Đường dẫn truy cập

Thủ Tướng Phúc ‘lôi kéo’ Bangkok về phía Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông?


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai bên trái) gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, tại Bangkok, ngày 17/8/2017.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai bên trái) gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, tại Bangkok, ngày 17/8/2017.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang ở thăm Bangkok với mong muốn phát triển thương mại và “lôi kéo” Thái Lan về phía Hà Nội trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Các chuyên gia nhận định chiến lược của Việt Nam khó có thể thành công giữa lúc chính quyền quân sự Thái Lan ngày càng lệ thuộc hơn vào Bắc Kinh về mặt kinh tế.

Tiến sĩ Lê Minh Nguyên từ thành phố Garden Grove, bang California nhận định:

“Chuyến đi này để lôi kéo Thái Lan về phía Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhưng tôi nghĩ sẽ không thành công vì Thái Lan càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, nhất là dưới chính quyền quân phiệt hiện nay.”

Chuyến đi này để lôi kéo Thái Lan về phía Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhưng tôi nghĩ sẽ không thành công vì Thái Lan càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, nhất là dưới chính quyền quân phiệt hiện nay.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên

Tuy nhiên, với vai trò quan trọng của Thái Lan trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiến sĩ Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, nói rằng những nỗ lực của ông Phúc tại quốc gia đối tác chiến lược này cũng giúp củng cố tiếng nói của Việt Nam về tranh chấp Biển Đông.

Từ tp HCM, ông Lâm nói với VOA-Việt ngữ:

“Chuyến đi của Thủ tướng sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Thái Lan tốt hơn, đồng thời tiếng nói về vấn đề Biển Đông sẽ mạnh mẽ hơn. Thái Lan là một nước quan trọng, một nước cầm chịch ASEAN trước đây và những đóng góp của Thái Lan trong thời gian khởi đầu của ASEAN có ý nghĩa đối với Việt Nam.”

Truyền thông trong nước loan tin ông Phúc đi thăm Thái Lan trong chuyến công du chính thức ba ngày, từ 17 đến 19 tháng 8. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Thái Lan Prem Tinsulanonda hôm 18/8 cho biết Hoàng gia và chính phủ Thái Lan luôn coi trọng và ưu tiên quan hệ với Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam hiện là Đối tác chiến lược duy nhất của Thái Lan trong ASEAN.

Thái Lan thường lên tiếng về vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng cũng như Hoa Kỳ, Thái Lan không đứng về bên nào trong vụ tranh chấp hàng hải khu vực.

Tiến sĩ Trần Đình Lâm cho rằng tiếng nói của Bangkok vẫn còn có uy tín trong cộng đồng 10 nước Đông Nam Á:

“Từng nước riêng họ có cái nhìn khác nhau, nhưng trong tổng thể là cộng đồng ASEAN thì có tiếng nói chung. Chuyến thăm đến Thái Lan lần này cũng có một tác động nhất định – giúp các nước nhìn nhận lại về vấn đề Biển Đông, và vì Biển Đông là biển của các nước ASEAN và sự hợp tác trong khối có lợi ích lâu dài, duy trì hòa bình ở Biển Đông. Và khi tiếng nói của khối về Biển Đông mạnh hơn thì Trung Quốc khó mà dám làm gì.”

Chuyến thăm đến Thái Lan lần này cũng có một tác động nhất định – giúp các nước nhìn nhận lại về vấn đề Biển Đông, và vì Biển Đông là biển của các nước ASEAN và sự hợp tác trong khối có lợi ích lâu dài, duy trì hòa bình ở Biển Đông. Và khi tiếng nói của khối về Biển Đông mạnh hơn thì Trung Quốc khó mà dám làm gì.
Tiến sĩ Trần Đình Lâm

Tiến sĩ Lê Minh Nguyên không chia sẻ ý kiến đó, ông cho rằng vai trò của Thái Lan trong khối ASEAN đang dần lu mờ do lực hút kinh tế từ Bắc Kinh, trong khi hiện tại Việt Nam đang “đơn độc” trong tranh chấp Biển Đông:

“Vấn đề Biển Đông, các sự kiện vừa qua cho thấy Việt Nam rất là đơn độc, bởi vì gần như hầu hết 10 quốc gia Đông Nam Á hoặc là thân thiện với Trung Quốc hoặc ở trạng thái trung dung và Trung Quốc gây ảnh hưởng cả khối ASEAN. Trong trường hợp Thái Lan thì rõ ràng đang thực hiện chiến lược Một vành đai – Một con đường, trong đó có tuyến đường sắt rất quan trọng đi từ Vân Nam, xuống Thái Lan đến tận Singapore, và con kênh Kra mà chính quyền quân sự của Thái Lan rất muốn hợp tác với Trung Quốc. Lợi ích kinh tế của Thái Lan từ việc hợp tác với Trung Quốc quá lớn so với lợi ích kinh tế từ Việt Nam.”

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, tại thủ đô Bangkok, ngày 17/8/2017 (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, tại thủ đô Bangkok, ngày 17/8/2017 (Ảnh: TTXVN)

Tiến sĩ Lâm nói rằng chiến lược của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á không hoàn toàn được hoan nghênh:

“Chiến lược Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc hấp dẫn các nước, trong đó có Thái Lan, nhưng đưa đến nhiều hệ lụy. Tất cả những gì Trung Quốc đã làm Lào và Campuchia cũng gây những sứt mẻ trong cộng đồng Đông Nam Á. Đó chỉ là một sáng kiến của Trung Quốc đưa ra, nhưng không phải các nước đều nghe theo.”

Báo VNExpress trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 17/8 đã “khẳng định quan điểm tương đồng về Biển Đông khi đón người đồng cấp Việt Nam đến thăm.”

Vẫn theo nguồn tin này, hai vị thủ tướng tuyên bố “tiếp tục ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC, Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông”.

Báo The Nation của Thái Lan tường thuật rằng thủ tướng hai nước thừa nhận những lo ngại sâu sắc của Việt Nam về vụ tranh chấp ở Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, cũng như an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.

Hai thủ tướng nhấn mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan.

Thông tấn xã Việt Nam tường thuật rằng Việt Nam và Thái Lan tái khẳng định cam kết không cho phép cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia; hai bên còn cam kết hợp tác trong nỗ lực phòng, chống khủng bố và các loại hình tội phạm; tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề trên biển.

Việt Nam tìm cách ‘lôi kéo’ Thái Lan trong vấn đề Biển Đông?
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:23 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG