Đường dẫn truy cập

Tin tặc Trung Quốc ‘theo dõi’ Việt Nam?


FireEye, công ty cung cấp phần mềm an ninh mạng của Mỹ, hôm qua, nói rằng một nhóm hacker bị nghi có liên quan tới chính phủ Trung Quốc đã theo dõi Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á trong suốt một thập kỷ qua.

FireEye cho rằng nhóm tin tặc có tên gọi là APT30 đã sử dụng phần mềm chứa mã độc để tiếp cận hàng loạt máy tính "chứa các thông tin tình báo quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự" ở 10 nước, trong đó có Việt Nam cũng như các quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ở châu Á.

Chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận mối quan hệ với hacker, thậm chí khẳng định chính Trung Quốc mới là nạn nhân của nhiều vụ tấn công mạng, chủ yếu xuất phát từ Mỹ. Trả lời báo chí về những cáo buộc mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói:

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nghiêm cấm và ngăn chặn bất kỳ hình thức tấn công mạng nào. Đây là quan điểm nhất quán và rõ ràng. Các vụ tin tặc là một vấn đề chung mà cộng đồng quốc tế vấp phải, và cần phải được xử lý một cách hợp tác thay vì phê bình lẫn nhau”.

Năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc đã tấn công vào hệ thống máy tính của các công ty Mỹ để thu thập bí mật thương mại. Việt Nam chưa lên tiếng về các cáo buộc tấn công mạng vừa kể.

Ông Nguyễn Văn Thỉnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an, từng cho hay “tình hình an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, tồn tại nhiều cơ sở gây nguy cơ bị tấn công, phá hoại hạ tầng mạng thông tin, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.”

Theo báo chí trong nước, trong năm 2014, Bộ Công an phát hiện gần 6.000 trang bị tấn công, chiếm quyền quản trị, chỉnh sửa nội dung. Sau sự kiện giàn khoan dầu gây tranh cãi của Trung Quốc, tin tặc nước ngoài đã tấn công hơn 700 trang mạng Việt Nam để “chèn các nội dung xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG