Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Việt Nam nói sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘mọi sự đều tốt’


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trả lời nhà báo Thomas Friedman của New York Times ở Davos, Thụy Sĩ, 16/1/2024.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trả lời nhà báo Thomas Friedman của New York Times ở Davos, Thụy Sĩ, 16/1/2024.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói hôm thứ Ba 16/1 rằng sức khỏe của nhà lãnh đạo cao nhất nước ông không có vấn đề gì, đồng thời khẳng định “mọi sự đều tốt”.

Ông Chính nói với báo Nhật Bản Nikkei Asia bên lề cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, rằng "hiện tại ông ấy ổn – ông ấy đã tham dự lễ khai mạc".

Ý của Thủ tướng Chính nhắc đến kỳ họp bất thường của Quốc hội Việt Nam, bản tin của Nikkei Asia viết. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản cầm quyền, đã xuất hiện tại lễ khai mạc kỳ họp hôm 15/1. Truyền thông nhà nước chiếu cảnh ông đứng trong tòa nhà quốc hội cùng với các lãnh đạo cấp cao khác.

Ông Trọng, 79 tuổi, không có tên trong lịch chính thức về các cuộc gặp gần đây với các quan chức nước ngoài đến thăm, như Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, làm dấy lên đồn đoán trên diện rộng về sức khỏe của ông Trọng, tờ báo Nhật Bản điểm lại.

Phiên họp Quốc hội bất thường đang được tiến hành để thảo luận về các chủ đề như cải cách ngân hàng và đất đai, chi tiêu bổ sung và kế hoạch đầu tư trung hạn cho hãng điện lực nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong một diễn biến khác, theo tường thuật của Nikkei Asia, tại Davos hôm 16/1, ông Chính nói với nhà báo Thomas Friedman của tờ New York Times rằng Mỹ và Trung Quốc là “đối tác chiến lược” của Việt Nam. Sau khi bị hỏi gặng về việc ông sẽ làm gì nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden hoặc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu Việt Nam tránh xa nước còn lại, ông Chính nói rằng cả hai nước đều là “bạn thân của Việt Nam”.

Nói về các chuyến thăm riêng rẽ tới Việt Nam của ông Biden và ông Tập vào năm 2023, ông Chính đã nêu lên việc xây dựng lòng tin là thành tựu quan trọng nhất của ba nước. Ông nói: “Một khi chúng ta có được niềm tin chính trị, chúng ta có cảm giác đồng cảm, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”.

Ông Chính nói nếu ông Biden hay ông Tập khuyên Việt Nam tránh xa nước còn lại, “tôi sẽ đáp lại với họ rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại là bạn và đối tác tin cậy” với tất cả các nước vì an ninh, ổn định và phát triển. Ông phát biểu: “Không có lý do gì để khuyên chúng tôi đứng về phía nước này để chống lại nước kia”.

Khi được hỏi Việt Nam chuyển đổi ra sao từ lắp ráp sản phẩm công nghệ giá rẻ sang thiết kế chúng, ông Chính nói đất nước ông cần tận dụng lợi thế là “người đi sau” và rút ra những bài học từ điều đó.

Ông nói về việc thu hút các nhà đầu tư vào các ngành công nghệ cao và cách chính phủ thúc đẩy các công ty nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển trong nước. Điều này nghe giống như cách làm của Trung Quốc từ vài thập kỷ trước và có thể là điều Việt Nam hy vọng sẽ làm được khi các công ty chọn Việt Nam làm địa điểm chính để đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.

“Chúng tôi cần tận dụng cơ hội và giảm thiểu mọi thách thức, khó khăn của người đi sau”, ông Chính nói, theo tin của Nikkei Asia.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG