Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố như vậy hôm 1/7, một ngày sau khi Việt Nam quy kết Formosa là “thủ phạm” gây ra vụ cá chết ở miền Trung, đòi bồi thường 500 triệu đôla.
Trong ngày làm việc thứ hai của chính phủ Việt Nam, ông Phúc cho rằng kết quả điều tra trên “đạt được là nhờ thái độ bình tĩnh, phương pháp tiến hành khoa học, khách quan, cẩn trọng của các cấp lãnh đạo và các nhà khoa học”.
Thủ tướng Việt Nam được báo chí trong nước trích lời nói “đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng”.
Ông Phúc yêu cầu Formosa phải xử lý nghiêm sự cố này, cam kết không tái diễn và Chính phủ sẽ giám sát việc thực hiện các cam kết.
“Ở đây tôi nói rõ, không vì kinh tế, vì thu hút đầu tư, mà chúng ta bỏ qua vấn đề môi trường, đánh đổi môi trường”, Thủ tướng Việt Nam nói.
Ông Phúc cũng giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng chỉ đạo để hoàn thành kế hoạch sử dụng khoản đền bù 500 triệu đôla này trong cuối tháng Bảy năm nay, theo báo chí trong nước.
"Hành vi vi phạm"
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội chiều 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết rằng Formosa Hà Tĩnh "có một số hành vi vi phạm, nước thải có chứa độc tố vượt quá mức cho phép".
Ông nói: “Các bộ ngành và cơ quan chức năng của Việt Nam có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong nước và quốc tế, và đã kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chết bất thường trong tháng Tư vừa qua”.
Trước khi chính phủ Việt Nam công bố kết luận, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã gửi thư tới toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty.
Bức thư có đoạn: "Trong bất kì tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam".
Về tuyên bố này, ngư dân Mai Thạnh ở Hà Tĩnh nói: “Chính Formosa gây ra tội ác cho những người làm biển. Yêu cầu của tôi là ngừng hoạt động Formosa để làm thế nào cho dân ổn định lại cuộc sống, nếu không dân sẽ chết đói. Nếu mà họ không đóng cửa dân sẽ nổi loạn đấy”.
Cho dù Formosa đã “nhận trách nhiệm”, “xin lỗi” và “đền bù thiệt hại”, hiện có nhiều ý kiến trên mạng xã hội đòi “đóng cửa vĩnh viễn” nhà máy của công ty này ở Hà Tĩnh.