Câu chuyện về một bác sỹ “rút ống thở” của mẹ mình để cứu một sản phụ sắp sinh đã được chính quyền Việt Nam chính thức công bố là “tin hư cấu” nhưng vẫn đang tạo ra một làn sóng tranh luận trên mạng xã hội về khía cạnh đạo đức và pháp lý trong hành động mà nhiều người cho là ‘anh hùng’ trước khi bị chứng minh là không có thật.
Câu chuyện bắt đầu được lan truyền trên mạng xã hội từ ngày 7/8 nói về quyết định của một vị bác sỹ có tên Khoa trong hoàn cảnh phải quyết định giữa tính mạnh của người mẹ ruột của mình với một sản phụ sinh đôi tại một bệnh viện trong lúc chữa trị cho họ vì đều mắc COVID. Người bác sỹ phụ sản đang làm việc ở tuyến đầu tại một bệnh viện ở TPHCM này đã “tự tay rút ống thở” của mẹ mình để “nhường đi chiếc máy khi sản phụ ấy cần” vì cho rằng mẹ ông sẽ không thể qua khỏi.
Một ngày sau khi câu chuyện được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, trong đó gồm cả những nhà báo có tiếng, trang Thông tin Chính phủ đưa ra tuyên bố rằng thông tin bác sỹ “nhường máy thở của người thân để cứu sản phụ song thai” là hư cấu.
Hai Facebooker có tiếng và là những nhà báo được nhiều người theo dõi, Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ hôm 9/8 đã bị nhà chức trách TPHCM xử phạt mỗi người 5 triệu đồng vì lan truyền câu chuyện không có thật “gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Thành phố.”
Tuy nhiên trước khi thông tin này được chính quyền thông báo là không có thật và cũng được một số người chỉ ra những điều thiếu logic và nghi ngờ tính xác thực trong đó, một lượng lớn người dùng mạng xã hội đã tin vào câu chuyện được lan truyền nhanh chóng trên Facebook ngay khi được đăng tải.
Theo nhận định của Luật sư Đặng Đình Mạnh từ TPHCM, nhiều người trong công chúng ở Việt Nam tin vào câu chuyện của BS Khoa là điều “thật dễ hiểu” vì nó “đi vào lòng người, khiến công chúng rúng động nhân tâm mà quên đi những tiểu tiết vô lý trong câu chuyện.”
Cùng chung ý kiến, anh Bùi Sơn, một kỹ sư sinh sống ở Hà Nội, cho biết rằng nhiều người tin vào câu chuyện “nhường máy thở” bởi nó được đưa ra vào thời điểm căng thẳng của dịch bệnh khi hệ thống y tế quá tải.
Việt Nam trong những tuần gần đây ghi nhận con số lây nhiễm mới thường nhật lên đến gần 10.000 người và hàng trăm người tử vong trong một ngày, phần nhiều được ghi nhận tại TPHCM và những tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương.
Theo anh Sơn, câu chuyện “về sự hy sinh này” như một đốm sáng” trong bức tranh ảm đạm của dịch bệnh và đang muốn tìm những câu chuyện tốt đẹp trong cuộc sống.
Có nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội về ‘câu chuyện của BS Khoa’ rằng họ đã khóc trước quyết định “hy sinh” khả năng cứu sống người mẹ mình cho một sản phụ sắp sinh đôi và cảm thấy “mắc nợ” với bác sỹ này và bố mẹ anh ta “sự sống.”
Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác nhận thông tin bác sỹ Khoa làm việc tại đây là không đúng sự thật và bệnh viện không có Khoa Sản cũng như không có sự việc mổ bắt con tại đây, theo VietNamNet. Tờ báo này hôm 10/8 cũng trích dẫn Chánh Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Nguyễn Đức Thọ, nói rằng sở đang phối hợp với Công an thành phố tiếp tục điều tra và nhận định ban đầu rằng hành vi giả mạo được tung ra để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TPHCM.
Luân lý và pháp lý
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về vụ việc vẫn tiếp diễn giữa những luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ hành vi “rút máy thở” để kết thúc sự sống của người thân, như trong câu chuyện của ‘BS Khoa.’
“Đối với văn hoá người Việt Nam, việc tự tay rút sự sống của người sinh ra mình hoặc người thân trong gia đình mình là một việc vi phạm đạo đức nghiêm trọng,” anh Sơn nói. “Kể cả làm nghề y biết là khả năng không thể cứu được người thân thì theo văn hoá Việt Nam, như các cụ vẫn nói ‘còn nước còn tát’, hành vi rút ống thở của bố mẹ mình bị coi là bất hiếu.”
Theo anh Đoàn Bảo Châu, một người chuyên viết các bài phản biện xã hội, “tình huống này nếu có thật thì vô cùng khó xử.” Trong một đăng tải trên Facbeook, anh Châu cho rằng “người con không thể có quyền rút ống thở của cha mẹ mình để cứu một người khác, cho dù có biết chắc chắn rằng cha mẹ sẽ chết nhưng anh ta không phải là chúa trời để có quyền quyết định rút ngắn cuộc sống của chính cha mẹ mình. Làm thế, anh ta là kẻ bất hiếu.”
Trong khi một số người dùng mạng xã hội cũng chỉ trích hành vi này là “không thể chấp nhận được” thì nhiều người dùng mạng khác lại ca ngợi và cho đó là hành động “đầy cảm phục” và “anh hùng.” Một trong những người chia sẻ và ca ngợi câu chuyện này là nhà báo chuyên bình luận về điện ảnh Lê Hồng Lam, nhưng phần đăng tải này sau đó đã bị xoá bỏ.
Trong luồng ý kiến ủng hộ hành động này, LS Mạnh cho rằng câu chuyện nếu có thật sẽ mang tính “nhân ái” và cần được cổ vũ khi vị bác sỹ này phải đưa ra một “lựa chọn nghiệt ngã” để “kết thúc sớm sự vô vọng cứu chữa một người thân” nhằm cứu mạng sống của 3 người khác gồm hai trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đứng về mặt pháp lý, theo vị luật sư thường bào chữa cho các tù nhân lương tâm và các nhà hoạt động nhân quyền, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
“Hiện nay luật pháp Việt Nam chưa cho phép người bác sỹ có hành vi như vậy,” LS Mạnh nói. “Một số nước châu Âu đã cho phép ‘cái chết êm dịu’ nhưng Việt Nam chưa cho phép. Vì vậy hành vi của ‘BS Khoa’ tuy là cứu người nhưng cũng đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của luật pháp Việt Nam, hành vi này đồng nghĩa với việc giết người.”
LS Mạnh cho rằng câu chuyện hư cấu này “sẽ phá nát lòng tin của công chúng vào câu chuyện nhân ái” và những người lan truyền nó cần bị trừng trị thích đáng. Còn theo anh Sơn, vụ việc ‘BS Khoa’ cho thấy công chúng Việt Nam cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin và xem xét các tiêu chuẩn đạo đức cũng như văn hoá trước khi chia sẻ chúng.