Trong chuyến thăm biên giới phía nam hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đe dọa sử dụng thẩm quyền tình trạng khẩn cấp để bỏ qua Quốc hội và huy động hàng tỉ đôla để chi trả cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico trong khi chính phủ Mỹ đóng cửa một phần sang ngày thứ 21.
Một tuyên bố như vậy có nghĩa là gì? Sau đây là những điều cần biết:
Đạo luật Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia là gì?
Dự luật tình trạng khẩn cấp quốc gia được giới thiệu vì người ta nhận thấy cần phải chấm dứt các tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài không kết thúc và chính thức hóa quyền lực của Quốc hội. Luật được ban hành vào năm 1976 để cung cấp những sự kiểm tra và cân bằng nhất định đối với thẩm quyền tình trạng khẩn cấp của tổng thống, bao gồm chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia hai năm sau khi ban hành, và quy định không muộn hơn sáu tháng sau khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố, và không muộn hơn cuối mỗi giai đoạn sáu tháng sau đó trong suốt tình trạng khẩn cấp. Mỗi viện của Quốc hội phải biểu quyết về một nghị quyết đồng thời (concurrent resolution) để xác định khi nào cần chấm dứt tình trạng khẩn cấp.
Ông Trump có thể sử dụng thẩm quyền tình trạng khẩn cấp để xây tường được không?
Câu trả lời ngắn gọn là, có.
Là tổng thống, ông Trump có thẩm quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, ông có thể không có thẩm quyền rộng lớn gắn với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Chuyện này có thực sự là tình trạng khẩn cấp?
Ông Trump đã tuyên bố dòng di dân kéo đến biên giới phía nam là một tình trạng khẩn cấp nhân đạo và quốc gia. "Chúng ta có tội phạm kéo đến," ông Trump nói hôm Chủ nhật. "Chúng ta có những kẻ buôn người kéo đến. Chúng ta có ma túy đổ vào. Chúng ta có những chuyện đang xảy ra mà bạn thậm chí không muốn biết tới." Chính quyền cũng nêu ra chuyện những kẻ khủng bố vượt biên giới từ Mexico vào Mỹ. Nhưng những người chỉ trích lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy di dân tập trung ở biên giới giống như những gì mà chính quyền tuyên bố.
Tiền ở đâu ra?
Kinh phí cho bức tường có thể khó huy động. Một cách để có được tiền là sử dụng luật khẩn cấp quân sự cho bộ trưởng quốc phòng thẩm quyền chỉ thị tiến hành các dự án thi công mà không cần sự cho phép của Quốc hội. Tin tức ngày thứ Năm cho hay Nhà Trắng đang tìm kiếm ngân khoản trong ngân sách của Công binh Lục quân Hoa Kỳ. Nguồn tiền tiềm năng này có thể đến từ các dự án được chấp thuận trong một dự luật cung cấp hỗ trợ khắc phục thiên tai cho Puerto Rico, Texas, California và Florida, theo các bản tin.
Quốc hội có thể làm gì?
Quốc hội có thể đảo ngược tuyên bố tình trạng khẩn cấp với sự chấp thuận của lưỡng viện. Nhưng chuyện này khó xảy ra vì phe Cộng hòa nắm thế đa số tại Thượng viện.
Tuyên bố cũng có thể đối mặt với vô số thách thức tại tòa án.
Chuyện này trước đây từng xảy ra chưa?
Trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn trong tình trạng khẩn cấp liên tục kể từ năm 1979. Đó là khi Tổng thống Jimmy Carter tuyên bố tình trạng khẩn cấp để phong tỏa tài sản của Iran sau khi Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị chiếm giữ. Nó được triển hạn hàng năm kể từ khi đó, bởi sáu tổng thống khác. Các tình trạng khẩn cấp khác cũng được tuyên bố kể từ khi đó và vẫn còn hiệu lực, bao gồm tình trạng khẩn cấp năm 1996 của Tổng thống Bill Clinton, được tuyên bố sau khi quân đội Cuba bắn rơi hai máy bay dân sự ngoài khơi bờ biển Cuba, cũng như một tuyên bố của Tổng thống George W. Bush vào ngày 14 tháng 9 năm 2001 trao cho tổng thống thẩm quyền rộng lớn để huy động quân đội sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Tính đến nay, 28 trường hợp khẩn cấp quốc gia vẫn còn hiệu lực. Hầu hết trong số này được tuyên bố theo Đạo luật Thẩm quyền Tình trạng Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế. Nó trao cho tổng thống thẩm quyền áp đặt các chế tài kinh tế cho chính sách đối ngoại.