Đường dẫn truy cập

Thương chiến Mỹ-Trung 2019: Một năm giằng co


Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu hai phái đoàn đàm phán
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu hai phái đoàn đàm phán

Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước sang năm thứ hai với nhiều diễn tiến đột biến: từ hưu chiến lần thứ hai ở Osaka cho đến ông Trump quyết định đánh thuế lên toàn bộ hàng tiêu dùng còn lại của Trung Quốc; từ hy vọng đạt được thỏa thuận cho đến đàm phán đổ vỡ; từ bờ vực của cuộc chiến toàn diện cho đến thỏa thuậng giai đoạn 1. Còn vài ngày nữa là hết năm 2019, VOA mời quý vị cùng điểm lại những diễn biến của cuộc chiến thuế quan này từ đầu năm đến nay.

Ngày 7/1: đàm phán 3 ngày tại Bắc Kinh

Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của phái đoàn chính thức của hai nước kể từ khi lãnh đạo đồng ý thỏa thuận ‘hưu chiến’ kéo dài 90 ngày, kết thúc vào ngày 1 tháng 3.

Ban đầu dự kiến diễn ra trong hai ngày, các cuộc thảo luận kéo dài thêm một ngày sau khi nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Trung Quốc Lưu Hạc cũng xuất hiện bất ngờ tại các cuộc đàm phán vốn dự định chỉ diễn ra ở cấp thứ trưởng. Cuộc đàm phán được chia thành hai lĩnh vực – ‘thương mại’, bao gồm mất cân bằng thương mại và ‘các vấn đề hệ thống’, như ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và hàng rào phi thuế quan.

Sau cuộc đàm phán, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo rằng các cuộc đàm phán là ‘sâu rộng và thiết lập nền tảng để giải quyết các mối quan tâm của nhau’. Đại diện Thương mại Mỹra tuyên bố cho biết Trung Quốc cam kết sẽ mua ‘một lượng đáng kể nông sản, năng lượng, hàng hóa chết tạo và các sản phẩm và dịch vụ khác của Mỹ’, nhưng lưu ý rằng vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại.

Ngày 30/1: đàm phán 2 ngày tại Washington DC

Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp tại Washington DC, với phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc. Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc đề nghị mua năm triệu tấn đậu nành của Mỹ. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Tập vào tháng Hai.

Ngày 7/2: Trump nói sẽ không gặp Tập trước thời hạn chót đạt thỏa thuận thương mại

Ông Trump nói ông sẽ không gặp ông Tập trực tiếp trước khi ‘hưu chiến’ kết thúc vào ngày 1/3.

Ngày 11/2: đàm phán tại Bắc Kinh

Ngày 15/2, ông Tập gặp các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ, trong một động thái được nhìn nhận rộng rãi như một cử chỉ thiện chí. Vào cuối cuộc đàm phán, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có khác biệt, nhưng đồng ý tiếp tục đàm phán tại Washington vào tuần kế tiếp.

Ngày 21/ 2: đàm phán tại Washington, Trump kéo dài thời hạn áp thuế

Các nhà đàm phán hai nước nối lại đàm phán tại Washington. Ngày hôm sau, ông Trump gặp ông Lưu Hạc, trưởng phái đoàn đàm phán Trung Quốc trước truyền thông. Ông bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại. Vào ngày 24/2, ông Trump tuyên bố sẽ gia hạn thời hạn chót đạt thỏa thuận thương mại với lý do đàm phán có tiến triển. Ông Trump không đưa ra một ngày cụ thể cho thời hạn mới, nhưng hy vọng rằng ông Tập sẽ đến khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Trump ở Florida vào tháng 3 để hoàn tất thỏa thuận thương mại.

Ngày 28/3: đàm phán nối lại ở Bắc Kinh sau một tháng tạm ngưng

Thời gian một tháng các cuộc đàm phán tạm nghỉ một phần là do Trung Quốc bận họp Lưỡng Hội (tức Quốc hội và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân) được tổ chức vào đầu tháng 3 – cuộc họp chính trị lớn nhất trong năm của Trung Quốc. Các quan chức gọi các cuộc đàm phán này là mang tính xây dựng với cơ chế thực thi để giám sát cam kết của Trung được cho là điểm bế tắc.

Ngày 31/3: Trung Quốc gia hạn tạm dừng đánh thuế bổ sung đối với ô tô và phụ tùng Mỹ

Trước đó, Trung Quốc đã áp dụng mức thuế trả đũa 25% đối với ô tô Mỹ để đáp lại thuế quan của Mỹ, nhưng sau đó đã đình hoãn vào tháng 12 năm 2018 cho đến ngày 1/4 năm 2019. Trung Quốc không nêu rõ khi nào sẽ đánh thuế lại. Ô tô Mỹ vẫn phải chịu mức thuế suất tiêu chuẩn 15% của Trung Quốc.

Ngày 3/4: đàm phán ở Washington

Một ngày sau khi bắt đầu đàm phán, hôm 4/4, ông Trump gặp ông Lưu Hạc và nói rằng hai bên sẽ biết ‘trong vòng bốn tuần nữa’ liệu họ có thể đạt được thỏa thuận hay không. Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đồng ý tiếp tục đàm phán vào tuần sau.

Ngày 10/4: hai bên đồng ý lập văn phòng thực thi thỏa thuận thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý thành lập ‘văn phòng thực thi’ để giám sát việc thực thi thỏa thuận thương mại vốn vẫn chưa được chốt. Theo tin tức báo chí, các vấn đề về thực thi vẫn chưa được thống nhất, chẳng hạn như liệu Mỹ có quyền đơn phương tái áp đặt thuế quan hay không nếu Trung Quốc được coi là đi ngược lại các cam kết.

Ngày 30/4: đàm phán tại Bắc Kinh

Ông Mnuchin gọi cuộc đàm phán này là ‘có kết quả’ và xác nhận rằng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán tại Washington vào tuần tới.

Ngày 5/5: ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế với Trung Quốc

Tổng thống Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ tăng thuế với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% và có hiệu lực kể từ ngày 10/5. Mức thuế quan này sẽ áp dụng cho các sản phẩm trong Danh sách 3 vốn đã chịu mức thuế 10% kể từ 24/9 năm 2018. Mức thuế trong Danh sách 3 ban đầu dự kiến tăng lên 25% vào đầu năm năm 2019 nhưng sau đó Mỹ hoãn lại việc tăng thuế cho đến ngày 1/3/2019 và sau đó đồng ý trì hoãn vô thời hạn để hỗ trợ cho các cuộc đàm phán.

Ông Trump cũng nói rằng ông sẽ đưa ra mức thuế mới 25% đối với hơn 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm gần như hầu hết các mặt hàng còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Trump nói rằng sở dĩ ông tăng thuế bởi vì phía Trung Quốc đang cố gắng ‘đàm phán lại’ thỏa thuận thương mại và đang thụt lùi trong các cam kết.

Ngày 10/5: Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25%

Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc trong Danh sách 3 từ 10% lên 25%, do hai nước không đạt được thỏa thuận sau khi kết thúc ngày đầu tiên của vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ mười một. Việc tăng thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 10/5/2019 với hàng hóa rời từ Trung Quốc sang Mỹ trước nửa đêm vẫn bị đánh thuế ở mức 10% trước đó. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra một tuyên bố nói rằng họ ‘rất lấy làm tiếc’ về thuế quan và ‘các biện pháp đối phó cần thiết’ sẽ được thực hiện.

Ngày 13/5: Trung Quốc thông báo tăng thuế lên hàng Mỹ và đưa ra hệ thống miễn thuế

Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ đô la hàng hóa Mỹ kể từ ngày 1/6 năm để trả đũa việc tăng thuế do Mỹ áp đặt vào ngày 10/5. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm thịt bò, thịt cừu, thịt heo, rau, nước trái cây, dầu ăn, trà, cà phê, tủ lạnh và đồ nội thất cùng nhiều thứ khác.

Bên cạnh việc tăng thuế, Ủy ban thuế quan của Quốc vụ viện cũng đưa ra một hệ thống miễn thuế đối với một số sản phẩm đủ điều kiện nhất định. Trên cơ sở thử nghiệm, hệ thống này cho phép các sản phẩm nhập khẩu của Mỹ tạm thời được miễn thuế bổ sung; thuế quan có thể được hoàn lại cho các sản phẩm đủ điều kiện đã bị đánh thuế. Đại diện thương mại Mỹ cũng cho biết họ sẽ tổ chức lấy ý kiến công chúng vào ngày 17/6 năm về khả năng áp thuế 25% đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại di động và máy tính xách tay.

Ngày 16/5: Mỹ đưa Huawei vào ‘danh sách đen’

Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo bổ sung Huawei và các chi nhánh của Huawei vào danh sách cấm các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

Ngày 31/5: Trung Quốc công bố danh sách ‘các thực thể không đáng tin cậy’

Trung Quốc thông báo họ sẽ thiết lập danh sách các thực thể không đáng tin cậy của riêng họ để trả đũa danh sách của Mỹ. Danh sách không đáng tin cậy này bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nước ngoài không tuân thủ quy tắc thị trường, vi phạm hợp đồng và chặn, cắt nguồn cung vì lý do phi thương mại hoặc làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Ngày 1/6: Trung Quốc tăng thuế đối với 60 tỷ đô la hàng Mỹ

Các mức thuế quan 25%, 20% và 10%, vốn lần đầu tiên được công bố vào ngày 13/5 giờ đã có hiệu lực đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ đô la xuất khẩu sang Trung Quốc. Những thay đổi cụ thể như sau:

Các sản phẩm trong danh sách 1 sẽ phải chịu mức thuế 25%, tăng từ 10%;

Các sản phẩm trong danh sách 2 sẽ phải chịu mức thuế 20%, tăng từ 10%;

Các sản phẩm trong danh sách 3 sẽ phải chịu mức thuế 10%, tăng từ năm 5%; và

Các sản phẩm trong danh sách 4 sẽ vẫn phải chịu mức thuế 5%.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc tuyên bố mở một cuộc điều tra chính thức về công ty vận tải FedEx của Mỹ vì đã chuyển hướng các kiện hàng từ Nhật Bản gửi đến Trung Quốc sang Mỹ.

Ngày 2/6: Trung Quốc công bố Sách Trắng về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung

Sách Trắng có tựa đề: ‘Lập trường của Trung Quốc về tham vấn kinh tế và thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ’.

Sách Trắng lên án các biện pháp đơn phương và bảo hộ của Mỹ, chỉ trích việc Mỹ thoái lui trong các cuộc đàm phán thương mại và thể hiện lập trường của Trung Quốc về tham vấn thương mại và theo đuổi các giải pháp hợp lý.

Ngày 18/6: Tập-Trump khởi động lại đàm phán trước thềm G20

Lãnh đạo hai nước khởi động lại đàm phán qua điện thoại, chưa đầy hai tuần trước Hội nghị thượng đỉnh G20 rất được trông đợi ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày 28-29/6. Cả hai bên đã xác nhận rằng họ sẽ gặp nhau để thảo luận về tranh chấp thương mại đang diễn ra, bên lề Hội nghị thượng đỉnh. Trước đó, ông Trump từng đe dọa sẽ đánh thuế đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu còn lại Trung Quốc, tùy thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán.

