Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm thứ Sáu kêu gọi Triều Tiên "đình chỉ kéo dài" việc thủ nghiệm vũ khí để cho phép hai nước tổ chức đàm phán về các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.
"Triều Tiên phải nỗ lực để được quay trở lại bàn đàm phán. Chiến dịch gây áp lực phải và sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được việc giải trừ hạt nhân," ông Tillerson nói trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chương trình vũ khí của Triều Tiên. Ông không xác định thời gian đình chỉ nên kéo dài bao lâu.
Ông nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng Mỹ sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho các cuộc hội đàm với Triều Tiên.
Ông Tillerson đã khơi lên hy vọng trong tuần này rằng Mỹ và Triều Tiên có thể đàm phán để giải quyết tình trạng đối đầu giữa hai nước khi ông nói Mỹ "sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào Triều Tiên muốn đàm phán."
Nhưng Nhà Trắng đã tránh dính dáng tới những phát biểu của ông Tillerson và nói rằng giờ không phải là lúc để đàm phán.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu không nói gì về lời kêu gọi của ông Tillerson chấm dứt các cuộc thử nghiệm khi ông phát biểu tại cùng cuộc họp Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Ja Song Nam nói đất nước của ông sẽ không đề ra nguy hiểm cho bất kỳ quốc gia nào, miễn là lợi ích của họ không bị xâm phạm.
Ông mô tả phiên họp của Hội đồng Bảo an là "một biện pháp tuyệt vọng do Hoa Kỳ bày ra, nước đang kinh hãi bởi sức mạnh khó tin của nước Cộng hoà của chúng tôi thành công trong việc đạt được lý tưởng lịch sử vĩ đại là hoàn thành sức mạnh hạt nhân nhà nước."
Triều Tiên đã nói rõ rằng họ không mấy quan tâm đến các cuộc đàm phán với Mỹ cho đến khi họ phát triển được khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân, điều mà hầu hết các chuyên gia cho rằng họ vẫn chưa chứng tỏ được.
Triều Tiên đã đều đặn thực hiện các cuộc thử nghiệm phi đạn kể từ tháng 4, sau đó dừng lại vào tháng 9 sau khi bắn một phi đạn bay ngang qua đảo Hokkaido của Nhật Bản.
Nhưng nước này thử nghiệm lại vào tháng 11 khi họ bắn một phi đạn đạn đạo liên lục địa mới, Hwasong-15, bay xa hơn và cao hơn các phi đạn được thử nghiệm trước đó.
Ông Tillerson hôm thứ Sáu cũng kêu gọi Trung Quốc và Nga tăng thêm áp lực lên Triều Tiên không chỉ dừng lại ở việc thi hành các chế tài của Liên Hiệp Quốc, nhưng cả hai nước đều thận trọng với ý tưởng này.
Hội đồng Bảo an đã tăng cường các biện pháp chế tài nhắm vào Triều Tiên liên quan tới các chương trình vũ khí của nước này kể từ năm 2006.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói với Hội đồng Bảo an hôm thứ Sáu rằng đã đến lúc phải ngay lập tức thiết lập lại và củng cố các kênh liên lạc với Triều Tiên, bao gồm các kênh liên lạc liên Triều và từ quân đội tới quân đội để giảm nguy cơ hiểu lầm leo thang thành xung đột.