Đường dẫn truy cập

Tòa VN phạt ông Lê Văn Dũng 5 năm tù vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’


VIETNAM-JUSTICE-MEDIA-RIGHTS
VIETNAM-JUSTICE-MEDIA-RIGHTS

Nhà báo tự do Lê Văn Dũng vừa bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù và 5 năm quản chế vì phạm tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999, cho dù ông Dũng cho rằng mình vô tội, theo tin từ luật sư và gia đình.

Phiên tòa diễn ra trong vài giờ buổi sáng ngày 23/3 với tình hình an ninh được siết chặt và thân nhân không được tham dự.

Ông Hà Huy Sơn, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Dũng, nêu nhận định với VOA về bản án vừa tuyên:

“Tôi cho rằng bản án này là bản án oan, không có căn cứ để buộc tội ông Lê Văn Dũng theo Điều 88”.

Ông Lê Văn Dũng, 51 tuổi, còn được biết là Lê Dũng Vova, bị bắt hồi cuối tháng 6/2021 ở Hà Nội sau khi ông đăng một số đoạn video và bài viết trên Facebook và YouTube trong đó ông nêu các vấn đề bức xúc của người dân, bình luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội, bao gồm cả cung cấp thông tin về pháp luật và các quyền cơ bản.

HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích blogger Lê Dũng Vova
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:01 0:00

Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018, ông Dũng “đã làm, đăng tải lên internet 12 clip có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước, phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lời nói sau cùng của ông Dũng tại tòa cho biết: “Tôi không tranh cãi về mặt pháp luật với tất cả các hệ thống pháp luật trên thế gian hiện nay”.

Trong khi đó luật sư Hà Huy Sơn thuật lại lời ông Dũng, nói:

“Tại tòa, tinh thần của ông Dũng tỉnh táo, bình tĩnh. Ông ấy phát biểu rằng việc cáo buộc ông ấy vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999 dựa trên kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội là không có căn cứ pháp luật, không theo một tiêu chuẩn, quy định nào cả và ông ấy cho rằng ông ấy vô tội”.

Luật sư bào chữa Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook sau khi phiên tòa kết thúc: “Ông Lê Văn Dũng thừa nhận hoàn toàn các hành vi mà cơ quan an ninh điều tra truy cứu, cụ thể là các clip mà ông ấy đã post công khai trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, ông vẫn nhất quán bác bỏ quan điểm cho rằng các phát ngôn trong các clip ấy là bất hợp pháp”.

Cũng tại phiên tòa này, ông Nguyễn Văn Son, 66 tuổi, chú của ông Dũng, bị phạt 18 tháng tù treo về tội “Che giấu tội phạm” do đã cho ông Dũng ở nhờ khi ông Dũng bị truy nã mà không tố giác.

Bà Bùi Thị Huệ, vợ của ông Dũng, cho VOA biết bà và mẹ của ông Dũng không được phép tham dự phiên tòa, mặc dù phiên tòa được thông báo xét xử theo thủ tục công khai. Bà Huệ chia sẻ trên Facebook: “Chỉ được thấy anh từ xa”.

Các luật sư cho biết ông Dũng sẽ kháng cáo.

Hôm 22/3, một ngày trước khi diễn ra phiên xử sơ thẩm ông Dũng, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí thúc giục chính quyền Việt Nam “cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị nhằm vào nhà bình luận xã hội Lê Văn Dũng”.

“Lê Văn Dũng là một trong hơn 60 người dân đang bị nhà cầm quyền Việt Nam truy tố hoặc giam cầm chỉ vì lên tiếng phê phán chính quyền”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW, nói trong bản thông cáo báo chí. “Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục coi bất cứ lời phê phán chính quyền nào cũng là nguy cơ nghiêm trọng phải đưa ra truy tố với mức án tù nặng”.

HRW kêu gọi các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần gây sức ép để Hà Nội “lắng nghe những người lên tiếng phê bình thay vì đàn áp họ”.

Ngay sau khi ông Dũng bị bắt, các tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và Phóng viên Không Biên giới (RSF) đồng thanh kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Trái ngược những chỉ trích từ các tổ chức và chính phủ nước ngoài, trong nhiều dịp khác nhau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và các chính khách nước này vẫn thường khẳng định rằng Việt Nam chỉ nghiêm trị những người vi phạm pháp luật, không có chuyện Việt Nam trấn áp giới bất đồng chính kiến.

VOA Express

XS
SM
MD
LG