Diễn tiến hủy hợp đồng đầy bất ngờ của thương vụ chuyển nhượng cổ phần đầy ‘nhạy cảm’ và đang bị điều tra đã làm bùng lên tranh cãi về những bất cập của hệ thống pháp lý và quyết tâm chống tham nhũng tại Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng tầm cỡ vụ này còn lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh, mặc dù thông tin chính thức chưa đưa ra bất kỳ kết luận về dấu hiệu tham nhũng nào.
Giải pháp hủy bỏ hợp đồng mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) của doanh nghiệp nhà nước MobiFone với mức giá 8.889,8 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) được đưa ra sau cuộc họp căng thẳng kéo dài 6 giờ đồng hồ giữa hai bên, cùng với đại diện Bộ Thông tin Truyền thông và luật sư, hôm 12/3, 4 ngày sau khi có chỉ đạo từ Ban Bí thư.
Việc hủy hợp đồng muộn như thế này, dư luận cho rằng chẳng qua các vị ăn không được nên phải nhả ra.TS. Phạm Chí Dũng.
Đây là thương vụ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc họp Ban Bí thư ngày 8/3, cho là “vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” và đã có công văn chỉ đạo “khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát”.
Tranh cãi quanh giải pháp “bất ngờ”
Nhận định về diễn tiến mà dư luận cho là “đầy bất ngờ” trong vụ điều tra đã kéo dài hơn 1,5 năm, TS. Phạm Chí Dũng, một chuyên gia kinh tế và chính trị Việt Nam, nói:
“Việc hủy hợp đồng muộn như thế này, dư luận cho rằng chẳng qua các vị ăn không được nên phải nhả ra. Thứ hai, một số vị quan chức tìm cách khắc phục hậu quả để làm tình tiết giảm nhẹ nếu như có vụ án MobiFone mua AVG”.
Thương vụ mua AVG của MobiFone, công ty viễn thông lớn thứ hai của Việt Nam, bị dư luận chú ý sau khi doanh nghiệp nhà nước này bất ngờ công bố đã hoàn tất mua lại 95% cổ phần của AVG vào tháng 1/2016, nhưng lại không tiết lộ giá trị hợp đồng mua bán.
Mãi đến tháng 11/2016, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc thanh tra toàn diện thương vụ, MobiFone mới công bố đã chi gần 8,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) cho thương vụ “chuyển nhượng” cổ phần.
Theo báo cáo tài chính quý II của năm 2016, thương vụ đã chiếm tới 40% tổng giá trị tài sản tính đến cuối tháng 6/2016 của MobiFone.
Người ta thấy mua với một số lượng tiền lớn như thế thì người ta suy ra là có thể có chuyện mua cao rồi chia nhau chăng.TS. Hà Hoàng Hợp.
Dư luận cho rằng mức giá chuyển nhượng trên đã bị đội lên rất nhiều lần, trong khi giá trị thực của thương vụ được ước tính chỉ khoảng 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo nhận định của TS. Hà Hoàng Hợp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, giá cả mua bán có thể được định rất khác nhau, theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán” của kinh tế thị trường. Nhưng vấn đề là các quy định tại Việt Nam về việc mua bán của doanh nghiệp nhà nước lại có những bất cập. Ông nói:
“Có 2 quy định: Một là quy định 69 của Bộ Tài chính thì đúng theo kinh tế thị trường là ‘thuận mua vừa bán’, thấy hợp lý thì mua. Nhưng quy định 67 của Bộ Kế hoạch Đầu tư thì lại gài một câu là nếu Thủ tướng không cho phép thì không được mua. Quy định 67 này thực ra là trái với kinh tế thị trường, mà Việt Nam thì vẫn nói là đi theo kinh tế thị trường. Bây giờ, người ta thấy mua với một số lượng tiền lớn như thế thì người ta suy ra là có thể có chuyện mua cao rồi chia nhau chăng”.
Về phương diện pháp lý, Luật sư Trần Vũ Hải, người có mặt trong buổi làm việc giữa các bên, cho rằng việc AVG hủy hợp đồng “vì một số lý do, trong đó có lý do MobiFone không thanh toán hết số tiền mua cổ phần” là “hợp lý và đúng, phù hợp với luật pháp Việt Nam và với chính thỏa thuận trước đây”, LS. Hải thông tin trên Facebook.
Theo quan điểm của tôi, sau khi ký hợp đồng và bắt đầu chuyển giao, thì việc định giá không đúng thực tế thì cũng là có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước rồi.LS. Hà Huy Sơn.
Trong khi đó, một luật sư khác tại Hà Nội, LS. Hà Huy Sơn, lại cho rằng có thể thấy dấu hiệu vi phạm hình sự trong thương vụ được cho là gây thất thoát hàng nghìn tỷ của nhà nước.
“Theo tôi được biết, giá trị của công ty [AVG] chỉ 600 tỷ đồng, nhưng MobiFone lại mua tới 8,9 nghìn tỷ, tức là gấp mười mấy lần. Tôi không biết chuyện thực hiện hợp đồng, thanh toán, chuyển giao… tới đâu, nhưng theo quan điểm của tôi, sau khi ký hợp đồng và bắt đầu chuyển giao, thì việc định giá không đúng thực tế thì cũng là có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước rồi”, LS. Hà Huy Sơn nói với VOA tối 13/2.
Nhả ra là hết tội?
Tháng 7 năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng phải “khẩn trương” thanh tra và ra hạn 50 ngày để báo cáo kết quả, nhưng thời hạn này đã bị kéo dài cho tới hôm 8/3 vừa qua, khi ông Trọng một lần nữa lặp lại và nhấn mạnh đến mức độ “nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” của vụ việc, trong bối cảnh Việt Nam đang chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng.
Thông báo của Bộ TTTT về giải pháp hủy hợp đồng giữa MobiFone và AVG đã vấp phản ứng khá mạnh từ dư luận. Nhiều người cho rằng có “lại quả” trong thương vụ nghìn tỷ và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.
“Vấn đề bây giờ tùy thuộc vào ông Nguyễn Phú Trọng là ông có cho qua vụ này hay không, mặc dù hợp đồng giữa MobiFone và AVG đã hủy rồi. Nếu ông Trọng cho qua vụ này, thì nói theo dân gian, là nếu ăn không được thì nhả ra, và cứ nhả ra, cứ ói ra là coi như thoát tội. Nếu ông Trọng cho qua trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của một số quan chức trong vụ MobiFone mua AVG thì coi như ông Trọng đã tạo ra một tiền lệ là ‘cứ nhả ra là hết tội’”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế này, mặc dù chưa thành án, nhưng vụ MobiFone-AVG có dấu hiệu "gây thất thoát" rõ ràng hơn và mức độ ước tính cao gấp nhiều lần so với vụ đại án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh vừa qua.
Nếu ông Trọng cho qua trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của một số quan chức trong vụ MobiFone mua AVG thì coi như ông Trọng đã tạo ra một tiền lệ là ‘cứ nhả ra là hết tội’.TS. Phạm Chí Dũng.
Dựa vào những sự kiện "bắt tham nhũng" dồn dập sau Tết Nguyên Đán, mới nhất là vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa và đường dây cờ bạc, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang muốn "đánh đi một thông điệp" về quyết tâm chống tham nhũng, không chỉ "một bên" mà cả trong "phe ta". Chính vì vậy, khả năng vụ MobiFone-AVG bị đưa ra xét xử là khá cao.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, trong thương vụ mua AVG của MobiFone, có 6 cá nhân nhận tới 8.051 tỷ đồng trong tổng giá trị 8.889,98 tỷ đồng. Theo nguồn tin này, các cá nhân trên đã kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tổng cộng hơn 8 tỷ đồng.
AVG do em trai của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng, ông Phạm Nhật Vũ, đứng đầu. Trước thời điểm chuyển nhượng , ông Vũ nắm 55,49% cổ phần AVG, tương đương với 2.013 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, số cổ phần của ông Vũ còn 0,12%, tương đương 4,3 tỷ đồng.
Thông báo của Bộ TTTT nói việc chấm dứt hợp đồng giữa MobiFone và AVG là “giải pháp tối ưu, đúng quy trình pháp luật” và “đảm bảo thu hồ đầy đủ vốn mà MobiFone đã đầu tư”.