Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Sài Gòn phải ‘phát huy được vai trò đầu tàu, là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường’. Phát biểu trên được người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM hôm 27/6. Người dân nói gì về việc này? Khánh An tìm hiểu thêm chi tiết.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã so sánh Sài Gòn với Bangkok của Thái Lan. Ông Phúc nói thành phố đứng đầu Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nó. Báo chí Việt Nam trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “So với Bangkok, một thủ đô với diện tích nhỏ hơn, dân số tương đương, nhưng lại có GDP gấp 3 lần TP.HCM”.
Để xứng đáng là thành phố “đầu tàu” của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thành phố phải có tầm nhìn xa, quyết tâm chính trị rõ ràng hơn để có thể trở thành “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông, chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường”.
Nhận xét về ý tưởng và phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, anh Bùi Mạnh Tiến, một kỹ sư làm việc tại TP.HCM, cho VOA biết:
“Nếu thủ tướng nói như vậy thì em nghĩ có lẽ cũng có thể, vì bây giờ Việt Nam đang gia nhập TPP, hợp tác với Mỹ. Bây giờ chuyển hướng sang hợp tác với Mỹ nên em nghĩ là chắc được. Sài Gòn bây giờ đô thị, địa ốc phát triển nhiều lắm, giới nhà giàu cũng nhiều nữa”.
Tuy nhiên, anh Tiến cho rằng để biến Sài Gòn hiện tại thành “hòn ngọc” trên thực tế phải mất rất nhiều thời gian, có thể tới 20, 30 năm vì phải giải quyết quá nhiều vấn đề.
“Nói chung là về sự chênh lệch, thu nhập. Sài Gòn cũng là mảnh đất mà người dân ở các tỉnh tập họp về nên thành phần hơi đa dạng, đủ loại thành phần. Nếu muốn cải thiện đều lên hết thì cũng phải mất thời gian”.
Trong khi đó, cô Diên An, một người làm nghề tự do ở TP.HCM, thẳng thắn nói:
“Thấy mới tin, còn nghe thì hổng tin đâu!”
Giải thích cho sự “mất lòng tin” của mình đối với các lãnh đạo Việt Nam, Diên An cho biết:
“Gần đây xảy ra quá nhiều chuyện, vừa rồi là cái vụ Formosa đó, cá chết quá trời còn chưa xong nữa mà nói gì hòn ngọc chiếu sáng gì. Mình không tin gì hết á”.
Cả Mạnh Tiến và Diên An đều cho rằng ý thức của người dân Việt Nam còn kém và để cải thiện điều này, cần phải có sự thay đổi gốc rễ từ rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, môi trường...
“Nói chung Việt Nam mình còn thiếu nhiều lắm, nhưng yếu tố đầu tiên mình quan tâm là vấn đề môi trường và ý thức của người dân”.
“Em không biết là sẽ thay đổi như thế nào. Người dân bây giờ đi ra nước ngoài, ý thức của người ta chưa được bằng các nước châu Âu hay các nước phát triển khác. Cái đó nếu muốn phát triển thì phải đẩy mạnh giáo dục và làm nhiều thứ khác. Bây giờ Việt Nam vẫn còn tụt hậu nhiều”.
Với cái nhìn của một kinh tế gia và nhà báo độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng hiện đang sinh sống tại TP.HCM, cho rằng việc biến Sài Gòn thành ‘hòn ngọc Viễn Đông’ hiện nay là một ‘ý tưởng ảo’.
“Một hòn ngọc thì phải đúng nghĩa là hòn ngọc saphire, nghĩa là về mặt kinh tế phải bảo đảm đời sống cho người dân. Đứng so sánh GDP (bình quân thu nhập đầu người) trước năm 1975 và hiện nay, mà bây giời phải nhìn vào tỉ lệ nghèo hóa của người dân. Ở Sài Gòn hiện nay còn rất nhiều người nghèo, rất nhiều người lang thang ăn xin. Tất cả những gì mà Sài Gòn thể hiện ra hiện nay là một bộ mặt hoàn toàn không đáp ứng được giống như Đà Nẵng: không có tình trạng ăn xin, cướp giật hay gái điếm, mà Sài Gòn tràn ngập những cái đó. Cho nên tôi nghĩ việc đưa Sài Gòn trở về ‘hòn ngọc viễn Đông’ trước đây là một ý tưởng rất ảo”.
Theo nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam, những việc cần làm trước mắt đối với thành phố đứng đầu cả nước là phải giảm số lượng hộ nghèo, giảm tình trạng cướp giật mà ông gọi là ‘kinh khủng’ hiện nay, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe… và khoan hãy bàn đến những ý tưởng mà ông cho là ‘chẳng bao giờ thực hiện được’.
Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng biến Sài Gòn trở lại thành ‘hòn ngọc Viễn Đông’ được đưa ra bàn thảo. Trước đó vào cuối năm ngoái, Bí thư Thành ủy mới nhậm chức Đinh La Thăng cũng đã đưa ra ý tưởng này khiến báo chí và dư luận Việt Nam được dịp bàn luận xôn xao cùng với những ý tưởng hiến kế được đưa ra. Tuy nhiên cũng như nhiều phát biểu được cho là thẳng thắn, có tính ‘cải cách’, ‘đột phá’, ông Đinh La Thăng cho tới nay vẫn chưa chứng tỏ được hiệu quả lời nói của mình.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại nhưng nhấn mạnh thêm ý tưởng ‘không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường’, mà là ‘hòn ngọc chiếu sáng’, theo nhận xét của TS. Phạm Chí Dũng, không phải là dấu hiệu cho thấy có sự hợp lực giữa hai người đứng đầu Chính phủ và thành phố.
“Tôi không cho rằng có sự hợp lực giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Đinh La Thăng ở đây, mà đây là chuyện của ai người đó làm, gần như là mạnh ai người đó làm. Theo kinh nghiệm ở Việt Nam, những người nói ít thì làm được nhiều hơn, người nói nhiều thì làm được ít hơn. Từ lúc ông Thăng nhậm chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông nói quá nhiều. Nhưng cho tới giờ, hiệu quả đạt được của lời nói của ông thì không bao nhiêu, có thể nói là rất ít. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc nói ít hơn hẳn và ít xuất hiện hơn hẳn, thì về phía doanh nghiệp, họ có khen ông Phúc. Họ nói rằng đây là người làm việc thực chất, mặc dù trong tình cảnh ngổn ngang hiện nay còn quá nhiều việc phải làm, nhưng dù sao ông Phúc cũng có làm được một vài việc. Ít nhất là hiện nay ông ấy đang thúc đẩy giải quyết tình trạng giấy phép con, một trong những căn cơ về tham nhũng ở Việt Nam”.
Theo thống kê được Bí thư Đinh La Thăng đưa ra hôm 27/6, mức độ tăng trưởng của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay đạt 7,47%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đưa ra là từ 8% - 8,5%. Cũng theo nhận xét của người đứng đầu thành phố, kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị TP.HCM xây dựng đề án thí điểm cơ chế đặc thù để trình Chính phủ thẩm định. Được biết, TP.HCM đã kiến nghị 7 nhóm vấn đề quan trọng liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính đặc thù, chủ động tự quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư…Bí thư Thành ủy thành phố cho biết những kiến nghị này căn cứ trên Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, cho phép thành phố thí điểm tất cả những vấn đề luật chưa có, chưa quy định.