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Gần đây là vụ thuốc giả từ Bộ Y tế của bà Kim Tiến. Đến vụ nâng khống giá kít xét nghiệm Covid từ Công ty Việt Á của ông Phan Quốc Việt. Mua thành phẩm rẻ mạt từ Trung Quốc, rồi về cấu kết với nhiều thế lực khác, đè dân ra ngoáy mũi, để bán với giá trên trời.

Người dân mong muốn được chính quyền xử tội đích đáng các con sâu, thu hồi tiền tham nhũng về ngân khố nhà nước, rồi có chính sách minh bạch trả lại toàn bộ cho người dân. Những ai đã bị ép mua, nếu có bằng chứng sẽ được trả lại. Nếu không làm thế thì tiền thu hồi lại chạy loanh quanh vào túi các con sâu khác. Và cả số tiền tham nhũng được thu hồi từ trước đến nay, đã lên đến mấy chục ngàn tỉ đồng, cũng phải công khai minh bạch bằng cách làm như thế, trả hết về cho bên bị hại, nếu không thì người dân lại có quyền nghi ngờ, ảnh hưởng đến uy tín nhà nước.

Thành công ngoạn mục tiếp theo của Việt Nam trong năm qua, là việc tiêm phòng dịch bệnh Covid-19. Từ một nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp đáng lo ngại, đã nhanh chóng vươn lên thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng cao của thế giới.

Nhưng để có được sự thành công này, nhà nước đến nay thường chỉ phát huy một mặt duy nhất, đó là ca ngợi thành tích của chủ trương “Ngoại giao Vắc-xin” của mình. Nhà nước không hề nói đến sự giúp đỡ nhiệt tình, đầy ân nghĩa của những quốc gia đã chia sẻ thuốc men, cùng dụng cụ và thiết bị y tế, trong hoàn cảnh dịch bệnh cùng nguy hiểm như nhau. Rõ ràng là chính quyền của ta còn nợ những đất nước và dân tộc họ, một lời cám ơn chính thức và chân thành, nhằm tri ân lòng trắc ẩn của họ đối với dân tộc Việt Nam.

Bởi “Ngoại giao Vắc-Xin” là một tên gọi mỹ miều, nhưng thực chất là cuộc vận động đi xin từng lọ thuốc về cho người dân, nhưng nếu không có ai sẵn sàng nhường phần cho thì cũng khó khăn. Một lời cảm ơn vẫn tràn đầy ý nghĩa hơn, dù muộn, thay vì tự thoả mãn với thành tích của mình. Bởi vì trong tương lai, một “tiểu hổ” như Việt Nam, còn cần sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới, về nhiều mặc khác nữa.

Bước vào năm mới Nhâm Dần 2022, tại quê hương thứ 2 là nước Đức, một “đại hổ” tại Âu Châu, đã thành lập xong chính quyền mới gần 2 tháng nay. Gồm liên minh giữa 3 đảng: SPD (Xã hội Dân Chủ Đức) với Grüne (đảng Xanh) và FDP (Dân chủ Tự do). Ngoài những sách lược chính về một môi trường sạch không ô nhiễm và rủi ro trong tương lai, như loại bỏ dần nhiên liệu đốt bằng dầu và khí, qui định thời gian ngừng sản xuất xe xăng, chuyển qua xe điện, phát triển mạnh năng lượng gió và mặt trời, khẳng định quyết tâm ngừng sử dụng các lò điện nguyên tử. Chính quyền có đường lối ngoại giao mới, phần lớn nằm trong tay bà bộ trưởng trẻ tuổi và năng động Annalena Baerbock, thuộc đảng Xanh, dựa trên những giá trị phổ quát của Âu Châu, trong các mối bang giao quốc tế. Đó là những giá trị mà họ đã tranh đấu hằng bao thế kỷ qua mới đạt được, như quyền con người, dân chủ, nhà nước pháp quyền, tự do bầu và ứng cử, sự độc lập của tôn giáo với nhà nước, tư duy khoa học hợp lý, và phẩm giá con người.

Và nhà nước Việt Nam cũng vừa cử xong ngài Đại sứ mới, là ông Vũ Quang Minh, thay ông Đoàn Xuân Hưng, trong nhiệm kỳ 2022-2025 tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Việt kiều ở Đức, và đặc biệt tại Berlin, trân trọng chào đón ông.

Và dĩ nhiên cộng đồng người Việt cũng có những mong đợi từ người đại diện mới.

Mong đợi đầu tiên nhất vẫn là, làm sao để cải thiện được tình hình bang giao đang “băng giá” hiện nay, giữa nước Đức và Việt Nam, mà ông Đoàn Xuân Hưng đã phải „gánh chịu” trong suốt nhiệm kỳ qua, kể từ giữa năm 2017, lúc ông Trịnh Xuân Thanh bị “dịch chuyển” về nước. Theo lệnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “bắt cho bằng được, trốn không thoát đâu”.

Kể từ ngày ấy đến nay, thông thương hai quốc gia đã tắt nghẽn, trên nhiều phương diện. Nhận lãnh hậu quả trực tiếp của việc tắt nghẽn không đáng có này, chẳng ai khác, chính là người dân của hai nước. Vì vậy Việt Nam cần chủ động hóa giải, theo yêu cầu cụ thể mà nhà nước Đức đã nêu ra, đó là xin lỗi họ, hứa không bao giờ tái phạm trong tương lai, cũng như đưa sự việc trở về nguyên trạng.

Cộng đồng người Việt ở Đức, đứng giữa quê hương mẹ Việt Nam và quê hương thứ 2 là nước Đức, mà con cháu họ thuộc thế hệ thứ 2 hay thứ 3, càng ngày càng “Đức hóa” sâu sắc hơn, sẽ chẳng hạnh phúc gì, khi phải sống trong sự băng giá như thế này. Bởi vì bất kỳ quốc gia nào xử sự sai trái với Đức và Việt Nam, đều bị cộng đồng lên án quyết liệt và bảo vệ đến cùng.

Trong năm con cọp này, mong ngài Đại sứ Vũ Quang Minh khi đến Berlin, hãy tạo cơ hội tiếp xúc với nhiều đồng bào của mình. Không phân biệt nguồn gốc hay ý kiến chính trị. Tạo bước đột phá để hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hãy nhìn nước Đức đã làm vấn đề đó nhẹ nhàng và hiệu quả chừng nào, kể từ khi thống nhất vào cuối năm 1989 đến nay.

Cùng nhau nói chuyện cởi mở và chân thành. Bỏ qua mọi thành kiến hạn hẹp. Trao đổi với giới trí thức người Việt ở Đức, với các phóng viên, báo chí, nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản, các Blogger, Youtuber, Facebooker, nhiếp ảnh, nghệ sỹ hay doanh nhân. Họ cũng có những trăn trở giống như lớp trí thức trong nước, về những vấn đề mà dân chúng quan tâm.

Chắc chắn ngài Đại sứ sẽ nghe được những đề nghị bổ ích, giúp cho công tác của ngài trong nhiệm kỳ tới có hiệu quả, thành công, mang đến cho kiều bào thêm nhiều hạnh phúc, hơn hẳn những năm qua.

Và một khi đa số mọi người dân trong nước, và kiều bào ở nước ngoài, tin tưởng vào chủ trương và chính sách của chính quyền, dựa trên sự bình đẳng - tự do - công bằng - văn minh và dân chủ, thì chuyện mong muốn Việt Nam nhanh chóng hóa thành hổ, không phải là chuyện hoang đường.

Kính chúc quí bạn đọc một mùa Tết Nhâm Dần an khang và thịnh vượng.

Sa Huỳnh – Berlin, Tết Nhâm Dần 2022.

XS
SM
MD
LG