Ngày 21/6: Mỹ đưa thêm 5 công ty Trung Quốc vào ‘danh sách đen’

Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố bổ sung năm thực thể mới của Trung Quốc (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước), cấm họ mua các bộ phận và linh kiện của Mỹ mà không có sự chuẩn thuận trước của chính phủ. Các thực thể mới được nhắm đến là: Sugon, Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam, Higon, Mạch tích hợp Thành Đô Hải Quang và Công nghệ vi điện tử Thành Đô Hải Quang.

Ngày 26/6: đạt được thỏa thuận ‘đình chiến’ trước G20

Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý với một thỏa thuận ‘đình chiến’ dự kiến trong lúc chuẩn bị nối lại đàm phán thương mại ở Osaka. Thông tin chi tiết của thỏa thuận được soạn thảo và dự kiến được công bố trước hội nghị. Mức thuế 25% mà Mỹ đe dọa đối với hơn 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được tạm hoãn. Các nguồn tin được giới truyền thông trích dẫn cho biết ông Trump có thể đưa ra thời hạn sáu tháng để đạt được thỏa thuận. Nếu điều này lên đến đỉnh điểm, điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ trì hoãn việc thực hiện các mức thuế tiếp theo cho đến cuối năm nay.

Ngày 29/6: tái khởi động đàm phán, lệnh cấm Huawei được nới lỏng

Mỹ và Trung Quốc đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại, sau khi đạt được thỏa thuận ‘đình chiến.’ Không có thời hạn nào được đưa ra cho các cuộc đàm phán lần này, khác lần ‘đình chiến’ hồi năm ngoái tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires.

Tổng thống Trump cũng đề nghị nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ cho Huawei.

Ngày 9/7: Mỹ miễn 110 sản phẩm Trung Quốc khỏi mức thuế 25% và cấp phép cho các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei

Chính quyền Trump tuyên bố sẽ miễn cho 110 sản phẩm của Trung Quốc khỏi bị áp mức thuế 25%, bao gồm cả thiết bị y tế cho bệnh ung thư. Lệnh miễn thuế này sẽ có hiệu lực trong một năm kể từ ngày 9/7/2019. Hơn nữa, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói rằng chính phủ Mỹ sẽ cấp giấy phép cho các công ty đang muốn bán hàng cho Huawei ở những chỗ không có đe dọa an ninh. Bộ trưởng Thương mại Mỹ xác nhận rằng Huawei vẫn sẽ nằm trong ‘danh sách đen’.

Ngày 16/7: Trump đe dọa áp thuế lên 325 tỷ đô la giá trị hàng Trung Quốc

Tổng thống Trump một lần nữa đe dọa sẽ đánh thuế vào 325 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, bất chấp việc ông đã hứa sẽ không làm như vậy sau thỏa thuận đình chỉ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 chỉ hai tuần trước đó. Trong khi đó, Trung Quốc bất ngờ bổ sung một thành viên mới vào đoàn đàm phán - Bộ trưởng Thương mại Trung Sơn – nhân vật được xem là người có lập trường cứng rắn.

Ngày 30/7: đàm phán ở Thượng Hải kết thúc, ít tiến triển

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã gặp nhau ở Thượng Hải để đàm phán thương mại trong hai ngày. Đây là lần tương tác trực diện đầu tiên kể từ khi Trump và Tập gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6 và là cuộc đàm phán cấp cao chính thức đầu tiên kể từ tháng 5. Như hầu hết các nhà phân tích dự đoán, các cuộc đàm phán đã kết thúc với rất ít tiến triển. Hai bên đã đồng ý tiếp tục nói chuyện và sẽ gặp lại vào tháng 9.

Các cuộc đàm phán này xoay quanh các cử chỉ thiện chí, chẳng hạn như các cam kết của Trung Quốc mua đậu nành, thịt lợn, ethanol và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ, và Mỹ hứa sẽ giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với Huawei. Nhà Trắng ra thông báo khẳng định cam kết của Trung Quốc sẽ tăng mua hàng nông sản Mỹ, mặc dù không nêu chi tiết. Trung Quốc cũng xác nhận nội dung về việc mua nông sản Mỹ, nhưng không nói rõ có được đạt được thỏa thuận hay không.

Ngày 1/8: Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ đô la hàng hóa còn lại của Trung Quốc

“Hoa Kỳ sẽ bắt đầu từ ngày 1/9 áp đặt thêm biểu thuế thấp 10% đối với 300 tỷ đô la hàng hóa và sản phẩm còn lại đến từ Trung Quốc,” ông Trump viết trên Twitter. Thông báo đánh thuế bất ngờ này được đưa ra sau khi Mỹ và Trung Quốc kết thúc đàm phán thương mại tại Thượng Hải chỉ một ngày trước đó. Sau cuộc họp, Nhà Trắng mô tả cuộc đàm phán là ‘mang tính xây dựng’ và nói thêm rằng Trung Quốc đã xác nhận cam kết tăng mua hàng nông sản Mỹ.

Nếu được áp dụng, vòng đánh thuế này sẽ ảnh hưởng đến gần như tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ, bao gồm cả hàng tiêu dùng điện tử và quần áo. Ông Trump cũng đe dọa sẽ tăng thuế lên tới 25% đối với 250 tỷ đô la hàng hóa nếu Trung Quốc không nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Ngày 6/8: Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, sau khi đồng nhân dân tệ giảm xuống 7 so với đồng đô la Mỹ - mức thấp nhất trong 11 năm – một động thái trả đũa rõ ràng đối với mức thuế quan mới đối hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Tuyên bố cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ ‘để đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế’ và tuyên bố rằng Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ sẽ phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để loại bỏ những lợi thế này. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bác bỏ những tuyên bố này trong một tuyên bố mạnh mẽ, cho rằng “Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không sử dụng tỷ giá nhân dân tệ như một công cụ để đối phó với các xung đột thương mại” và rằng “những thay đổi đối với tỷ giá Nhân dân tệ là quy luật cung cầu của thị trường quyết định”.

Ngày 6/8: các công ty Trung Quốc tạm ngừng mua thêm nông sản Mỹ

Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 6/8, một số công ty Trung Quốc đã ngưng mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ. Tuyên bố cũng nói rõ rằng Ủy ban thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ không loại trừ thuế nhập khẩu đối với hàng nông sản mới mua của Mỹ sau ngày 3/8. Do đó, một số công ty Trung Quốc đã quyết định ngưng nhập khẩu.

Ngày 13/8: Mỹ hoãn thuế với một số sản phẩm và đưa một số mặt hàng ra khỏi danh sách thuế

Đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố họ hoãn áp dụng thuế quan bổ sung đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đến ngày 15 tháng 12. Mức thuế 10% đối với một loạt các sản phẩm của Trung Quốc vẫn có hiệu lực vào ngày 1/9. Mức thuế được hoãn này sẽ ảnh hưởng đến giá thành của các mặt hàng người dân Mỹ tiêu thụ hàng loạt, bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game, màn hình máy tính, một số mặt hàng giày dép và quần áo, và một số đồ chơi. Bên cạnh đó, một số sản phẩm Trung Quốc được loại ra khỏi danh sách bị đánh thuế quan với lý do ‘sức khỏe, an toàn, an ninh quốc gia’.

Ngày 13/8: Mỹ-Trung đồng ý nói chuyện lại sau hai tuần

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán trong hai tuần. Việc này dự kiến sẽ xảy ra chỉ vài ngày trước ngày 1/9 khi thuế quan bổ sung của Mỹ có hiệu lực. Tuyên bố được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói chuyện với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin qua điện thoại vào ngày 13/8.

Ngày 23/8: Trung Quốc loan báo đánh thuế 75 tỷ đô la hàng hóa Mỹ, Trump dọa tăng thuế lên hàng Trung Quốc

Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc công bố đánh thuế 75 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ. Mức thuế 5 và 10% sẽ được áp dụng đối với 5.078 mặt hàng của Mỹ theo hai đợt, từ ngày 1/9 (theo danh sách 1) và từ ngày 15/12 (danh sách 2). Quốc vụ viện cũng đã phê chuẩn khôi phục đánh thuế ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ bắt đầu từ ngày 15/12.

Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter: “Các công ty Mỹ được lệnh ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm lựa chọn thay thế cho Trung Quốc”. Sau đó, ông Trump còn viết rằng Mỹ sẽ tăng thuế đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu vốn đã bị đánh thuế từ ngày 1/9 và từ ngày 1/10, mức thuế đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc còn lại sẽ được tăng từ 25 lên 30%.

Ngày 25/8: Trump và Nhà Trắng đưa ra những tuyên bố trái ngược

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với truyền thông rằng ông đang ‘suy nghĩ lại’ về mức thuế mà ông đã áp với Trung Quốc. Sau đó, phát ngôn nhân Nhà Trắng nói rằng điều hối tiếc duy nhất của Trump là ông đã không áp mức thuế cao hơn đối với Trung Quốc.

Ngày 26/8: Lưu Hạc kêu gọi bình tĩnh

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc Lưu Hạc đã kêu gọi bình tĩnh trong bối cảnh đe dọa chiến tranh thương mại leo thang. Ông Lưu nói rằng Trung Quốc ‘kiên quyết phản đối’ sự leo thang của cuộc chiến thương mại. Ông cũng nói rằng sự leo thang này là ‘chống lại lợi ích của Trung Quốc, Mỹ và toàn thế giới’. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã nói với truyền thông: ‘Trung Quốc đã gọi điện cho người của chúng tôi đêm qua và nói ‘Hãy quay trở lại bàn đàm phán’, vì vậy chúng ta sẽ quay trở lại bàn đàm phán, và tôi nghĩ họ muốn làm gì đó”.

Ngày 1/9: thuế mới có hiệu lực như dự kiến

Như đã thông báo, Mỹ bắt đầu đánh thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá hơn 125 tỷ đô la. Hàng hóa bị ảnh hưởng bao gồm từ giày dép, tã lót, thực phẩm cho đến đồng hồ thông minh, máy rửa chén và TV màn hình phẳng. Đến lượt mình, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng thuế quan bổ sung đối với một số hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ đô la, trong đó có mức thuế 5% đối với dầu thô.

Ngày 2/9: Trung Quốc kiện ra WTO

Trung Quốc kiện thuế nhập khẩu của Mỹ đối với 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc. Đây là vụ kiện thứ ba mà Trung Quốc đưa ra WTO đối với thuế quan của Mỹ.

Theo quy định của WTO, Washington có 60 ngày để giải quyết tranh chấp. Trước đó Mỹ đã công bố một văn bản bào chữa cho vụ kiện đầu tiên của Trung Quốc, khẳng định rằng WTO không thể phán quyết về các mức bộ thuế quan hiện có.

Ngày 5/9: Hai nước đồng ý tham gia vòng đàm phán lần thứ 13

Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao tại Washington vào đầu tháng 10, Bộ Thương mại Trung Quốc loan báo. Phái đoàn đàm phán của cả hai nước sẽ bắt đầu tham vấn vào giữa tháng 9 để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp cao này.

Ngày 11/9: Trung Quốc công bố danh sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ

Ủy ban thuế quan Trung Quốc tuyên bố sẽ miễn 16 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ khỏi danh sách bị đánh thuế bổ sung, bao gồm thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, chất bôi trơn và thuốc trị ung thư.

Trong một diễn biến riêng rẽ, Tổng thống Trump thông báo rằng Mỹ đồng ý hoãn tăng thuế đối với 250 tỷ đô la hàng nhập của Trung Quốc từ ngày 1/10 đến ngày 15/10 vì tôn trọng 70 năm Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ‘như một hành động thiện chí’.

Ngày 13/9: Trung Quốc miễn nhiều nông sản Mỹ khỏi thuế quan bổ sung

Để đáp trả Mỹ hoãn tăng thuế đến ngày 15/10, Tân Hoa Xã tuyên bố rằng Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc và Bộ Thương mại sẽ loại trừ các mặt hàng đậu nành, thịt lợn và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ khỏi thuế quan bổ sung.

Ngày 19/9: đàm phán cấp trung tại Washington

Mỹ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp trung ở Washington trước các cuộc đàm phán thương mại cấp cao dự kiến diễn ra vào tháng 10.

Hai nước nhất trí tiếp tục liên lạc về các vấn đề thương mại liên quan và thảo luận chi tiết về vòng 13 của các cuộc tham vấn kinh tế và thương mại cấp cao song phương dự kiến diễn ra vào tháng 10.

Ngày 20/9: Mỹ công bố danh sách miễn thuế mới cho hơn 400 mặt hàng Trung Quốc

Các mặt hàng được miễn chủ yếu bao gồm các loại thiết bị hoặc vật liệu, chẳng hạn như vật liệu tổng hợp hữu cơ, nhu yếu phẩm hàng ngày, hóa chất, dệt may, thiết bị cơ khí và thiết bị điện, hóa chất và thép.

Ngày 11/10: Mỹ công bố thỏa thuận ‘Giai đoạn 1’, trì hoãn tăng thuế đối với hàng Trung Quốc

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày 10-11/10 tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng các nhà đàm phán của hai nước đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 vốn sẽ mất vài tuần để hoàn tất. Theo đó, Trung Quốc được cho là sẽ mua đến 40-50 tỷ đô la hàng nông sản Mỹ hàng năm, tăng cường các điều khoản sở hữu trí tuệ và ban hành các hướng dẫn mới về cách quản lý tiền tệ của họ.

Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ trì hoãn việc tăng thuế dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10. Sự trì hoãn này sẽ được áp dụng đối với mức thuế dự kiến tăng lên 30% đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Ngày 1/11: các nhà đàm phán Mỹ-Trung điện đàm, thống nhất ‘về nguyên tắc’

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Wright Heze và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã có ‘các cuộc thảo luận nghiêm túc và mang tính xây dựng’ qua điện thoại về các mối quan tâm thương mại cốt lõi và đạt được ‘đồng thuận trên nguyên tắc’ cho vòng đàm phán thương mại tiếp theo, theo thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Nhà Trắng, về phần mình, tuyên bố rằng ‘đã có tiến triển trên nhiều lĩnh vực’ và rằng ‘các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục ở cấp phó’.

Ngày 13/12: Mỹ-Trung đồng ý ‘thỏa thuận giai đoạn một’ ngay trước khi đợt tăng thuế kế tiếp có hiệu lực

Trung Quốc và Mỹ tuyên bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận đoạn một, ngay trước khi mức thuế mới có hiệu lực vào ngày 15/12 vốn sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt hàng tiêu dùng, bao gồm cả thiết bị điện tử phổ biến như điện thoại thông minh và máy tính xách tay.

Mỹ đồng ý không áp thuế 15% đối với 160 tỷ đô la hàng tiêu dùng và sẽ giảm mức thuế đã áp từ ngày 1/9 đối với 120 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc - giảm từ 15% xuống còn 7,5%. Tuy nhiên, mức thuế 25% đối với 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được duy trì. Các vòng giảm thuế tiếp theo sẽ tùy vào tiến triển của cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.

Về phần mình, Trung Quốc đã đồng ý tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm ít nhất 200 tỷ đô la trong hai năm tới, đình chỉ thuế trả đũa cũng dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12, thực hiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ và có quy trình bãi bỏ thuế quan. Có khả năng Trung Quốc sẽ nhập khẩu nông sản Mỹ trị giá 40 tỷ đến 50 tỷ đô la mỗi năm trong vòng hai năm tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG