Đường dẫn truy cập

Vụ thử phi đạn của Bắc Triều Tiên cho thấy tiến bộ thực sự


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và các giới chức ăn mừng sau vụ phóng thử nghiệm phi đạn Hwasong-10 trong bức ảnh không đề ngày tháng phát hành bởi Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 23/6/2016.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và các giới chức ăn mừng sau vụ phóng thử nghiệm phi đạn Hwasong-10 trong bức ảnh không đề ngày tháng phát hành bởi Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 23/6/2016.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở phiên họp khẩn vào tối thứ tư để thảo luận về những cuộc thử nghiệm phi đạn mới nhất của Bắc Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA tường thuật từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã yêu cầu triệu tập phiên họp khẩn, với sự tham khảo ý kiến của Nam Triều Tiên, để ứng phó với điều mà Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, mô tả là “một mô thức ngang ngạnh” của Bình Nhưỡng. Bà Power phát biểu như sau trước khi tham dự phiên họp.

"Những vụ thử nghiệm trong vòng 24 giờ qua chỉ là những hành động mới nhất của mô thức đó. Kể từ ngày 2 tháng 3 và từ khi nghị quyết 2270 được thông qua, chúng tôi đã thấy có 10 vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo, một loạt thử nghiệm được thực hiện một cách nhanh chóng, bất chấp 5 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điều đó không thể chấp nhận được."

Bà Power hối thúc Hội đồng Bảo an nhanh chóng lên án Bắc Triều Tiên.
Tiếp theo cuộc họp kín kéo dài một giờ đồng hồ, Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Phó Đại sứ Alexis Lamek của Pháp, cho biết có “một sự hội tụ rộng rãi của những quan điểm” cho rằng những vụ phóng thử nghiệm đó vi phạm tất các các nghị quyết của hội đồng. Ông Lamek nói ông dự kiến hội đồng sẽ đưa ra một thông cáo “trong vòng vài ngày”.

Hôm qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nghiệm phi đạn tầm trung Musudan lần thứ tư và lần thứ năm từ thành phố ven biển Wonsan. Các giới chức quân đội Mỹ và Nam Triều Tiên cho biết phi đạn thứ nhất bị rơi không lâu sau khi được phòng đi, nhưng phi đạn thứ nhì đã bay khoảng 400 kilo mét trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Phi đạn được thử nghiệm lần này đã không bắn xa tới 3.000 kilo mét như thiết kế của phi đạn Musudan và rõ ràng là không chứng tỏ khả năng quay lại khí quyển để đánh trúng mục tiêu một cách chính xác. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên tiếp tục học hỏi từ mỗi sự thất bại và đang có được tiến bộ với những cuộc thử nghiệm mới.

Ông Jefferey Lewis, giám đốc Chương trình Cấm phổ biến hạt nhân Đông Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, cho biết như sau.

"Đây là một dấu mốc rất quan trọng, bởi vì những phi đạn mà họ phóng phóng trước đây đã nổ tung không bao lâu sau khi được phóng hoặc có thể là ngay lúc đó. Cho nên đây là một dấu hiệu tiến bộ thật sự."

Ông Lewis nói những vụ phóng hôm thứ tư cũng chứng tỏ là các biện pháp chế tài quốc tế cho đến nay vẫn chưa ảnh hưởng tới khả năng thủ đắc vật liệu và công nghệ để sản xuất những loại vũ khí này của Bắc Triều Tiên.

Truyền thông Nam Triều Tiên cho biết các chuyên gia tin rằng Bắc Triều Tiên đang có 30 phi đạn Musudan, là loại phi đạn được triển khai lần đầu vào năm 2007. Vụ thử nghiệm phi đạn Musudan lần thứ nhất đã diễn ra vào tháng tư năm nay.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng thử phi đạn của Bắc Triều Tiên, ngày 23/6/2016.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng thử phi đạn của Bắc Triều Tiên, ngày 23/6/2016.

Nam Triều Tiên gọi vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên rõ ràng là một hành động gây hấn nhắm vào họ và hối thúc Bình Nhưỡng tự kiềm chế.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Jeong Joon Hee, phát biểu như sau.

"Tôi muốn khuyên Bắc Triều Tiên một điều là họ nên dồn thêm nỗ lực cho hoà bình của bán đảo Triều Tiên và cho cuộc sống của người dân nước họ, những mục tiêu mà Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn nói là họ đang theo đuổi."

Vụ thử nghiệm phi đạn mới nhất của Bắc Triều Tiên có phần chắc sẽ được bàn thảo tại diễn đàn không công khai về an ninh khu vực hiện đang diễn ra ở Bắc Kinh với sự tham dự của các nhà ngoại giao của Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga. Theo dự liệu, tại cuộc họp này, Đại sứ Bắc Triều Tiên, bà Choe Son Hui, sẽ bênh vực cho quyền phát triển vũ khí hạt nhân của nước bà để tự vệ trước điều mà Bình Nhưỡng cho là mối đe dọa của Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc là đồng minh và là đối tác thương mại chính yếu của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh phát động chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và ủng hộ những biện pháp chế tài mới nhất của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng sự chấp hành của Trung Quốc khá lỏng lẻo vì họ không muốn gây bất ổn cho chính phủ của ông Kim Jong Un, và có phần chắc Bắc Kinh sẽ không ủng hộ những biện pháp nào khác nữa có thể làm cho đồng minh của họ bị suy yếu.

Ông Woo Su Keun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Đông Hoa ở Thượng Hải, nhận định như sau.

"Với tình hình hiện nay ở Đông Bắc Á, Trung Quốc khó lòng áp dụng các biện pháp chế tài chống lại Bắc Triều Tiên vì Bắc Triều Tiên có thể là một lá bài của Trung Quốc."

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tiếp kiến các giới chức cấp cao của đảng đương quyền của Bắc Triều Tiên để tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ vốn đã bị sứt mẻ vì những hành vi gây hấn hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi thực hiện lại cuộc đàm phán quốc tế nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.

Mỹ và các nước đồng minh đòi hỏi Bắc Triều Tiên ngưng phát triển hạt nhân trước khi cuộc đàm phán có thể thực hiện lại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG