Tòa Bạch Ốc bác bỏ sự suy đoán cho rằng việc hầu hết các nhà lãnh đạo vùng Vịnh không đến dự hội nghị thượng đỉnh vào thứ 5 này tại Trại David ở ngoại ô Washington là một hành động làm bỉ mặt và sẽ khiến cho cuộc họp không đạt nhiều thành quả. Chủ nhật vừa qua, Ả rập Xê út loan báo Quốc vương Salman sẽ không tham dự cuộc họp như đã dự trù, viện lý do cuộc xung đột đang diễn ra ở Yemen, nơi liên minh do Ả rập Xê út dẫn đầu đang chống lại phiến quân Houthi. Thông tín viên Aru Pande của đài VOA tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.
Ngay cả trước khi có tin Quốc vương Salman của Ả rập Xê út không đến dự hội nghị thượng đỉnh nhiều người đã nói tới những mối lo ngại của các nước vùng Vịnh Ba Tư về những nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu để thương thuyết một hiệp định hạt nhân với đối thủ của các nước này là Iran.
Sự vắng mặt của nhà vua của Ả rập Xê út tại hội nghị cấp cao ở Trại David đã là đề tài chính của cuộc họp báo hôm thứ hai ở Tòa Bạch Ốc. Phát ngôn viên Josh Earnest nói với báo chí rằng việc này không liên hệ tới bất kỳ mối quan tâm nào của Ả rập Xê út về chương trình nghị sự của hội nghị.
"Tôi biết có những sự suy đoán là sự thay đổi kế hoạch du hành này là một hành động nhằm đánh đi một thông điệp cho phía Hoa Kỳ. Nếu như vậy, thông điệp đó đã không được nhận, bởi vì tất cả những phản hồi mà chúng tôi nhận được từ phía Ả rập Xê út đều có tính chất tích cực."
Trong số 6 nước tham dự hội nghị, chỉ có hai vị tiểu vương của Kuwait và Qatar sẽ phó hội. 4 nước còn lại - là Bahrain, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Ả rập Xê út và Oman, sẽ phái các giới chức cao cấp, chứ không phải nguyên thủ quốc gia, đến dự hội nghị. Ả rập Xê út phái đông cung thái tử và phó đông cung thái tử, người hiện giữ chức bộ trưởng quốc phòng, đến dự hội nghị, thay mặt Quốc vương Salman.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes cho biết Tổng thống Obama và Quốc vương Salman đã nói chuyện với nhau hôm thứ hai về hội nghị thượng đỉnh, đặt trọng tâm vào việc tăng cường quan hệ an ninh giữa Washington và các nước vùng Vịnh.
"Chúng tôi cảm thấy khá chắc chắn là chúng tôi có một nhóm người thích hợp quanh bàn hội nghị để có được một cuộc thảo luận có thực chất. Đây là những nhân vật chịu trách nhiệm đối với công tác an ninh của nước họ."
Ông Thomas Lipman, một nhà nghiên cứu của Viện Trung Đông ở Washington, cũng cho rằng sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tại hội nghị Trại David là không mấy quan trọng, vì những người đó có các vấn đề như tuổi tác, sức khoẻ và những công việc cấp bách trong nước.
Ông Lipman nói rằng giả thuyết về một vụ tẩy chay vì vấn đề Iran là không có cơ sở.
"Trong số những nhà lãnh đạo này không ai muốn và cũng không ai có được ích lợi gì qua việc tạo ra một khoảng cách giữa họ với Tổng thống Obama."
Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết các nước vùng Vịnh đang trông mong Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết đối với an ninh của nước họ vì tình hình bất ổn hiện nay ở Trung Đông.
Ông Colin Kahl, người làm cố vấn an ninh quốc gia cho phó Tổng thống Joe Biden, cho biết một mục tiêu chính của hội nghị này là làm cho những hệ thống phòng thủ của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được hợp nhất với nhau nhiều hơn để ứng phó với những mối đe dọa.
"Chúng tôi có thể làm thêm những gì với các đối tác trong GCC để chia sẻ những lệnh cảnh báo sớm và để hợp nhất các hệ thống phòng không và phòng thủ phi đạn. Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm những cách thức để cải thiện an ninh biển, cải thiện sự bảo vệ cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu và những hoạt động phòng vệ trong không gian mạng."
Tòa Bạch Ốc nói rằng hội nghị Trại David là một hội nghị có thực chất chứ chẳng phải chỉ có tính chất tượng trưng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng hội nghị này có phần chắc sẽ không có kết quả đáng kể, ngoại trừ những tuyên bố trấn an từ phía Hoa Kỳ.