Chiến tranh và bạo lực cách mạng
Xung đột sắc tộc và tôn giáo là một phần trong đời sống nhân loại. Chúng ta có quyền mơ ước về một hành tinh tràn ngập hoà bình và yêu thương, nhưng thực tiễn cho thấy nhân loại đã bước qua 10.624 cuộc chiến tranh trong dòng lịch sử của mình.
Chỉ riêng Việt Nam đã là nơi, hoặc là bên tham gia đến 10 cuộc chiến trong thế kỷ 20. Trong đó có cuộc chiến tranh 1954-1975 là tàn khốc nhất với tỷ lệ thương vong lớn nhất trong lịch sử cận đại.
Chủ nghĩa cộng sản đóng góp một phần quan trọng trong xu hướng sử dụng bạo lực. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Liêu, viết trên tạp chí cộng sản về Quan điểm của Lê Nin, đã xác quyết rõ ràng rằng: “Bạo lực cách mạng là phương thức duy nhất để một giai cấp mới giành lấy quyền lực chính trị”.
Ông cũng chỉ ra mối quan hệ thực sự quan trọng giữa chủ nghĩa cộng sản và vấn đề chiến tranh vũ trang, bạo lực cách mạng.
Ở Washington DC, ngay đối diện Trung tâm Luật của Đại học Georgetown là một tượng đài “Nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản” ghi dấu 100 triệu nạn nhân trong thế kỷ 20 với những thống kê rõ ràng từ các quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, Tố Hữu là một nhà thơ mang tâm hồn nghệ sỹ nhưng khi gia nhập đảng cũng cổ suý việc giết chóc bằng những câu: “Giết, giết nữa bàn tay không ngưng nghỉ/ Cho ruộng đồng mau tốt lúa mau xanh”, hoặc trong bài “Đi đi em” có câu: “Nuôi đi em cho đến lớn đến già/Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu”.
Tôi cho rằng những đối tượng tấn công đồn công an mới đây đã bị nhiễm tư tưởng bạo lực của những người cộng sản, sử dụng vũ lực tấn công giết chết công an mà họ coi như một lực lượng chiếm đóng.
Cá nhân tôi phản đối bạo lực và giết người. “Chớ giết người” là Điều răn thứ 5 trong 10 điều răn quan trọng nhất của Thiên Chúa Giáo. Tôi cho rằng chỉ có tình yêu thương và sự tương nhượng (compromise) mới hoá giải hận thù.
Văn minh khai hoá và đạo đức
Văn minh thường được hiểu là một nền văn hoá lớn hơn và tiên tiến hơn, trái ngược với nó là các nền văn hoá nhỏ hơn, lạc hậu hơn. Nhưng một trong những đặc điểm căn bản của văn minh chính là đạo đức. Một sự phát triển chỉ được coi là văn minh khi nó mang trong mình đạo đức và chính điều này đang là thách thức lớn của loài người trong tiến trình phát triển. Thất bại mới nhất là một số công ty công nghệ đang bỏ qua đạo đức của trí tuệ nhân tạo (AI).
Có một lần tôi trực tiếp chứng kiến ở Huyện Si Ma Cai, Tỉnh Lào Cai: Một nhóm người ở dưới phố rất “văn minh” lên mua quả đào của một em bé không biết tiếng Kinh. Họ mua 4 túi, mỗi túi giá 40 ngàn và đưa cho em bé 120 ngàn.
Em bé nghi ngờ, dùng tay vất vả tính toán một hồi rồi lắc đầu chìa tay xin đưa thêm. Cả nhóm ồ lên “Ôi, bây giờ bọn tộc nó cũng khôn ranh lắm rồi”. Tôi thấy đó là sự bẩn thỉu, dựa vào sự thiếu hiểu biết của một em bé để định lừa đảo, gạt 40 ngàn đồng của em.
“Được” hay “bị” khai hoá là một điều còn phải bàn cãi tuỳ thuộc vào quan điểm của từng người. Ngày xưa Pháp vào Việt Nam cũng mang “văn minh, khai hoá” mà áp đặt lên đất nước chúng ta?
Ngoài việc đem theo Nhà nước và súng đạn, họ còn đem cả bệnh viện, tàu hoả, tennis, trường đại học vào Việt Nam. Họ gọi là văn minh đấy nhưng báo chí Nhà nước còn muốn lột trần bản chất của thực dân Pháp thì giờ đây đúng là tự đem đá ghè vào chân mình.
Tương tự như vậy, chính quyền tự coi mình là văn minh, tiến bộ, làm các khu giãn dân, đưa đồng bào ra thị tứ ở san sát bên nhau cứ tưởng là tốt đẹp với “điện, đường, trường, trạm” nhưng người Thượng cho rằng đó là những “ấp chiến lược” thời nay, Nhà nước tạo ra để dễ bề cai trị.
Bất bạo động và Kinh Thượng đề huề
Nhiều người cho rằng những kẻ tấn công ở Tây Nguyên vừa qua đã chủ trương con đường bạo lực để chiến đấu chống lại sự “cai trị” của người Kinh cũng giống như người cộng sản chủ trương bạo lực để đuổi thực dân Pháp đô hộ.
Từ bé tôi đã được ông cha dạy về khát khao độc lập dân tộc nhưng không chủ trương con đường bạo lực. Tôi ủng hộ phương pháp của Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… trong việc phát triển và canh tân đất nước. Tôi tin đó là cách làm đúng đắn để đem văn minh của phương tây vào mà vẫn giữ được những điều tốt đẹp của Việt Nam, kiểu “Kinh-Thượng đề huề”.
Có thể những kẻ bạo động cực đoan sẽ không đồng ý và sẽ coi là “cải lương” nhưng dù sao đó là cách làm tốt nhất. Hành động bạo động đầy phẫn uất của họ là “trứng chọi đá”, là lấy “sở đoản” để chống lại “sở trường”, chắc chắn sẽ bị đàn áp khốc liệt hơn, dã man hơn. Bạo lực vì thế lại quay vòng như nghiệp chướng.
Có nhiều người cho rằng bản tính của chính quyền cộng sản thì họ sẽ đàn áp vậy phải bạo động như họ mới xứng đáng nhưng người Tây Nguyên không phải là Hồi giáo IS, với triết lý “mắt đền mắt, răng đền răng” từ thời Cựu ước.
Họ là những người tin Chúa. Giữa lúc rừng thiêng biến mất, không gian sống bị bần cùng, văn hoá bị đảo lộn, đạo đức suy đồi, họ đã tìm thấy một căn tính mới đầy yêu thương và phát triển. Đó là Kito Giáo. Họ đã tìm được niềm tin giữa một xã hội vô thần, đã thấy “Giàng” giữa những cánh rừng đang bị cạo trọc, thấy le lói một tinh thần sống dẫn đường.
Giải pháp Tây Nguyên - Giải pháp Việt Nam
Ai cũng biết những vấn đề tôn giáo, sắc tộc và đất đai là nguồn cơn của những bất ổn đối với Tây Nguyên. Vậy đây cũng là thời điểm để chính quyền nhìn lại và thực thi một số giải pháp quan trọng để đem lại thịnh vượng cho vùng Cao nguyên Trung phần và cho cả Việt Nam. Tôi đơn sơ đề nghị một số giải pháp như sau:
Một là chính quyền phải thực sự tôn trọng tự do tôn giáo, khởi đầu cho chùm giải pháp về vấn đề Tây Nguyên. Những người lãnh đạo phải bỏ đi lý tưởng cộng sản vô thần để chấp nhận cho mọi công dân được thực hành tự do tôn giáo. Hãy mở cửa tất cả nhà thờ, hãy cho người dân được hoàn toàn tự do thờ phượng, tự do thiết lập các nhóm và hệ phái của mình. Xin hiểu rằng có người cầu nguyện cho chế độ sụp đổ thì cũng có nhiều người cầu nguyện cho nó tiếp tục tồn tại. Đừng lo: “Ông Trời có mắt”.
Hai là phải tiến hành dân chủ hoá thật sự. Việt Nam là một nước độc tài toàn trị chỉ do một đảng lãnh đạo, việc lập chính sách thường là từ trên xuống, dân không được biết, được bàn thì sẽ phát sinh mâu thuẫn khi thực hành. Do vậy, dân chủ hoá là một yếu tố quan trọng. Hiện nay Luật thực hiện dân chủ cơ sở quy định khá chi tiết việc thực thi dân chủ ở cấp cơ sở nhưng chính sách thường là ở trung ương dội về. Đặc biệt ở vùng Tây Nguyên nằm trong Ban chỉ đạo Tây Nguyên của đảng. Ban này nhìn đâu cũng thấy kẻ thù cho nên chỉ có cảnh giác, trấn áp, và cai trị bằng bạo lực cách mạng chứ không thực hành dân chủ hoà bình. Nên giải tán Ban chỉ đạo để cho dân được thực hành dân chủ một cách rộng rãi, đơn giản và thực chất theo luật.
Thứ Ba là phải cấp đất đủ cho người sắc dân người Bản địa. Đất đai là sở hữu của toàn dân nhưng Nhà nước phải tôn trọng lịch sử. Đất đai có từ trước khi có nhà nước, vì vậy nên ưu tiên cho những người đã có mặt và chiếm hữu trước đó. Nhà nước cần sửa luật đất đai, tiến hành đền bù những mất mát, thiệt hại mà các chính sách sai lầm đã gây ra cho đồng bào, đồng thời tạo ra những chính sách mới để ưu tiên và khuyến khích sự tự trị và phát triển. Song song với việc đó là trồng lại toàn bộ rừng Tây Nguyên, là tiến hành bảo tồn trên diện rộng toàn bộ, củng cố và gìn giữ những giá trị di sản văn hoá hữu hình và vô hình của Tây Nguyên.
Có như vậy thì Tây Nguyên sẽ phát triển, trở thành nguồn cảm hứng cho cả một sự khởi đầu thay đổi vì một Việt Nam hoà bình, tự do, dân chủ và phát triển.
Diễn đàn