Đường dẫn truy cập

Thế giới chờ đợi gì từ bầu cử giữa kỳ ở Mỹ?


Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ này ở Mỹ được thế giới chờ đợi
Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ này ở Mỹ được thế giới chờ đợi

Trong hoàn cảnh bình thường thì bầu cử giữa kỳ của Mỹ thường được thế giới bên ngoài nhìn với thái độ lắc đầu nhún vai. Thế giới thường chỉ tập trung vào bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng vào những ngày này nếu bạn là công dân Mỹ sống ở nước ngoài thì bạn có thể bị chất vấn về cuộc bầu cử giữa kỳ vào thứ Ba ngày 6/11 này.

Bà Leslie Vinjamuri, một nhà khoa học chính trị Mỹ đã sống ở London hơn một chục năm, cho biết trong thời gian sắp đến bầu cử giữa kỳ, bà đã bị hỏi han liên tục gần như mỗi ngày.

“Ai trong khu vực tư cũng đều rất quan tâm,” bà Vinjamuri, người điều hành chương trình về Mỹ và châu Mỹ tại Viện nghiên cứu Chatham House ở London, cho biết.

Điều này cũng đúng bên ngoài nước Anh. Một số quốc gia từng hy vọng ông Donald Trump đắc cử hai năm trước giờ đây ước gì họ đã không hy vọng như vậy và họ cổ vũ cho Đảng Dân chủ giành được thành tích lớn trong kỳ bầu này. Nhưng cho dù đảng nào về đầu sau ngày bầu cử thì những tác động của kỳ bầu cử giữa kỳ này sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới.

Ở Tây Âu, sự quan tâm của mọi người đối với bầu cử giữa kỳ ở Mỹ xuất phát từ quan ngại rằng Tổng thống Trump dường như sẽ quay lưng lại với liên minh xuyên Đại Tây Dương – một tập hợp các nền dân chủ phương Tây và là đồng minh truyền thống của Mỹ.

Trong số những người trí thức ở London, rất nhiều người muốn cử tri Mỹ ít nhất là đưa Hạ viện về tay Đảng Dân chủ, bà Vinjamuri cho biết, để kiểm soát quyền lực của ông Trump.

“Tôi nghĩ rằng có hy vọng rằng làn sóng xanh (màu xanh là màu của Đảng Dân chủ) là có thật,” bà nói.

Ian Bond, một nhà ngoại giao Anh về hưu, nhận định rằng bầu cử giữa kỳ ở Mỹ được nhìn nhận trong giới hoạch định chính sách ở London không phải như là một cuộc bầu cử nữa, mà là một chỉ dấu quan trọng về phương hướng của nước Mỹ.

“Nếu Đảng Cộng hòa giành được thành tích tốt thì trên khắp châu Âu, người dân sẽ nghĩ rằng ông Trump không phải sắp hết thời,” ông Bond, vốn là giám đốc chính sách đối ngoại tại Trung tâm Cải cách châu Âu có trụ sở ở London, nói. “Mọi người sẽ bắt đầu nghĩ rằng đây là sự thay đổi chính sách của Mỹ và quan điểm của Mỹ đối với thế giới bên ngoài mà trong nhiều năm mới xảy ra, và chúng tôi sẽ phải thích ứng với việc nước Mỹ sẽ không còn ở trong tình trạng sẵn sàng giúp đỡ châu Âu trong một cuộc khủng hoảng.”

Nhưng ngay cả khi Đảng Dân chủ giành lại Hạ viện thì họ cũng không thể kiềm chế ông Trump được nhiều như châu Âu kỳ vọng, Bond lưu ý, bởi vì tổng thống Mỹ có rất nhiều dư địa để điều hành chính sách ngoại giao.

Và mặc dù nhiều người trong giới chính trị chính thống của châu Âu không thích chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump, vẫn có những người ủng hộ ông, chẳng hạn như những người cổ vũ cho nước Anh rời khỏi châu Âu (Brexit) như cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.

Cũng giống như những người cổ súy cho Brexit, ông Trump không thích Liên minh châu Âu mà ông cho là ‘đầm lầy các quy định’ vốn ràng buộc các quốc gia và các doanh nghiệp. Hơn nữa, ông Trump đã lên tiếng nồng nhiệt hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm Barack Obama về thỏa thuận thương mại tự do với Anh quốc.

Về phần mình, Bắc Kinh có thể hy vọng vào thắng lợi cho Đảng Dân chủ. Trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016, Trung Quốc đã ủng hộ ông Trump, một phần bởi vì bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng dưới thời ông Obama đã rất cứng rắn với Trung Quốc. Bắc Kinh xem ông Trump chỉ là một thương gia mà họ cho rằng họ có thể nói chuyện được và dễ dàng bị tâng bốc.

Tuy nhiên, mọi việc lại không diễn ra như Bắc Kinh nghĩ. Trong năm nay, ông Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc và áp đặt thuế quan lên khoảng 250 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào các sản phẩm ở các bang là thành trì của Đảng Cộng hòa.

Nếu Đảng Dân chủ thắng lợi trong hôm 6/11 thì Tổng thống Trump sẽ bị suy yếu. Điều này sẽ khiến ông Trump phải điều chỉnh lại cách tiếp cận, học giải Trung Quốc Anson Au nhận định với tờ South China Morning Post: “Ông Trump sẽ phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng giọng điệu ôn hòa hơn. Ở những chỗ mà trước đây ông ấy có thể chỉ thị thì giờ đây ông phải đàm phán với các nước khác và trong phạm vi nước của ông.”

Kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ có thể là một trong những nhân tố mà Bắc Kinh cần phải xem xét trước khi họ thông báo ngày tổ chức hội nghị trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên đối với ít nhất một đối tác của Mỹ là Ấn Độ thì bầu cử giữa kỳ lần này cũng không hề quan trọng hơn những lần trước.

“Trước đây, Ấn Độ rất quan tâm đến bầu cử giữa kỳ của Mỹ, thông thường bởi vì có những đạo luật đang bị treo với những tác động trực tiếp đến Ấn Độ,” ông Dhruva Jaishankar, một chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại tại phân nhánh của Viện Brookings ở Ấn Độ, cho biết. “Năm nay, sự quan tâm của Ấn Độ ít hơn. Tất cả những vấn đề quan trọng có ý nghĩa đối với Ấn Độ không thật sự tùy thuộc vào kết quả bầu cử giữa kỳ.”

Những vấn đề này bao gồm thuế thép, cấm vận Iran, cấm vận những nước mua vũ khí của Nga và thị thực nhập cư. Hầu như tất cả những vấn đề này phụ thuộc vào nhánh hành pháp hơn là nhánh lập pháp của Mỹ.

Ông Trump đã áp thuế thép lên Ấn Độ hồi đầu năm và Ấn Độ cũng đã đánh thuế trả đũa mặc dù họ trì hoãn thực hiện. Chính quyền Trump cũng đang cân nhắc liệu có nên rút lại giấy phép làm việc cho những người có visa H-4 hay không vốn sẽ ảnh hưởng đến người hôn phối của những người nhập cư có trình độ mà đa phần đến từ Ấn Độ.

“Hầu hết những vấn đề chính được giao cho các bộ trưởng nội các – chẳng hạn như Bộ trưởng Thương mại hay Ngoại giao,” Jaishankar nói.“Ngay cả khi Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội và khiến cho Tổng thống bị chìm trong khó khăn thì đối với Ấn Độ cũng không có gì khác biệt,” ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG