Trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam, tập đoàn kinh tế (TĐKT) là lớn nhất, kế đến là những tổng công ty (TCT) rồi tới những công ty (CT) khác. TCT có thể trực thuộc trung ương hay địa phương, gồm nhiều CT con, đặc trách những khâu sản xuất trong nhiều ngành nghề, và cũng được hưởng những ưu đãi của Nhà nước qua vay vốn, chiếm dụng đất…Ưu thế của TCT so với khu vực dân doanh dẫn đến một số tình trạng bất bình thường, chẳng hạn TCT dùng vốn vay từ ngân hàng với lãi suất thấp cho các CT ngoài quốc doanh vay với lãi suất cao hơn để hưởng sai biệt. Từ hiện tượng cạnh tranh không bình đẳng này,khu vực ngoài quốc doanh ắt teo tóp, CT nào tồn tại được đều là những cơ sở sản xuất và kinh doanh có hiệu suất khá, lẽ ra còn có thể phát triển thêm trong một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh. Sân chơi không bằng phẳng, và những mô đất nhấp nhô của cơ chế tạo ra cơ hội cho nhũng nhiễu, lũng đoạn.
Theo nguồn Người Lao Động , Kiểm Toán Nhà Nước (KTNN) cho biết năm 2009 đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của 183/242 doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc 20 tổng công ty Nhà nước (TCTNN). Tổng lợi nhuận trước thuế của 20 TCTNN này đạt 16.626 tỉ đồng. Mặt khác, tổng số nợ phải thu của 20 tổng công ty Nhà nước cao hơn ½ vốn chủ sở hữu, là nợ xấu khó đòi và có khả năng trở thành những khoản lỗ trong tương lai.
Những TCT bị thua lỗ khá lớn gồm: Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng lỗ lũy kế đến ngày 31-12-2008 là 39 tỉ đồng; Tổng Công ty Công trình Giao thông 6 lỗ gần 68 tỉ đồng, lỗ lũy kế 149 tỉ đồng; Tổng Công ty Cà phê tuy báo cáo lãi 199 tỉ đồng nhưng lỗ lũy kế là 525 tỉ đồng.
Đặc biệt, một số DN thực hiện cơ chế khoán nhưng thiếu kiểm tra, kiểm soát nội bộ nên nhiều khoản phải thu không được quyết toán, lưu trữ hồ sơ không đầy đủ và không có khả năng thu hồi dẫn đến tình trạng “lãi giả, lỗ thật”. Nổi cộm là Tổng Công ty Cà phê VN lãi 199 tỉ đồng nhưng tính lũy kế đến ngày 31-12-2008 lỗ đến 525 tỉ đồng.
Ngoài ra, TCT có rất nhiều khoản nợ khó đòi, chẳng hạn như Tổng Công ty Lương thực Miền Nam có khoản nợ 56 tỉ đồng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có khoản nợ 51,2 tỉ đồng, Công ty Thương mại và Xuất khẩu Viettel thuộc Tập đoàn Viettel (khi đó còn là TCT) để nợ quá hạn 79 tỉ đồng. Nợ khó đòi của Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng lên đến 118,6 tỉ đồng (đã trích lập dự phòng 11 tỉ đồng), trong đó, chưa kể nhiều khoản tạm ứng vượt tỉ lệ khoán nội bộ, và tạm ứng cho một số cán bộ đã chuyển công tác, bỏ việc không có khả năng thu hồi. Nợ khó đòi của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 là 46,4 tỉ đồng; nợ phải thu khách hàng quá hạn của Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng Cấp thoát nước và Môi trường VN là 33 tỉ đồng...
Tổng số nợ phải thu của 20 tổng công ty Nhà nước lên đến 26.586 tỉ đồng, tỉ lệ nợ phải thu trên tổng vốn chủ sở hữu là 55,48%. Đây thực chất, theo KTNN, là những khoản lỗ tiềm ẩn.
Về nguồn vốn TCT và nợ phải trả, hết năm 2008, tổng nguồn vốn của 20 TCT được kiểm toán là 137.464 tỉ đồng. Trong đó, nợ phải trả là gần 87.000 tỉ đồng. Một số đơn vị lại hoạt động chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay nên tình hình tài chính thiếu ổn định. Cụ thể, hệ số phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2008 của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 là 30,53 lần; Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp VN 16,47 lần; Tổng Công ty Cà phê VN 3,36 lần. Hệ số này bình thường là 3 lần.
Năm 2009, KTNN thực hiện 5 cuộc kiểm toán chuyên đề và phát hiện không ít tồn tại, bất cập. Trong chuyên đề cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu giai đoạn 2006-2008, KTNN phát hiện một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn quy định. Một số đơn vị tại một số thời điểm Nhà nước cho phép tăng giá bán nhưng vẫn bán theo giá cũ; hạch toán sai chi phí, phân bổ chi phí không đúng đối tượng; chưa tính toán đầy đủ các khoản thu, chi hoạt động khác liên quan đến kết quả kinh doanh mặt hàng xăng dầu...
Tạm kết luận, tôi xin chỉ nhắc KTNN cho rằng các TCty này không phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, chưa tương xứng với lợi thế và đầu tư của Nhà nước và hoạt động còn kém hiệu quả.
Dẫu KTNN không đề cập, chúng ta còn có một băn khoăn, là quốc nạn tham nhũng tác động vào sự vận hành của khu vực kinh tế Nhà nước ra sao? Hẳn đây không phải là một vấn nạn nhỏ! Nếu chẳng may quan tham lợi dụng đường lối kinh tế quốc doanh là chủ đạo để làm ra những chiếc thùng không đáy biển lận tài sản của đất nước thì, nói cho đúng nghĩa, vấn nạn vừa nói trên là đại nạn. Nhưng chúng ta giữ cái quyền hy vọng là xã hội, để tồn tại, sẽ có những phản ứng tương thích.
Sau vụ Tập đoàn Vinashin đang chơi vơi trên biển cả nợ nần, nhìn vào các TCT thì tình hình dẫu chút ít sáng sủa hơn nhưng chắc chưa đủ làm an lòng. Phải chăng chính sách kinh tế quốc doanh là chủ đạo có những bất cập cơ bản. Xin lưu ý, KTNN đã thực hiện 11 lần kiểm tra trường hợp điển hình TĐ Vinashin mà vẫn tuyên bố là chưa thể xác định được mọi bất cập mù mờ trong hạch toán của TĐ này. Có lẽ đây chẳng phải là một trường hợp riêng lẻ. Để có một cái nhìn đồng bộ và nhất quán về hiệu quả kinh tế, tài sản và nợ nần của các doanh nghiệp, Việt Nam cần có một hạch toán kinh tế áp dụng trên toàn bộ khu DNNN. Và nhất là cần có một hệ thống Kiểm Tra Kiểm Toán có hành vi chí công vô tư mẫu mực và có quyền năng độc lập.
Như vậy,chẳng chỉ một Vinashin mà còn những TĐKT khác và những TCT Nhà Nước có thể nợ nần thua lỗ nặng. Tái cơ cấu Vinashin thay đổi được gì? Quả bong bóng nợ nần lỗ lã của những DNNN chọc cho xì một quả, hơi sẽ xì vào những quả khác, đúng như lý thuyết bình thông nhau qua cân bằng kinh tế tổng quát. Nếu thế, phải cải tổ toàn bộ. Nhưng cải tổ thế nào, với những định chế gì, để mong vượt thắng những bất cập và trở ngại không phải là nhỏ?
[1] http://nld.com.vn/2010072911573941P0C1014/hang-loat-doanh-nghiep-nha-nuoc-ngap-no.htm
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.