Cho đến năm ngoái, nhiều quốc gia ở Tây Âu đã có chính sách lâu dài chống lại việc đưa vũ khí vào các vùng chiến sự. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã nhanh chóng thay đổi tất cả.
Những quốc gia đó - đáng chú ý nhất là Đức, Thụy Điển và Na Uy - đã thay đổi hướng đi, cuối cùng hiến tặng vài đợt vũ khí để giúp Ukraine chiến đấu trong một trận chiến mà họ coi là quyết định đối với tương lai của châu Âu.
Nhưng sau gần một năm giao tranh, và với việc châu Âu hiện đang phải vật lộn để sản xuất đủ đạn dược cho Ukraine và chính mình, việc tìm kiếm các nguồn vũ khí khác đang được tiến hành.
Một số đang tìm đến Đông Bắc Á để được giúp đỡ. Trong chuyến công du tuần này bao gồm các điểm dừng ở Seoul và Tokyo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine, nêu gương của các nước châu Âu.
“Sau cuộc xâm lược tàn bạo vào Ukraine, những quốc gia này đã thay đổi chính sách,” ông Stoltenberg nói trong một bài phát biểu tại Seoul. “Nếu bạn không muốn chế độ chuyên quyền và bạo ngược chiến thắng, thì họ cần có vũ khí. Đó là thực tế.”
Hàn Quốc và Nhật Bản đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự phi sát thương, chẳng hạn như áo chống đạn và mũ sắt. Nhưng cả hai quốc gia đều không gửi vũ khí trực tiếp đến Ukraine, một phần là do các quy định pháp lý tương tự đã hạn chế nhiều nước châu Âu.
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thay đổi chính sách đối với Ukraine, nhưng những bình luận của ông Stoltenberg cho thấy cả hai nước có thể chịu nhiều áp lực hơn từ phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự, đặc biệt là khi chiến tranh tiếp diễn.
Cách tiếp cận ngoằn ngoèo của Hàn Quốc
Cho đến nay, Hàn Quốc chỉ gián tiếp hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Thay vì trao tặng vũ khí, chính phủ Hàn Quốc đã chấp thuận việc bán vũ khí do Hàn Quốc sản xuất cho các quốc gia đang cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine.
Ba Lan, nhà cung cấp vũ khí chính cho Ukraine, năm ngoái đã đồng ý mua vũ khí trị giá 5,8 tỷ đô la của Hàn Quốc, bao gồm xe tăng, pháo howitzer và đạn dược. Các công ty Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận nhỏ hơn với Estonia và Na Uy, cũng như đang đàm phán tương tự với Hoa Kỳ và Canada.
Ông Ramon Pacheco Pardo, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học King ở London, nói: “Những vũ khí này đang được sử dụng để thay thế các vũ khí cũ hơn được các quốc gia này gửi tới Ukraine và có những báo cáo đáng tin cậy rằng một số sẽ đến Ukraine hoặc đã đến đó”.
Các quan chức Hàn Quốc đã không công bố bất kỳ chính sách nào cho phép cung cấp vũ khí trực tiếp, mặc dù ngôn ngữ của họ về vấn đề này dường như đang dịu đi.
Ngày 31/1, khi được hỏi liệu Seoul có đang xem xét xuất khẩu vũ khí sang Ukraine hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup cho biết ông và người đứng đầu NATO “có chung quan điểm về sự cần thiết của nỗ lực quốc tế” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong cuộc gặp với ông Stoltenberg, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đề cập đến “vai trò có thể có trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để giúp đỡ người dân Ukraine,” nhưng không nói chi tiết, theo một tuyên bố do văn phòng tổng thống Hàn Quốc đưa ra.
Một số bản tin nước ngoài coi những bình luận đó là một dấu hiệu cho thấy Seoul sẵn sàng thay đổi quyết định.
Nhưng một nhà ngoại giao ở Seoul từ một quốc gia NATO nói với VOA rằng ông không mong đợi một sự thay đổi lớn từ Hàn Quốc sớm, do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Seoul với Nga, cũng như ảnh hưởng của Moscow với Triều Tiên.
“Tôi hy vọng là mình sai,” nhà ngoại giao này nói.
Ngay cả với sự hỗ trợ gián tiếp của Hàn Quốc cho Ukraine, Nga vẫn không hài lòng. Hồi tháng 3, Moscow đưa Seoul vào danh sách các nước “không thân thiện.” Vào tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine “sẽ phá hủy mối quan hệ của chúng ta”.
Hạn chế của Nhật
Khả năng Nhật Bản gửi vũ khí cho Ukraine thậm chí còn ít hơn.
Mặc dù Nhật Bản đang dần nới lỏng các hạn chế theo chủ nghĩa hòa bình, nhưng các hạn chế pháp lý của nước này đối với việc xuất khẩu vũ khí có vẻ kém linh hoạt hơn so với ở Hàn Quốc.
Bất chấp những rào cản đó, Nhật Bản đã trở thành một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Ukraine. Nước này đã nhanh chóng tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, gửi hơn một tỷ đô la viện trợ tài chính và nhân đạo cho Ukraine và các nước láng giềng, thậm chí còn cung cấp thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine - một bước đi mà cho đến gần đây là không thể tưởng tượng được.
Ông Jeffrey J. Hall, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda của Nhật Bản, nói: “Bây giờ chúng ta có một tình huống là những người lính Ukraine ở tiền tuyến đang đội mũ sắt Type 88 của Nhật Bản và sử dụng máy bay không người lái của Nhật Bản khi họ chiến đấu và giết chết những người lính từ một quốc gia láng giềng Nhật Bản.”
Cuộc xâm lược của Nga xảy ra như một cú sốc lớn ở Nhật Bản, quốc gia giống như Ukraine đã bị các nước láng giềng đe dọa bằng vũ khí hạt nhân. Kết quả là, công chúng Nhật Bản ủng hộ rộng rãi cách tiếp cận của chính phủ đối với Ukraine, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy.
Ông Hall nói: “Nhưng việc trao cho người Ukraine những công cụ để trực tiếp giết người Nga, chẳng hạn như đạn dược, sẽ gây tranh cãi hơn nhiều.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng có thể có những ưu tiên khác. Có lẽ điều đáng chú ý nhất là ông ấy phải tìm cách chi trả cho kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới mà không phụ thuộc quá nhiều vào việc tăng thuế không được lòng dân.
Ông Hall nói thêm: “Điều này đặt ông Kishida vào một tình huống dao động về mặt chính trị, nơi ông muốn tránh đưa ra bất kỳ thay đổi chính sách nào nữa có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ chấp thuận ông.
Ngay cả khi Nhật Bản cuối cùng cung cấp vũ khí cho Ukraine, tác động tiềm năng của nó có thể ít hơn so với Hàn Quốc, quốc gia có ngành xuất khẩu quốc phòng lớn hơn nhiều.
Tiếp tục gây sức ép?
Chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn - và tiếp tục làm hao mòn kho dự trữ đạn dược của các nước phương Tây - thì Hàn Quốc và Nhật Bản có thể phải đối mặt với áp lực tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.
Đó là trường hợp đặc biệt vì cả hai quốc gia đều được lãnh đạo bởi các chính phủ bảo thủ đã cố gắng liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với NATO.
Trong chuyến thăm tuần này, ông Stoltenberg tuyên bố sẽ có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi tỏ ra miễn cưỡng đưa ra lời khuyên chính sách cụ thể, ông cảnh báo rằng an ninh của châu Âu và châu Á có mối liên hệ với nhau.
Ông nói: “Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến chừng nào còn có thể.” “Bởi vì nếu Tổng thống Putin chiến thắng, thông điệp gửi tới ông ấy và các nhà lãnh đạo độc tài khác là họ có thể đạt được những gì họ muốn thông qua việc sử dụng vũ lực.”
Diễn đàn