Đường dẫn truy cập

Tổ chức nhân quyền kháng cáo khẩn về sức khoẻ tù nhân lương tâm tuyệt thực ở Việt Nam


Hình ảnh tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Bắc Truyển trong lời kêu gọi hành động khẩn cấp của Front Line Defenders về tình trạng sức khoẻ của họ khi truyệt thực trong tù.
Hình ảnh tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Bắc Truyển trong lời kêu gọi hành động khẩn cấp của Front Line Defenders về tình trạng sức khoẻ của họ khi truyệt thực trong tù.

Tổ chức nhân quyền Front Line Defenders vừa ra một kháng cáo khẩn cấp về tình trạng sức khoẻ của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Bắc Truyển, hiện đang tuyệt thực trong trại giam ở Việt Nam, và hối thúc chính quyền đảm bảo đối đãi với những tù nhân này theo những điều luật mà Việt Nam cam kết.

Tổ chức có trụ sở ở Dublin, Ireland, trong lời kêu gọi hành động khẩn cấp (urgent appeal) đưa ra hôm 3/12 nói rằng sức khoẻ của hai TNLT kể trên “đã xấu đi nghiêm trọng” sau khi cả hai người này, dù bị giam giữ ở những nơi khác nhau, cùng thực hiện tuyệt thực.

Ông Thức, một nhà hoạt động dân chủ hàng đầu của Việt Nam đang thụ án tù 16 năm, đã tuyệt thực được 15 ngày, theo như em trai ông, Trần Huỳnh Duy Tân, cho VOA biết hôm 8/12. Trước đó, gia đình ông cho biết ông Thức quyết sẽ “tuyệt thực cho đến chết” để yêu cầu Toà án Tối cao xem xét lại bản án tù của ông và tuân theo những sửa đổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức án tối đa là 5 năm đối với tội danh mà ông bị cáo buộc. Ông Thức, sáng lập viên phong trào dân chủ mang tên Con đường Việt Nam, hiện đang bị giam giữ ở trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương của tỉnh Nghệ An.

Trong khi đó, ông Truyển, một nhà hoạt động tôn giáo đang thụ án 11 năm tù tại trại giam An Điềm ở Quảng Nam, cũng thực hiện tuyệt thực để “phản đối sự bất công của các giám thị trại giam. Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) cầu hôm 27/11 cho biết ông Truyển bắt đầu “tuyệt thực” vào ngày 26/11 và “sẽ tiếp tục cho đến khi các điều kiện và việc đối xử của trại giam đối với tù nhân được cải thiện”. Vợ ông Truyển, bà Bùi Thị Kim Phượng, xác nhận với VOA về việc chồng mình tuyệt thực cùng hai tù nhân khác là Nguyễn Văn Hoá và Phạm Văn Điệp.

Cả ông Thức và ông Truyển đều bị kết án với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999.

Front Line Defenders, một tổ chức quốc tế với mục tiêu bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền, cho biết họ “vô cùng lo ngại về việc tiếp tục bị giam giữ và sức khoẻ giảm sút” của ông Truyển và ông Thức, và họ tin rằng hai tù nhân lương tâm này bị “bỏ tù và đối xử tệ bạc” chỉ vì những gì họ làm một cách “hợp pháp và ôn hoà trong việc bảo vệ quyền con người.”

Ông Tân, em trai của ông Thức, cho biết gia đình “lo lắng hàng giờ, hàng phút” về sức khoẻ của tù nhân này và không biết “anh ấy trong đó sẽ chịu khổ đau thế nào.” Gia đình ông Tân mong rằng “Toà án tối cao sẽ trả lời cho anh Thức để anh ấy ngừng tuyệt thực.”

Đối với ông Truyển, người được tổ chức nhân quyền và truyền giáo Na Uy Stefanus Alliance International vinh danh giải thưởng Stefanus 2020, đây không phải là lần đầu tiên tù nhân này tuyệt thực. Hồi tháng 5/2019, ông Truyển và ba tù nhân lương tâm khác đã tuyệt thực để phản đối sự đối xử bất công đối với TNLT Nguyễn Văn Hoá cùng trại giam, theo CSW. Theo vợ ông Truyển cho VOA biết, Lãnh sự quán Hoa Kỳ đã hỏi thăm bà để tìm hiểu về tình hình của tù nhân này khi được biết ông tuyệt thực.

Front Line Defenders kêu gọi các giới chức Việt Nam “ngay lập tức cung cấp chăm sóc y tế cần thiết cho ông Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức.” Tổ chức này còn kêu gọi “thả ngay lập tức và vô điều kiện” hai tù nhân lương tâm này cũng như “xó bỏ mọi cáo buộc đối với họ.”

Tổ chức bảo vệ những người hoạt động vì nhân quyền còn kêu gọi chính phủ Việt Nam phải đảm bảo sự đối xử với ông Truyển và ông Thức, trong thời gian bị cầm tù, tuân thủ theo Luật Thi hành án hình sự 2019 của Việt Nam và các điều kiện được quy định trong các nguyên tắc của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ tất cả mọi người dưới bất kỳ hình thức giam giữ hay cầm tù nào. Front Line Defenders cũng thúc giục giới chức chính quyền đảm bảo rằng trong mọi trường hợp, những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam có thể thực hiện những hoạt động nhân quyền hợp pháp mà không sợ bị trả thù cũng như không bị bất kỳ một hạn chế nào.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế ra ngày 30/11, Việt Nam hiện đang “giam giữ 170 tù nhân lương tâm, với 69 người trong đó đang bị cầm tù chỉ vì hoạt động ôn hoà của họ trên mạng xã hội.” Con số này, theo Amnesty, là một sự tăng cao đáng kể so với số lượng tù nhân lương tâm mà tổ chức này ước tính bị giam giữ trong năm 2018 ở Việt Nam và là con số kỷ lục mà Tổ chức Ân xá ghi nhận được ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội luôn nói rằng “không có cái gọi là tù nhân lương tâm” ở Việt Nam và "không có việc những người bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ."

VOA Express

XS
SM
MD
LG