Đường dẫn truy cập

Tòa Bạch Ốc công bố phúc trình về việc theo dõi của Mỹ


Os voluntários são muito criativos, mas não pense que eles se preparam sozinhos.
Os voluntários são muito criativos, mas não pense que eles se preparam sozinhos.
Tòa Bạch Ốc vừa công bố một bản duyệt xét các tập tục tình báo của Hoa Kỳ do một uỷ ban độc lập thực hiện, với các đề nghị dự trù sẽ có tác dụng làm cơ bản cho việc chỉnh sửa các thủ tục chính sách hướng dẫn Cơ quan An ninh Quốc gia. Tổng thống Barack Obama đã gặp các thành viên của uỷ ban hôm qua để thảo luận 46 đề nghị mà họ đưa ra về cách thức chỉnh sửa các tập tục theo dõi của Hoa Kỳ. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu chính quyền xem xét các cách thức để sử dụng tốt nhất các khả năng thu thập tình báo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ mà không nhất thiết xâm phạm đến các quyền tự do dân sự và quyền riêng tư cá nhân.

Uỷ ban duyệt xét đề nghị các biện pháp để bảo vệ tốt hơn các quyền tự do dân sự và các bản phân tích thận trọng về hậu quả của việc thu thập tình báo. Uỷ ban cũng đề nghị bảo vệ quyền riêng tư của những người không phải là công dân Hoa Kỳ.

Giáo sư luật học Stephen Vladack của trường Ðại học American University ở Washington nói đây là điều quan trọng bởi lẽ ngay cả các công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài cũng không được hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ.

“Tôi nghĩ các vấn đề thực sự của những người không phải là công dân ở bên ngoài Hoa Kỳ là nếu có các phương sách để cải thiện việc bảo vệ quyền riêng tư và hạn chế các quyền hạn theo dõi mà không được Hiến pháp quy định, thì liệu có các phương sách nào để Quốc Hội đưa ra các luật lệ bảo vệ chặt chẽ hơn để bảo đảm rằng Cơ quan An ninh Quốc gia NSA không phải chỉ hút hết tất cả thông tin có thể thu thập, mà chỉ thu thập thông tin khi có lý do để làm việc ấy thôi.”

Tại Tòa Bạch Ốc, phát ngôn viên Jay Carney cho biết Tổng thống Obama sẽ không đưa ra quyết định tức thời nào có liên quan đến bản phúc trình dài 300 trang.

“Ông sẽ không đưa ra các phán đoán vội vã. Ông sẽ cứu xét và đánh giá bản phúc trình. Cuộc duyệt xét nội bộ toàn diện sẽ không được hoàn tất cho đến tháng giêng. Sau đó, tổng thống sẽ nói thêm về bản phúc trình và nói thêm về kết quả của công tác.”

Nhóm duyệt xét đã làm việc dưới sự lãnh đạo của giám đốc tình báo quốc gia để xem xét các tập tục của NSA, tiếp theo những lời cáo giác của cựu nhân viên hợp đồng của cơ quan là Edward Snowden nói rằng NSA đã thu thập dữ liệu về các cú điện thoại của công dân thường. Ông Carney thừa nhận các tiết lộ của ông Snowden đã có một tác động. Nhưng ông nói tổng thống đề cuất cuộc duyệt xét với ý định thực hiện các thay đổi trong chương trình theo dõi của Hoa Kỳ.

“…Các thay đổi sẽ mang tính cách quan trọng cho dù chúng tôi khẳng định rõ rằng công tác do NSA và các bộ phận khác của cộng đồng tình báo đã thực hiện là cấp thiết cho nền an ninh của Hoa Kỳ và người dân Mỹ cùng các đồng minh của chúng ta, và rằng chúng ta sẽ không gây phương hại đến công tác chúng ta làm nhân danh sự an toàn của Hoa Kỳ.”

Tổng thống Obama bênh vực các chương trình theo dõi của Hoa Kỳ trong một bài phát biểu hồi tháng 8, ngay sau khi Edward Snowden tiết lộ một số văn kiện mà ông bị cáo buộc đã đánh cắp của NSA.

“Tôi muốn khẳng định rõ một lần nữa rằng nước Mỹ không muốn theo dõi người dân bình thường. Tình báo của chúng tôi tập trung trên hết vào việc tìm ra thông tin cần thiết để bảo vệ người dân của chúng ta, và trong nhiều trường hợp, bảo vệ các đồng minh cuả chúng ta.”

Nhưng Tổng thống Obama hứa sẽ minh bạch hơn về cách thức và thời gian các hệ thống theo dõi được sử dụng.

Edward Snowden đang sống lưu vong ở Nga. Ông ta bị Hoa Kỳ truy nã về tội làm gián điệp, nhưng những người ủng hộ ông ta ca ngợi hành động của ông ta là đã mở màn cho một cuộc thảo luận toàn cầu về các tập tục an ninh tác động đến các công dân thường - một cuộc thảo luận mà nhiều người cho là đã phải có từ lâu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG