Đường dẫn truy cập

Thường vụ Quốc hội ‘nghiên cứu’ vụ án Hồ Duy Hải


Hội đồng Thẩm phán TANDTC công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vào ngày 8/5/2020. Photo: PLO.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vào ngày 8/5/2020. Photo: PLO.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, giám sát vụ Hồ Duy Hải, Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc, hôm 18/5 cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho cơ quan chuyên môi “nghiên cứu” vụ án đang gây tranh cãi và bất bình trong công luận này.

“Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật”, VOV dẫn lời ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân đã gửi kiến nghị lên Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu làm rõ những vấn đề mà dư luận đặt ra sau khi Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao ra phán quyết bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và y án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải, nghi phạm được cho là đã giết chết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An, 12 năm trước.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng Hội đồng Thẩm phán đã không công tâm, khách quan, khoa học và đúng đắn trong việc xem xét các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra, dẫn đến che lấp nhiều vấn đề khuất tất, gây bức xúc dư luận.

Trả lời báo chí hôm 18/5, người đứng đầu Văn phòng Quốc hội thừa nhận đây là vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” và “dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát vụ này do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga làm phó trưởng đoàn.

“Uỷ ban Tư pháp đã có kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phúc nhắc lại quá trình xử lý vụ việc trước đây.

Sau khi Hội đồng Thẩm phán đưa ra quyết định y án đối với Hồ Duy Hải, hôm 10/5, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hải, đã gửi đơn kêu cứu tới bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, để xin xem xét lại quyết định trên.

Trong kiến nghị gửi Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu Lê Thanh Vân còn cho rằng phiên giám đốc thẩm có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định của Luật tố tụng hình sự và đặt ra một dạng quy định bất thành văn, không hề có trong pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự khi cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, tạo ra tiền lệ nguy hiểm và vô tình khuyến khích vi phạm pháp luật trong tố tụng hình sự.

Ngoài các đại biểu quốc hội, rất nhiều trí thức và người dân cũng đã lên tiếng, ký thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà chức trách Việt Nam điều tra lại vụ án, trả lại công lý và sự thật cho những người liên quan.

VOA Express

XS
SM
MD
LG