Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi rằng việc Nga xâm lược Ukraine đã làm lung lay "nền tảng của trật tự quốc tế" và đòi hỏi một phản ứng rõ ràng, ông cho biết ngày thứ Bảy.
Ấn Độ và Nhật Bản là thành viên của Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ tứ), một khuôn khổ an ninh bao gồm Mỹ và Úc, nhưng Ấn Độ là thành viên Bộ tứ duy nhất không lên án cuộc xâm lược.
Nhật Bản đã áp đặt các chế tài đối với hàng chục cá nhân và tổ chức của Nga kể từ khi điều mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine bắt đầu và đã nhận người tị nạn Ukraine.
"Chúng tôi (ông Kishida và Modi) khẳng định bất cứ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng bằng vũ lực đều không thể được tha thứ ở bất kì khu vực nào và cần phải tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế," ông Kishida nói với các phóng viên sau cuộc hội kiến ông Modi ở New Delhi.
Ông Kishida cũng công bố kế hoạch đầu tư 5 ngàn tỉ yen (42 tỉ đôla) vào Ấn Độ trong vòng năm năm. Ấn Độ đã ký thỏa thuận với các đơn vị của tập đoàn Suzuki Motor của Nhật Bản cho khoản đầu tư khoảng 1,4 tỉ đôla để sản xuất xe điện và pin tại bang Gujarat quê nhà của ông Modi - cũng bao gồm một chương trình phế liệu xe - nhưng không rõ liệu đây có phải là một phần của tổng khoản đầu tư 5 ngàn tỉ yen hay không.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự quan tâm nghiêm trọng về cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đó. Ông Modi từ chối bình luận trực tiếp về Ukraine nhưng lưu ý rằng các sự cố địa chính trị đang "đề ra những thách thức mới."
Harsh Vardhan Shringla, ngoại trưởng Ấn Độ, nói với các phóng viên rằng hai nhà lãnh đạo đã "đánh giá những tác động sâu rộng hơn, đặc biệt đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự an toàn và an ninh của các cơ sở hạt nhân ở Ukraine."
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Ấn Độ chủ yếu trong lĩnh vực ô tô, thiết bị điện, viễn thông, hóa chất và dược phẩm. Kể từ năm 2000, các khoản đầu tư vào Ấn Độ đã đạt khoảng 27,28 tỉ đôla.
Năm 2020, hai nước kí một thỏa thuận mua lại và cung cấp dịch vụ tương hỗ cho phép dự trữ đối ứng lương thực, nhiên liệu và các nguồn vật phẩm khác giữa lực lượng quốc phòng của hai nước.