Tăng thuế và lý lẽ của “dân chi phụ mẫu”
Tại cuộc họp báo chiều 15/8, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hai phương án: (i) tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019; và (ii) tăng theo lộ trình, lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.
Lý do để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là mức thuế VAT 10% hiện tại tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Theo lập luận của Bộ Tài chính thì số lượng quốc gia áp dụng thuế VAT ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, và 166 nước năm 2016. Song song với điều đó, xu thế tăng thuế suất VAT cũng diễn ra phổ biến. Từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất VAT trung bình tại EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 lên mức xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất VAT từ mức bình quân 18% năm 2000, lên khoảng 19% năm 2014, và hơn 19% vào năm 2016.
Và sự thật đằng sau
Mặc dù Bộ Tài chính không nói thẳng ra, nhưng ai cũng hiểu, nguyên nhân bức bách nhất khiến cơ quan chủ quản ngân khố quốc gia phải đề xuất tăng thuế chính là tình trạng thâm thủng ngân sách, thu không đủ bù chi, vốn đã kéo dài nhiều năm nay, trong bối cảnh nợ công đã lên đến mức báo động (theo một chuyên gia của Liên Hợp Quốc là 210% GDP tính đến hết năm 2016) và vẫn đang trên đà gia tăng.
Bất chấp việc một số quan chức trong bộ máy lên tiếng trấn an dư luận, cho rằng người nghèo không bị ảnh hưởng nhiều, hoặc thậm chí là không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính vẫn vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, cả trên truyền thông “lề đảng” lẫn “lề dân”. Đơn giản, những lời giải thích của các quan chức kia hoặc là thiếu hiểu biết, hoặc là nguỵ biện. VAT là một loại thuế gián thu, không phân biệt người giàu hay người nghèo, nam phụ hay lão ấu, thế nên tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo, đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với mức thu nhập thấp hơn, người nghèo chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng hơn người giàu.
Ngoài ra, mức thuế suất VAT bình quân trên thế giới dao động với biên độ rất lớn, từ 0% (khoảng 27 nước không áp đặt thuế VAT) đến mức 5% như ở Đài Loan, Kuwait cho đến mức 25% (thậm chí 27%) như tại nhiều nước EU. Vì vậy có thể nói, cái gọi là “thông lệ quốc tế” về thuế suất VAT như lập luận của Bộ Tài chính đơn giản là không tồn tại. Bên cạnh đó, so với các nước trong khu vực (Đài Loan và Nhật Bản 5%; Thái Lan và Singapore 7%; Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào và Hàn Quốc 10%; Philippines 12%; Ấn Độ 12,5%; Trung Quốc 17%), thuế suất VAT 10% hiện nay của Việt Nam cũng nằm ở mức trung bình, chứ không hề thấp.
Đặc biệt, theo PGS.TS Trần Đình Thiên thì thu từ thuế và phí (không kể thu từ dầu thô) của Việt Nam hiện đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% còn Ấn Độ chỉ là 7,8%. “Như vậy, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.
Tóm lại, những lời giải thích của các quan chức Bộ Tài chính đều là lấp liếm, nguỵ biện, không che dấu được bản chất của việc tăng thuế suất VAT lần này là tiếp tục bòn rút sức dân, những “ông/bà chủ” vốn đã còm cõi vì phải gánh chịu đủ loại thuế phí trên trời dưới đất. Với việc thuế suất VAT tăng lên 12%, gánh nặng thuế phí/GDP lại càng đè nặng lên đôi vai họ.
Cơ hội cho chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Tiếng nói của người dân ngày càng có ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách của chính phủ. Đó là thực tế không cần phải bàn cãi. Lý do là vì dân chúng Việt Nam ngày càng bạo dạn hơn trong việc bày tỏ chính kiến, đặc biệt là những gì liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày, mà vụ BOT Cai Lậy vừa rồi là một minh chứng nóng hổi. Ngoài ra, bản thân chính phủ Việt Nam cũng đã phải trả nhiều học phí đắt giá khi bất chấp phản ứng của công luận, mà vụ Bauxite Tây Nguyên là một ví dụ điển hình.
Trước làn sóng phản ứng mạnh mẽ của dư luận, trong cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.”
Chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ, có thể nói, phần nào đã cho thấy sự lắng nghe phản ứng của dư luận, trước khi “chuyển hoá” thành chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, nếu tất cả chỉ dừng lại ở chừng đó không thôi thì chưa rõ ràng và chưa đủ.
Chưa rõ ràng là vì việc tăng thuế suất VAT trước hết ảnh hưởng đến người dân. VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ đơn giản là thu hộ cho nhà nước. VAT làm cho giá hàng hoá tăng lên, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đi, nhưng với những mặt hàng thiết yếu thì mức suy giảm gần như bằng không. Trong khi đó, chỉ đạo của Thủ tướng Phúc lại mới chỉ quan tâm đến doanh nghiệp, mà cũng không chỉ đích danh loại thuế đang khiến dư luận bất bình là VAT.
Chưa đủ là vì “chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí” mới chỉ là một giải pháp tình thế trước áp lực của dư luận, mà chưa kèm theo những giải pháp căn cơ, rốt ráo nhằm giáp bớt áp lực ngân sách đang ngày một đè nặng lên hệ thống và quan trọng hơn là quyết tâm chính trị để hiện thực hoá chúng.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright: “Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, thì nguồn thu từ thuế VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình cao hơn hẳn là 21,3%, VAT cũng mới chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU.” Khi thuế suất VAT tăng lên thì một mặt sức mua của người dân sẽ giảm; mặt khác, tình trạng trốn lậu thuế lại càng diễn ra phổ biến. Cả hai yếu tố đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Nghĩa là, việc tăng thuế suất VAT không đồng nghĩa với việc vai trò của sắc thuế này trong tổng thu ngân sách sẽ được cải thiện tương ứng.
Vì thế, để giải quyết một cách căn cơ tình trạng thâm thủng ngân sách và nợ công ngất ngưởng trong bối cảnh dư luận phản ứng gay gắt trước đề xuất tăng thuế suất VAT hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần nhân cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ nghị trình cải cách kinh tế, mà trọng tâm và gai góc nhất là việc tinh gọn và lành mạnh hoá khu vực kinh tế nhà nước: (i) cổ phần hoá/tư nhân hoá DNNN: nhằm giải phóng nguồn lực trong khu vực kinh tế nhà nước, khu vực nắm giữ phần lớn nguồn lực quốc gia nhất nhưng hiệu quả lại thấp nhất; (ii) thị trường hoá/phi điều tiết hoá, đặc biệt là những lĩnh vực còn bị can thiệp nặng nề như điện lực, xăng dầu, v.v… và dịch vụ sự nghiệp công; (iii) tinh gọn bộ máy, cắt giảm biên chế; và (iv) cải cách đầu tư công (minh bạch, kiểm soát và thắt chặt đầu tư công; thực hiện nguyên tắc ngân sách cứng, chấm dứt hiện tượng “đội vốn”; đảm bảo nguyên tắc độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thực hiện đầu tư).