Đường dẫn truy cập

Toà án Việt Nam sẽ xét xử trực tuyến vì đại dịch COVID


Một phiên toà xét xử người dân làng Đồng Tâm, liên quan đến việc tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền, tại Hà Nội hồi tháng 9/2020. TAND tối cao vừa đưa ra dự thảo quy định xét xử trực tuyến trong tình hình đại dịch virus corona.
Một phiên toà xét xử người dân làng Đồng Tâm, liên quan đến việc tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền, tại Hà Nội hồi tháng 9/2020. TAND tối cao vừa đưa ra dự thảo quy định xét xử trực tuyến trong tình hình đại dịch virus corona.

Các phiên toà xét xử ở Việt nam sẽ được tiến hành trực tuyến trong tình hình đại dịch COVID-19 “diễn biến phức tạp”, theo một dự thảo vừa được Toà án Nhân dân tối cao đưa ra, trong đó đề xuất không xét xử trực tuyến các tội “đặc biệt nghiêm trọng.”

Dự thảo về quy tắc xét xử trực tuyến của TAND tối cao được truyền thông trong nước trích dẫn hôm 12/9 nói rằng đây không chỉ là một bước cần thiết mà còn là “xu hướng chung trên toàn thế giới.”

Theo đó, một vụ kiện sẽ được xét xử tại toà án với sự tham gia của hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát, luật sư và những người khác, và họ phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bao gồm đảm bảo điều kiện giãn cách.

Trong khi đó, theo dự thảo, các bị cáo sẽ không bị dẫn giải đến toà và thay vào đó là ngồi tại phòng xét xử tại nơi giam giữ. Dự thảo được Tuổi Trẻ trích dẫn cho biết, việc xét xử sẽ tuân theo các thủ tục tố tụng bình thường.

Phiên toà trực tuyến sẽ được áp dụng cho các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình với những tình tiết đơn giản và đầy đủ chứng cứ. Theo VnExpress, các vụ án hình sự với khung hình phạt dưới 15 năm tù với chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam, cũng sẽ được xét xử trực tuyến.

Tuy nhiên, các vụ án hình sự với các bị cáo bị truy tố ra toà ở khung tội danh đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không xét xử trực tuyến, theo dự thảo của TAND tối cao. Việc xét xử trực tuyến cũng không áp dụng cho các vụ án có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, hay các vụ việc phải có sự tham gia của người phiên dịch và các tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia, cũng như các tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi và các tội xâm phạm khác.

Tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, với số lượng ca lây nhiễm trung bình hơn một chục nghìn mỗi ngày trong khi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở Việt Nam, đã ảnh hưởng tới hoạt động của ngành toà án, theo truyền thông trong nước. VnExpress cho biết, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể xét xử với một số vụ kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự hoặc bị cáo đang ở hoặc bị giam trong vùng có dịch, trong khi có những vụ án hình sự lớn đã phải hoãn lịch xét xử tới 4-5 lần với khả năng tiếp tục hoãn xử kéo dài.

TAND tối cao cho rằng các phiên toà trực tuyến “sẽ giải quyết những việc này” và đồng thời phù hợp với xu thế toàn cầu cũng như cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án châu Á, ASEAN.

TAND Thủ Đức ở TPHCM là cơ quan đầu tiên đề xuất việc xét xử án trực tuyến, theo Tuổi Trẻ. Ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND Thủ Đức được Tuổi Trẻ trích lời cho biết cơ quan của ông đưa ra đề xuất này lên TAND tối cao vào tháng 5 khi TPHCM áp dụng chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và sau đó là nhiều chỉ thị khác về hạn chế di chuyển để chống dịch. Ông cũng cho biết trước đó ông đã nghiên cứu mô hình xét xử trực tuyến từ nhiều quốc gia trên thế giới và thấy rằng nên áp dụng mô hình này bởi ông cho rằng nó không những giúp giải quyết án tồn trong lúc phòng chống dịch mà “hơn hết là tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách quốc gia.”

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng của Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc xét xử trực tuyến dù phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh nhưng cũng cần phải có quy định cụ thể để đảm bảo “đúng tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo và những người tham gia tố tụng.”

“Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào cụ thể về thủ tục xét xử trực tuyến qua online,” LS Hùng, đồng thời là phó trưởng phòng tranh tụng Công ty Luật TNHH TGS, nói trong phần phỏng vấn trên VTV3 và cho biết việc xét xử trực tuyến sẽ gây khó khăn cho luật sư vì họ phải tiến hành một số hoạt động chuẩn bị trước khi bào chữa.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ngày 26/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói rằng việc tổ chức xét xử trực tuyến là “xu thế tất yếu và cần thiết” trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra như “vũ bão trên toàn cầu.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG