Đường dẫn truy cập

Tòa Bảo hiến Thái Lan ủng hộ kế hoạch cải cách của chính phủ


Các nhà hoạt động và ký giả xem phán quyết của Tòa Bảo Hiến qua truyền hình tại trụ sở tòa hôm 13/7/12
Các nhà hoạt động và ký giả xem phán quyết của Tòa Bảo Hiến qua truyền hình tại trụ sở tòa hôm 13/7/12
Tòa bảo hiến Thái Lan hôm nay ra phán quyết tán đồng các kế hoạch của chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawat là xúc tiến cải tổ hiến pháp. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben, quyết định của tòa đã xoa dịu áp lực chính trị đã tăng thêm trước khi có phán quyết, với việc các nhóm thân chính phủ đe dọa biểu tình ồ ạt nếu tòa phán quyết đình chỉ dự luật tu chính hiến pháp trước quốc hội.

Trong một quyết định được truyền hình và truyền thanh toàn quốc, tòa bảo hiến Thái Lan hôm nay ủng hộ quyền của chính phủ được xúc tiến các điều khoản tu chính hiến pháp năm 2007, và nói rằng những thay đổi sẽ không đề ra mối đe dọa cho hệ thống chính trị của Thái Lan.

Quyết định được đưa ra trong tình hình an ninh được bảo vệ chặt chẽ với hàng ngàn cảnh sát viên được bố trí giữa những mối lo ngại bạo động sẽ bùng ra sau phán quyết.

Những người đưa thỉnh nguyện lên tòa đã đề nghị đình chỉ việc duyệt một dự luật trước quốc hội thành lập một hội đồng bảo hiến để tu chính hiến pháp.

Họ lập luận rằng những thay đổi sẽ đề ra một mối đe dọa cho chế độ quân chủ lập hiến của Thái Lan do Quốc vương Bhumibol Adulayadej được tôn sùng đứng đầu. Những người ủng hộ dự luật đã bác bỏ lập luận này.

Hiến pháp năm 2007 do quốc hội được quân đội bổ nhiệm soạn thảo sau cuộc đảo chính năm 2006 chống lại cựu thủ tướng Thaksin Shinawat, anh của đương kim thủ tướng Yingluck Shinawat. Giới ủng hộ chính phủ cáo buộc rằng hiến pháp hiện hành thiếu tính dân chủ vì do chính phủ được quân đội hậu thuẫn soạn thảo.

Các chuyên gia phân tích nói phán quyết dường như cũng củng cố vai trò của tòa án, bởi vì tuy bác bỏ thỉnh nguyện đòi đình chỉ các cải cách hiến pháp, tòa cũng phán rằng những thỉnh nguyên mới có thể được đưa ra bởi những người chống đối những thay đổi thêm nữa vào hiến pháp.

Trước khi lên đường đi tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo ASEAN ở Kampuchea, Thủ tướng Yingluck Shinawat đã kêu gọi tất cả các phe phái tôn trọng phán quyết của tòa.

Phán quyết được đưa ra giữa tình hình căng thẳng chính trị tăng cao. Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống Ðộc tài (UDD) hay phe Áo Ðỏ đã đe dọa biểu tình ồ ạt nếu phán quyết không ủng hộ chính phủ.

Ðảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck Shinawat phải đối đầu với sự đe dọa bị giải tán nếu tòa phán quyết rằng chính phủ gây phương hại đến vai trò của nhà vua theo hiến pháp. Các nhà lãnh đạo chính của phe Áo Ðỏ trước đó đã kêu gọi hành động chống lại các thẩm phán nếu đảng Pheu Thai bị giải tán.

Trước đây, các tòa án của Thái Lan đã giải tán hai đảng thân Thaksin vì vi phạm các luật hiến pháp và bầu cử của Thái Lan.

Ông Panitan Wattanayagorn, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học Chulalongkorn và là một cựu phát ngôn viên chính phủ, nói rằng phán quyết đã xoa dịu căng thẳng chính trị trong đoản kỳ. Ông nói:

“Dường như tòa án đã tìm cách xoa dịu vụ khủng hoảng ngay vào lúc này. Nhưng đương nhiên nó sẽ tùy thuộc vào tất cả những người đóng vai trò trong vụ tranh chấp nhất, cho dù họ có muốn thực thi phán quyết hay không. Nếu chính phủ chấp nhận phán quyết này và quyết định tu chính từng điều khoản một trong hiến pháp, thì sẽ bớt rắc rối hơn, hoặc nếu họ quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý trược thì cũng không kém phần rắc rối. Nhưng nếu không thì chúng ta có thể lại trở lại từ đầu.”

Thái Lan đã đối mặt với một bầu không khí chia rẽ trong mấy năm vừa qua. Một vụ trấn át nhắm vào các vụ biểu tình ủng hộ Thaksin trong năm 2010 sau 2 tháng và việc bác bỏ các cuộc bầu cử sớm đã khiến hơn 90 người thiệt mạng và tới 2.000 người bị thương, trong đó có cả thường dân và lực lượng an ninh.

Những người chống đối ông Thaksin, người đã sống ở nước ngoài từ năm 2008 để tránh một án tù 2 năm về tội tham nhũng, nói rằng chính phủ có ý định tu chính hiến pháp để mở đường cho nhà cựu lãnh đạo này trở về Thái lan mà không phải chịu các biện pháp pháp lý khác.

Ông Thitinan Pongsudirak, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học Chulalongkorn, nói rằng phán quyết chỉ làm nguôi ngoai căng thẳng giữa một mặt là giới trung lưu và chính quyền, và mặt kia là ông Thaksin, người đã xây dựng được hậu thuẫn trong giới nghèo và các cộng đồng nông thôn. Ông nói:

“Trong khuôn khổ lớn của mọi sự việc, phán quyết ngày hôm nay là một phần của việc đẩy lui các thách thức và lực lượng do ông Thaksin Shinawat và các đồng sự đề ra trong thập niên vừa qua. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục. Ðó là một cuộc chiến lớn để quyết định phương hướng của Thái Lan. Ðó là một cuộc chiến cho linh hồn của Thái Lan.”

Với phán quyết ủng hộ chính phủ, việc biểu quyết các khoản tu chính hiến pháp sẽ được đưa ra trước quốc hội vào tháng 8, với sự thành lập một nghị hội soạn thảo mới có chức năng thúc đẩy các thay đổi cho bản hiến pháp năm 2007.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG