Đường dẫn truy cập

Thủ tục luận tội: Phỏng vấn cựu Thẩm phán Phan Quang Tuệ 


Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler (D-NY) chờ phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi Hạ viện biểu quyết thông qua các quy định cho cuộc điều tra luận tội TT Donald Trump tại Điện Capitol, thủ đô Washington, ngày 31/10/2019. REUTERS/Joshua Roberts -
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler (D-NY) chờ phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi Hạ viện biểu quyết thông qua các quy định cho cuộc điều tra luận tội TT Donald Trump tại Điện Capitol, thủ đô Washington, ngày 31/10/2019. REUTERS/Joshua Roberts -

Sau hai tuần lễ điều trần công khai, Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ giờ đang cân nhắc những bước tiếp theo trong tiến trình luận tội Tổng thống Trump. Chủ tịch Ủy ban, Dân biểu Adam Schiff, hôm 25/11 cho biết 3 ủy ban Hạ viện đã tiến hành điều tra luận tội Tổng thống- gồm Ủy ban Tình báo, Ủy ban Đối ngoại, và Ủy ban Giám sát, sẽ gửi phúc trình lên Ủy ban Tư pháp vào đầu tháng 12, tức là vào tuần tới, ngay sau khi quốc hội tái nhóm ở Washington sau Lễ Tạ Ơn.

Luận tội Tổng thống được các vị công thần lập quốc Mỹ ghi vào hiến pháp cách đây hơn 230 năm. Các nhà lập hiến đã cố ý sắp đặt để thủ tục luận tội phải được tiến hành một cách nghiêm túc, và để quốc hội khó khăn lắm mới có thể truất phế một Tổng thống tại chức. Trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có hai Tổng thống bị chính thức luận tội để truất phế, TT Andrew Johnson và TT Bill Clinton.

Ngoài hai ông Johnson và Clinton, có hai Tổng thống khác bị điều tra luận tội: Tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Donald Trump. Cho tới nay, chưa một Tổng thống Mỹ nào từng bị truất phế qua thủ tục luận tội.

VOA-Việt ngữ tham khảo ý kiến của một luật gia, Thẩm phán hồi hưu Phan Quang Tuệ, cựu Thẩm phán Tòa Di trú Liên bang tại San Francisco.

Diễn biến tiến trình luận tội TT Trump

Ủy ban Tư pháp do ông Jerry Adler đứng đầu, đã ấn định ngày thứ Tư 4/12 để mở phiên điều trần trong đó, các luật gia chuyên môn sẽ xem xét vụ việc trên căn bản hiến pháp trước khi ủy ban quyết định có lập hồ sơ luận tội Tổng thống hay không, và nếu có, thì dựa trên cơ sở nào.

Trước đó, trong một bức thư gửi đến các đồng viện ở quốc hội, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cho biết nội dung của phúc trình đưa lên Ủy ban Tư Pháp sẽ đề cập tới một ‘chiến dịch cản trở công lý chưa từng thấy’ của Toà Bạch Ốc, giữa lúc chính quyền Tổng thống Trump ra lệnh cho các quan chức không hợp tác với cuộc điều tra của các ủy ban Hạ viện.

Trong bức thư, ông Schiff viết:

“Đây là một ‘vấn đề cấp bách không thể chờ đợi nếu Mỹ muốn bảo vệ an ninh quốc gia và các cuộc bầu cử của mình’.

Diễn tiến cuộc điều tra luận tội

Ủy ban Tư pháp Hạ viện do ông Jerry Adler đứng đầu, đã ấn định ngày thứ Tư 4/12 để mở phiên điều trần đầu tiên của ủy ban. Trước đó Ủy ban Tình báo Hạ viện đã cho công bố thêm hai bản ghi chép lời khai của các nhân chứng khác, kể cả lời khai của một quan chức ngân sách Toà Bạch Ốc, nêu lên những quan ngại của quan chức này và các đồng nghiệp khi được lệnh của Tổng thống Trump, qua trung gian các môi giới, phải đình chỉ việc tháo ngân tiền viện trợ cho Ukraine.

Đây là vấn đề nằm ở tâm điểm cuộc điều tra luận tội có thể dẫn tới truất phế Tổng thống Trump. Trong tháng 11/2019, nhiều nhân chứng gồm các nhà ngoại giao và quan chức khác đã làm chứng trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, khẳng định Tổng thống Trump đã chỉ thị cho ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông, dẫn đầu chính sách đối với Ukraine, và rằng ông Giuliani là nhân vật đằng sau một kênh ngoại giao “bất thường”.

Các nhân chứng cho rằng Tổng thống Trump đã ra lệnh này để tăng sức ép, buộc Tổng Thống Ukraina điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Joe Biden, lúc bấy giờ là đối thủ chính trị nổi bật nhất của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trong khi đó thì chính quyền Tổng thống Trump vẫn tỏ thái độ thách thức sau các cuộc điều trần công khai của nhiều quan chức, phần lớn đều bất lợi cho Tổng thống Trump.

Phát biểu trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS hôm Chủ nhật 24/11, Cố vấn cấp cao của Toà Bạch Ốc Kellyanne Conway tuyên bố chính phủ Trump đã sẵn sàng để phát động một chiến dịch pháp lý và chính trị mạnh mẽ hầu bảo vệ Tổng thống Trump, nếu phe Dân Chủ tại Hạ viện biểu quyết luận tội Tổng thống, và Thượng viện mở phiên xét xử xem có nên truất phế Tổng thống hay không.

Để tìm hiểu các khía cạnh pháp lý của cuộc điều tra luận tội, VOA-Việt ngữ phỏng vấn cựu Thẩm Phán Phan Quang Tuệ, người được Tổng trưởng Tư Pháp Janet Reno bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa Di trú Liên bang tại San Francisco vào năm 1995.

Dựa trên những lời khai của các nhân chứng trong hai tuần qua, liệu đã có đủ bằng chứng và cơ sở để tiếp tục thủ tục luận tội?

Thẩm phán hồi hưu Phan Quang Tuệ nói câu trả lời tùy thuộc vào bản chất của thủ tục luận tội, liệu đây là một thủ tục hành chánh, một thủ tục hình sự hay một thủ tục chính trị.

Ông giải thích:

“Trước các tòa án hành chánh thì cái level of evidence – cái mức độ bằng chứng nó không phải là ‘beyond reasonable doutbt’ như trước tòa án hình sự, mà nó chỉ là ‘bằng chứng đầy đủ vừa phải là đủ. Bằng chứng trước tòa hình sự thì nó phải tuyệt đối, không còn nghi ngờ gì. Về chính trị, thủ tục chính trị thì thực sự ra nó không có một cái level of evidence nào cả, ngoại trừ mức độ bằng chứng đó nó nằm ở trong dư luận của quần chúng.”

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu đây là một thủ tục hành chính, hình sự hay chính trị?

Thẩm phán Phan Quang Tuệ nói muốn trả lời câu hỏi đó, cần tham khảo điều 2 Khoản 4 của hiến pháp Hoa Kỳ.

Điều 2, Khoản 4 viết: “The President, Vice President and all civil Officers of the United States, shall be removed from Office on Impeachment for, and Conviction of, Treason, Bribery, or other high Crimes and Misdemeanors”.

Xin tạm dịch

“Tổng thống, Phó tổng thống, và các viên chức dân sự khác của Hoa Kỳ sẽ bị bãi nhiệm nếu bị luận tội và bị kết tội Phản quốc, Hối lộ và các trọng tội và khinh tội khác.”

Thẩm phán Phan Quang Tuệ nói dựa trên điều 2 khoản 4 của hiến pháp, thì đây là một thủ tục chính trị, chứ không phải là một thủ tục hình sự. Ông nói luận tội giai đoạn đầu thuộc thẩm quyền của Hạ viện, Hạ viện sẽ biểu quyết theo đa số thường. Lên tới Thượng viện để quyết định có bãi nhiệm hay không, thì thủ tục luận tội phải đạt 2/3 số phiếu, Tổng thống mới bị truất quyền.”

Luận tội và Viễn kiến của các nhà lập quốc Mỹ

Điều đáng khâm phục là làm cách nào mà cách đây hơn 230 năm, các nhà soạn hiến pháp và các vị công thần lập quốc đã có cái viễn kiến phân quyền ra làm 3 nhánh: Lập pháp –quy định trong điều khoản 1 của hiến pháp, Hành pháp –điều khoản 2, và Tư pháp. Impeachment, thủ tục luận tội, nằm trong điều 2, khoản 4.

Thẩm phán Phan Quang Tuệ: “Họ phân chia ra là để Hạ viện, cơ quan đại diện trực tiếp gần nhất với dân chúng, đứng ra và làm cuộc điều tra đặc biệt để luận tội. Nhánh thứ hai là Thượng viện thì sẽ đóng vai trò bồi thẩm đoàn- tức jury. Và nhân vật chủ tọa phiên xử về luận tội đó là tức Chủ tịch Tối cao Pháp viện.”

Tại sao có sự phân quyền như vậy?

Thẩm phán Phan Quang Tuệ: “Sở dĩ họ phân ra như vậy là vì họ muốn tránh tình trạng một người hoặc một cơ quan vừa đóng vai trò công tố, vừa đóng vai trò xử án,” nhằm bảo đảm không một nhà lãnh đạo nào có thể ngồi trên luật pháp, và trở thành một nhà độc tài”.

Ông Phan Quang Tuệ nói muốn tìm hiểu ý định của các công thần lập quốc về thủ tục luận tội, phải nghiên cứu các tài liệu lịch sử, trong đó có bức thư luân lưu số 65 của Alexander Hamilton.

Trách nhiệm của người dân Mỹ

Thẩm phán Phan Quang Tuệ nêu bật trách nhiệm của mọi công dân Mỹ là phải bảo đảm hiến pháp được tôn trọng, bởi vì văn kiện đó ‘chính là yếu tố làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ’.

“Cái trách nhiệm của thế hệ của chúng ta ngày nay, được đại diện qua những đại biểu của chúng ta tại Hạ viện và Thượng viện, phải coi tôn trọng hiến pháp nó quan trọng tới mức nào, hay là chúng ta chỉ chú trọng tới đời sống kinh tế, hay là chúng ta chỉ chú trọng tới các lĩnh vực như luật di trú, bảo hiểm y tế, hay là chúng ta chỉ chú ý tới cái sức mạnh quân sự của nước Mỹ?”

Thẩm phán Phan Quang Tuệ nói tuy hiến pháp “chỉ là một tờ giấy, chỉ có 7 điều hiến pháp, và 27 tu chính án, nhưng văn kiện này là chiếc chìa khóa đã mở cửa, dọn đường đưa nước Mỹ tới vị trí số một thế giới.

“Chính bản hiến pháp đó nó mới là căn bản cho xã hội, cho sự cường thịnh của nước Mỹ, và nó khiến cho chúng ta có cái vị trí đặc biệt ở trong thế giới ngày hôm nay.”

Thủ tục luận tội Tổng thống Trump đang gây chia rẽ trầm trọng trong xã hội Mỹ. Thẩm phán hồi hưu Phan Quang Tuệ cho rằng muốn bảo vệ nước Mỹ và các giá trị Mỹ, mỗi một người dân phải bảo vệ hiến pháp.

“Chúng ta phải tôn trọng hiến pháp nếu chúng ta muốn bảo vệ đất nước Mỹ và vị trí đặc biệt của quốc gia Hoa Kỳ và tôi thấy đó là điều quan trọng vì trong một thế giới hỗn loạn như thế này, chúng ta cần có một quốc gia đóng cái vai trò lãnh đạo sáng suốt được hướng dẫn bởi một người lãnh đạo ôn tồn và sáng suốt. Đó là mục đích của thủ tục luận tội và bãi nhiệm.”

Tại cuộc điều trần của Ủy ban Tư pháp vào ngày 4/12, các luật gia chuyên môn sẽ xem xét thủ tục luận tội trên căn bản hiến pháp trước khi ủy ban tư pháp quyết định có lập hồ sơ luận tội Tổng thống Trump hay không, và nếu có, thì dựa trên cơ sở nào.

Các thành viên Đảng Dân chủ muốn có biểu quyết chung cuộc trước Giáng Sinh năm nay, dọn đường cho phiên xét xử tại Thượng viện vào tháng Giêng năm tới.

Thẩm Phán Phan Quang Tuệ được Tổng trưởng Tư pháp Janet Reno bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa Di trú Liên bang tại San Francisco vào năm 1995. Trước đó ông là thẩm phán tại Bộ Lao động, và Tùy viên Công Tố (Assistant Attorney General) Bộ Tư Pháp tiểu bang Iowa.

VOA-Việt ngữ xin cảm tạ Thẩm phán Phan Quang Tuệ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG