Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Việt Nam cam kết bảo vệ nhân quyền và môi trường trước LHQ


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu phiên họp thường niên thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 27/9.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu phiên họp thường niên thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 27/9.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 27/9 nói trước các đại biểu của Liên Hợp Quốc rằng Việt Nam phấn đấu thực hiện cam kết của mình đối với tổ chức này trong việc bảo đảm nhân quyền và môi trường sống.

Một nhà hoạt động trong nước cho VOA biết ông hy vọng người đứng đầu chính phủ Việt Nam không nói xuông trước mặt cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chiều ngày 27/9, ông Phúc nói “Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hợp Quốc trong hơn 70 năm qua” trong đó có “đảm bảo quyền con người.”

Tôi mong rằng cam kết ấy sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam, với việc các ông ấy sẽ dừng đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, ngừng bỏ tù những người bất đồng chính kiến và ngăn chặn những tai họa môi trường như trường hợp đã xảy ra với Formosa.
TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội

Trong bài phát biểu tại hội trường trụ sở LHQ ở New York, ông Phúc cho biết Việt Nam “đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng” và “bảo vệ tốt môi trường” cũng như “đảm đảo quyền cho mọi người dân.”

Thành tích nhân quyền của Việt Nam luôn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn nạn gây bức xúc trong xã hội Việt Nam đặc biệt trong những năm gần đây, nhất là từ thảm họa Formosa.

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói hôm 28/9 ông được nghe bài phát biểu của ông Phúc tại LHQ qua truyền hình Việt Nam VTV trong đó “ông (Phúc) nói nhiều về thành tích của Việt Nam, về cam kết nhân quyền và phát triển.”

Vị tiến sỹ và nhà hoạt động vì dân chủ này cho rằng nếu những gì ông Phúc nói ở New York là cam kết của chính ông Phúc và chính phủ thì “đó là một điều rất tốt.”

“Tôi mong rằng cam kết ấy sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam, với việc các ông ấy sẽ dừng đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, ngừng bỏ tù những người bất đồng chính kiến và ngăn chặn những tai họa môi trường như trường hợp đã xảy ra với Formosa, với rất nhiều các nhà máy nhiệt điện đang gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng ở Việt Nam.”

Nhiều người dân đã xuống đường phản đối thảm họa môi trường biển miền Trung do nhà máy thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh gây ra trong năm 2016.
Nhiều người dân đã xuống đường phản đối thảm họa môi trường biển miền Trung do nhà máy thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh gây ra trong năm 2016.

Bảo vệ quyền con người là một trong ba trụ cột chính bên cạnh hòa bình-an ninh và hợp tác-phát triển của LHQ mà Việt Nam là một thành viên. Trong khi đó, đảm bảo sự bền vững của môi trường là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện.

TS Quang A cho rằng nếu tình hình sẽ vẫn diễn ra như thời gian vừa qua thì lời nói của ông Phúc tại Đại hội đồng LHQ chỉ là “lời nói gió bay cho vui mà thôi.”

Đầu tháng này, chính quyền Hà Nội đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì ngăn cản hai nhà lãnh đạo của các tổ chức nhân quyền quốc tế không cho họ nhập cảnh vào Việt Nam để tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN mà Việt Nam là nước chủ nhà.

Chính quyền Việt Nam trong những tháng gần đây cũng tăng cường bắt giữ nhiều nhà hoạt động, bloggers, nhà báo và những người dùng mạng xã hội với các cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”

Ông Trần Văn Huỳnh và hai bà mẹ Việt Nam điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về nhân quyền Việt Nam. (Ảnh: http://huynhngocchenh.blogspot.com)
Ông Trần Văn Huỳnh và hai bà mẹ Việt Nam điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về nhân quyền Việt Nam. (Ảnh: http://huynhngocchenh.blogspot.com)

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), hàng trăm người bị bắt giữ bất hợp pháp trong chiến dịch đàn áp rộng khắp ở Việt Nam vào tháng 6 khi người dân phản đối các dự Luật Đặc khu và An ninh mạng.

Nhiều cuộc biểu tình cũng diễn ra trong cả nước vào năm 2016 khi thảm hoạ ô nhiễm biển do chất thải của nhà máy Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh làm cá chết hàng loạt trên biển miền Trung.

Theo thống kê của Tổ chức Ân xá Quốc tế, có gần 100 nhà hoạt động đang chịu án tù ở Việt Nam nơi không có truyền thông độc lập và các cuộc biểu tình của dân chúng bị coi là bất hợp pháp.

Vào tháng 4 năm nay, các chuyên gia nhân quyền của LHQ đã thúc giục Việt Nam ngừng đàn áp xã hội dân sự và những tiếng nói bất đồng chỉ vì họ thực hành các quyền tự do biểu đạt và tụ họp trong ôn hòa. Theo họ, điều đó vi phạm các nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam đối với luật nhân quyền quốc tế.

TS Quang A, người từng tham gia các cuộc biểu tình trong nước, cho rằng nếu cam kết của ông Phúc hôm 27/9 không trở thành hiện thực thì người dân sẽ yêu cầu giải trình tại sao ông đưa ra tuyên bố đó trước quốc tế.

“Chúng tôi sẽ bằng mọi cách áp lực bắt các ông ấy phải thực hiện. Bởi vì có một sự cam kết như thế là tốt và nó là cơ sở để cho người dân Việt Nam đấu tranh buộc họ phải thực hiện những cam kết mà họ nêu ra.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG