Thủ lãnh đối lập Nga, ông Alexei Navalny bị đưa ra tòa ở Moscow, một ngày sau khi ông và hàng trăm người khác bị bắt giữ khi tham gia cuộc biểu tình chống tham nhũng.
Tòa ra lệnh giam tù ông Navalny 15 và phạt ông 20,000 rúp (khoảng 352 đôla) vì vai trò tổ chức biểu tình mà chính quyền nói là bất hợp pháp.
Bà Olga Mikhailova, luật sư của ông Navalny, nói với Reuters rằng bà đã dự đoán sẽ có một phán quyết như vậy và bà sẽ kháng án.
Hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố trên khắp nước Nga, hưởng ứng lời kêu gọi của thủ lãnh đối lập Navalny buộc giới lãnh đạo chóp bu của Nga phải chịu trách nhiệm.
Tổ chức OVD-Info theo dõi hành động đàn áp chính trị của chính phủ Nga đăng trên trang web rằng chỉ riêng tại các cuộc biểu tình ở Moscow, hơn 1.000 đã bị bắt giữ.
Số liệu này chưa thể kiểm chứng độc lập được, trong khi hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga dẫn nguồn tin của cảnh sát Moscow nói rằng họ bắt giữ khoảng 500 người, trong số đó có ông Navalny.
Thủ lãnh đối lập Navalny bị bắt khi đi bộ từ một trạm xe điện ngầm đến cuộc biểu tình ở Quảng trường Pushkin mang tính biểu tượng của thủ đô Moscow. Các phóng viên báo chí tại hiện trường nói cảnh sát đẩy ông vào một chiếc xe cảnh sát, và hàng trăm người biểu tình vây quanh chiếc xe. Đám đông cố tìm cách không cho chiếc xe chạy, và hô to “Đáng xấu hổ!” và “Hãy thả ông [Navalny] ra.”
Từ trong xe cảnh sát, ông Navalny gởi tin nhắn Twitter ra rằng “Gởi các bạn, tôi không sao, tiếp tục đi dọc Tverskaya,” ám chỉ đại lộ chính ở trung tâm thủ đô Moscow.
Washington “cực lực lên án” chính quyền Nga bắt giữ người biểu tình, trong đó có ông Navalny.
Quyền Phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông báo rằng “Bắt giữ người biểu tình ôn hòa, các quan sát viên nhân quyền, và nhà báo là sỉ nhục các giá trị dân chủ.”
Ông Toner nói rằng Hoa Kỳ cảm thấy “lo lắng” về việc chính quyền bắt giữ ông Navalny, người đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào năm 2018.
Cũng trong ngày thứ Hai, Điện Kremlin đã bác bỏ kêu gọi của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu yêu cầu phóng thích những người biểu tình đối lập đang bị giam giữ.
Đây được coi là cuộc xuống đường có phối hợp lớn nhất nhằm bày tỏ sự bất mãn kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình lớn năm 2011 và 2012, sau cuộc bầu cử quốc hội bị cáo buộc có nhiều sai phạm.
Đây là một sự kiện quan trọng! Chúng tôi đến đây để bày tỏ quan điểm của chúng tôi trong tư cách là công dân,” một người tham gia tuần hành tên Alina nói. “Chúng tôi đến đây để bảo đảm quyền công dân.”
Một người biểu tình khác tên Maxim nói: “Bằng việc tham gia cuộc tuần hành này, tôi phản đối tham nhũng trong giới cầm quyền hiện nay. Giới hữu trách không muốn nói chuyện với dân chúng, họ chỉ muốn dùng vũ lực để nói chuyện.”
Ông Navalny đã kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình sau khi tổ chức Chống Tham nhũng của ông công bố một báo cáo chi tiết hồi đầu tháng này, trong đó cáo buộc ông Medvedev đã tích lũy nhiều biệt thự, du thuyền và trang trại nho thông qua một mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận trá hình.
Báo cáo đã thu hút hơn 11 triệu lượt người xem trên YouTune.
Truyền thông chính thức của Nga đưa tin nhỏ giọt về các cuộc biểu tình. Thông tấn xã TASS chỉ loan tin vắn rằng một cảnh sát viên bị thương trong một cuộc biểu tình “không được cho phép” ở Moscow.
Ông Navalny nói trên trang web chính thức của mình rằng 99 thành phố của Nga dự định tổ chức biểu tình, nhưng tại 72 thành phố trong số đó, các chính quyền địa phương đã không cho phép.
Ông Navalny đã kêu gọi được nhiều người ủng hộ tại các thành phố lớn của Nga trong mấy tuần lễ qua.