Các vụ phạm tội thù hằn nhắm vào người gốc Á ở Mỹ tăng 73% trong năm 2020, theo dữ liệu mới được điều chỉnh của Cục Điều tra Liên bang FBI. Đó là mức tăng vọt cao một cách bất tương xứng so với các vụ phạm tội ác thù hằn khác nói chung, tăng 13%.
Dữ liệu của FBI, ban đầu được công bố vào tháng 8, đã được đăng lại vào sáng ngày thứ Hai sau khi tìm thấy lỗi trong hệ thống báo cáo của bang Ohio. Số liệu thống kê đã được sửa lại, theo thông cáo báo chí của FBI, và dữ liệu mới phản ánh con số chính xác do 15.138 cơ quan chấp pháp đã báo cáo các vụ việc.
Tỉ lệ các vụ phạm tội ác thù hằn xác nhận những gì mà các học giả, các nhà hoạt động và các nhà lãnh đạo cộng đồng đã biết từ lâu - rằng các vụ việc nhắm vào người gốc Á đã tăng vọt trong đại dịch, theo NBC News. FBI đã báo cáo 279 vụ phạm tội ác thù hằn nhắm người gốc Á vào năm 2020, so với 161 vụ vào năm 2019.
Trong số tất cả các vụ được báo cáo vào năm 2020, bao gồm cả trong các hạng mục khác ngoài chủng tộc, thành kiến bài người gốc Á đứng thứ tám trong số những động cơ phạm tội phổ biến nhất. Những vụ phạm tội nhắm vào người da đen và người gốc Mỹ Latin cao hơn về số lượng, nhưng không có nhóm sắc dân nào chứng kiến sự gia tăng mạnh như người gốc Á.
Người da trắng chiếm hơn 55% số người phạm tội khắp các nhóm sắc dân, FBI cho biết.
Những video quay lại các vụ tấn công dã man nhắm vào người lớn tuổi gốc Á và vụ xả súng giết chết sáu người phụ nữ gốc Á tại các tiệm spa ở khu vực thành phố Atlanta vào tháng 3 đã thu hút sự chú ý của người Mỹ và mở ra những cuộc thảo luận khắp cả nước về quyền dân sự của người Mỹ gốc Á.
Vụ hành hung một ông cụ gốc Việt 83 tuổi tên Ngọc Phạm ở thành phố San Francisco vào tháng 3 cũng khơi lên sự sợ hãi và phẫn nộ của nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi, trong các cộng đồng nguời Việt ở Mỹ.
Tại miền Nam bang California, nơi cộng đồng người Việt tập trung đông đảo nhất, các cuộc tập hợp và tuần hành lên án những vụ tấn công người gốc Á không phải là vấn đề được rất nhiều người Việt quan tâm và ủng hộ, thậm chí đôi khi còn gây nên tranh cãi.
Ông Tạ Trung, một trong những người Việt giúp tổ chức các sự kiện này vào tháng 4 và tích cực kêu gọi các thành viên cộng đồng tham gia ủng hộ, nói ông nhận thấy có sự phản đối của một số người Việt mà ông mô tả là “cực đoan.”
“Những người đó nói những vụ kì thị đó là kì thị người Tàu chứ không phải người Việt Nam mình, tại sao mình phải ra mình tranh đấu để làm gì,” ông nói về lập luận của những người chống đối. [9’23] “Thật sự người Mỹ trắng không biết mình là người Tàu, người Đại Hàn, hay là người Nhật, mình giống nhau hết.”
Ông Trung, hiện là chủ tịch hội đồng giám sát cộng đồng người Việt Quốc gia Nam California, cho biết ông đã vận động sự tham gia từ những lãnh đạo khác trong hội đồng chấp hành nhưng vấp phải sự kháng cự.
“Mục đích [của những buổi tập hợp] là ngăn chặn những vụ hành hung. Tôi nói với họ, quý vị có thấy vụ việc xảy ra với chú Ngọc ở San Francisco không, nếu vụ việc đó xảy ra với người thân trong gia đình của quý vị ở đây thì quý vị thấy thế nào? Quý vị nói chúng tôi rất tiếc nhưng lúc đó đã trễ rồi,” ông nói thêm.
“Đó là những điều phải làm để bảo vệ cộng đồng chúng ta, bảo vệ những người lớn tuổi, bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em.”
Người Mỹ gốc Á nói chung cũng có xu hướng tránh báo cáo những vụ phạm tội. Một cuộc khảo sát của AAPI Data cho thấy người Mỹ gốc Á và người dân đảo quốc Thái Bình Dương là nhóm dân ít báo cáo các vụ phạm tội ác thù hằn nhất so với các nhóm khác. Và khi được báo cáo, phần lớn trách nhiệm thuộc về về các cơ quan chấp pháp riêng rẽ chuyển dữ liệu của họ lên cấp liên bang.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 5 đã kí ban hành luật chống thù ghét người gốc Á trong nỗ lực ứng phó với những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á, vốn được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với sự ủng hộ áp đảo từ các nghị sĩ của cả hai đảng.
Đạo luật Tội ác Thù ghét COVID-19 chỉ định một nhân viên của Bộ Tư pháp đảm nhiệm việc xúc tiến thẩm xét các vụ phạm tội ác thù ghét được báo cáo cho cảnh sát trong đại dịch COVID-19. Luật cũng cung cấp hướng dẫn cho các cơ quan chấp pháp cấp bang và cấp địa phương để báo cáo những vụ vi phạm tội ác thù ghét, mở rộng các chiến dịch giáo dục công chúng và ban hành hướng dẫn để chống lại ngôn từ mang tính kì thị khi mô tả đại dịch.
Bài viết sử dụng thông tin của NBC và Reuters.