Đường dẫn truy cập

Tình báo Mỹ cho thấy Nga vẫn thích ông Trump đắc cử


TƯ LIỆU - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay trong cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28 tháng 6 năm 2019.
TƯ LIỆU - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay trong cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28 tháng 6 năm 2019.

Mỹ chưa thấy Nga thay đổi sự lựa chọn về người mà họ muốn sẽ giành được chiến thắng năm nay so với các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đây, một quan chức tình báo Mỹ cho biết hôm 9/7, cho thấy Moscow một lần nữa ủng hộ ông Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Quan chức này, thông báo với truyền thông về an ninh bầu cử, không nêu tên ông Trump khi được hỏi Moscow muốn ai làm tổng thống Mỹ tiếp theo.

Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng Nga ủng hộ ông Trump, đồng thời cho biết cộng đồng tình báo Mỹ chưa thay đổi đánh giá so với các cuộc bầu cử trước.

Những đánh giá đó cho thấy Moscow đã cố gắng thông qua các chiến dịch gây ảnh hưởng để giúp ông Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton vào năm 2016 và trước Tổng thống Joe Biden vào năm 2020.

Quan chức của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) cho biết: “Chúng tôi chưa nhận thấy sự thay đổi trong ưu tiên của Nga đối với cuộc đua tổng thống hiện nay so với các cuộc bầu cử trước đây, vì vai trò của Mỹ đối với Ukraine và chính sách rộng hơn đối với Nga.”

Chiến dịch tranh cử của ông Trump và đại sứ quán Nga chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Ông Trump thường xuyên chỉ trích quy mô hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho Ukraine, khoảng 60 tỷ đô la kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm 2022, và gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy là “người chào hàng giỏi nhất từ trước đến nay.”

Hai cố vấn của ông Trump đã trình bày với ông Trump kế hoạch chấm dứt viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trừ khi nước này mở các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột.

Về chính sách đối với NATO, ông Trump nói ông sẽ “khuyến khích” Nga làm “bất cứ cái quái gì họ muốn” với bất kỳ thành viên NATO nào mà không chịu chi đủ cho quốc phòng và ông sẽ không bảo vệ họ.

Hiến chương NATO bắt buộc các thành viên của khối phải bảo vệ các thành viên bị tấn công.

Quan chức trong ODNI định nghĩa ảnh hưởng bầu cử là những nỗ lực nhằm định hình kết quả bỏ phiếu hoặc làm suy yếu các tiến trình dân chủ, trong khi sự can thiệp cấu thành những nỗ lực nhằm phá vỡ khả năng tổ chức bầu cử tự do và công bằng của Hoa Kỳ.

Ông nói Mỹ chưa thấy kế hoạch của bất kỳ quốc gia nào nhằm “làm suy giảm hoặc phá vỡ” khả năng tổ chức bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 này.

Tuy nhiên, ông nói tiếp, Nga đã bắt đầu thông qua mạng xã hội và các phương tiện khác để cố gắng gây ảnh hưởng đến các nhóm cử tri Mỹ cụ thể ở các bang chiến trường, “quảng bá những câu chuyện gây chia rẽ và bôi nhọ các chính trị gia cụ thể” mà ông không nêu tên.

Ông nói: “Nga đang thực hiện toàn bộ cách tiếp cận của chính phủ để tác động đến cuộc bầu cử, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống, bầu cử Quốc hội, và dư luận”.

Quan chức này cho biết Moscow “xác định ứng cử viên nào họ sẵn sàng ủng hộ hay phản đối phần lớn dựa trên lập trường của ứng viên đó về việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine và các vấn đề liên quan.”

“Đó là tất cả các chiến thuật mà chúng tôi đã thấy trước đây, chủ yếu thông qua các nỗ lực truyền thông xã hội” và “sử dụng tiếng nói Mỹ để khuếch đại luận điểm của họ.”

Một đánh giá mới của cộng đồng tình báo được công bố trong tuần này trên trang web ODNI cho biết Nga “vẫn là mối đe dọa chính đối với cuộc bầu cử của chúng ta” và “các tác nhân gây ảnh hưởng của Nga” đã bí mật lên kế hoạch “xoay chuyển dư luận” ở các tiểu bang dao động và “làm giảm bớt sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine.”

Quan chức này cho biết gần đây Nga đang tìm cách gây ảnh hưởng đến khán giả Mỹ thông qua “các kênh nhắn tin trực tiếp được mã hóa”.

Vẫn theo nguồn tin này, Trung Quốc hiện được đánh giá là không có kế hoạch “gây ảnh hưởng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống” Mỹ.

Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ địa chiến lược hàng đầu. Bắc Kinh và Washington đang nỗ lực giảm bớt căng thẳng. Đại sứ quán Trung Quốc chưa hồi đáp yêu cầu bình luận.

Quan chức này cho biết Bắc Kinh đang cố gắng mở rộng khả năng thu thập và giám sát dữ liệu từ các nền tảng truyền thông xã hội “có thể để hiểu rõ hơn và cuối cùng là thao túng dư luận”.

Vẫn theo lời ông, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được sử dụng để “điều chỉnh một cách thuyết phục hơn” các video và các nội dung khác trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG