Đường dẫn truy cập

Tổng Công ty Hàng hải VN dự báo ​​doanh thu tăng gấp 3 dù TT Trump có thể đánh thuế cao


Các containers được đưa lên một con tàu tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, 6/3/2020 (REUTERS/Kham).
Các containers được đưa lên một con tàu tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, 6/3/2020 (REUTERS/Kham).

Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nói trong một bản tin hôm 17/1 của Bloomberg rằng tập đoàn này không lo ngại về các mức thuế quan tiềm tàng của chính quyền mới ở Mỹ do ông Trump đứng đầu và tập đoàn dự báo doanh thu sẽ tăng gấp hơn 3 lần trong thập kỷ tới.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg tại Hà Nội, ông Tĩnh nói rằng tập đoàn vận tải biển, hậu cần và cảng biển do nhà nước sở hữu, trước đây có tên là Vinalines, có kế hoạch mở rộng đội tàu của mình thêm 20% mỗi năm trong 5 năm tới. Tập đoàn cũng nhắm đến nâng cấp các bến cảng để tiếp nhận các tàu lớn hơn và tăng số tuyến vận chuyển trên toàn cầu.

Hiện tại, tập đoàn đang quản lý 48 con tàu, bao gồm 7 tàu container. Ông Tĩnh nói với Bloomberg rằng doanh thu của tập đoàn có trụ sở tại Hà Nội dự kiến sẽ đạt 3 tỷ đô la trong 10 năm tới, tăng từ mức khoảng 800 triệu đô la là mục tiêu cho năm 2025.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang tìm kiếm một đối tác chiến lược có nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng hải để giúp cho các kế hoạch mở rộng, ông Tĩnh chia sẻ với Bloomberg. VIMC sẽ nộp đề án lên các quan chức vào cuối năm nay về việc giảm cổ phần của chính phủ từ gần 100% xuống còn 65%, ông nói thêm.

Tập đoàn vận tải biển lớn nhất Việt Nam, từng suýt phá sản cách đây một thập kỷ, đang sẵn sàng khai thác triệt để vị thế đang lên của Việt Nam là một nhân tố chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quốc gia này hiện sản xuất mọi thứ, từ giày dép và áo sơ mi cho các thương hiệu thời trang toàn cầu đến điện thoại thông minh cho Samsung Electronics Co. và các thiết bị cho Apple Inc.

Việc ông Trump có thể áp các mức thuế quan mới "có khả năng gây ra một số thay đổi trong luồng luân chuyển hàng hóa, nhưng chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi từ điều đó", ông Tĩnh nhận định. Ông nói thêm rằng nhu cầu của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Việt Nam "vẫn còn rất lớn".

Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất thế giới, với xuất khẩu chiếm khoảng 85% nền kinh tế. Quốc gia này có thặng dư khoảng 100 tỷ đô la với Hoa Kỳ vào năm 2023, khiến Việt Nam có thể trở thành mục tiêu trong các chính sách tái cân bằng thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump ở Mỹ, bản tin hôm 17/1 của Bloomberg viết.

Các cảng biển của Việt Nam đã xử lý 30 triệu đơn vị container hàng hóa (TEU) vào năm ngoái, so với 10,2 triệu TEU vào năm 2014, ông Tĩnh cho Bloomberg biết.

Lượng container đi qua các cảng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng khoảng 4% mỗi năm, phản ánh dòng đầu tư nước ngoài không ngừng vào nước này, nhiều khoản từ các nhà cung cấp toàn cầu, hai nhà phân tích Lê Anh Sơn và Vũ Mạnh Tuấn tại VPBank Securities viết trong bài đánh giá vào tháng 12/2024. Có dự báo là nhu cầu về hàng hóa sẽ tăng đột biến trước khả năng các loại thuế quan có thể được áp dụng, điều đó có thể làm cho giá cước vận tải tăng lên.

Tập đoàn VIMC có cổ phần tại 16 đơn vị khai thác cảng biển với hơn 80 cầu cảng — chiếm 26% tổng số bến tàu của cả nước, theo trang web của họ. Đội tàu của tập đoàn chiếm 25% công suất vận chuyển hàng năm của cả nước.

Ông Tĩnh cho hay kế hoạch tăng trưởng của tập đoàn bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển.

Việt Nam có kế hoạch mở rộng hệ thống cảng biển toàn quốc vào năm 2030, cần đầu tư khoảng 351,5 nghìn tỷ đồng (13,8 tỷ đô la), theo quyết định do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng hướng đến việc tăng thêm các tuyến vận tải quốc tế, bao gồm cả ở Đông Bắc Á và Trung Đông, và đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

VIMC đạt lợi nhuận trước thuế là 3,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng 65% so với năm trước, tập đoàn cho Bloomberg biết qua email. Tổng doanh thu tăng 30% lên 18,2 nghìn tỷ đồng. Khối lượng hàng hóa qua cảng tăng 27%, đạt 145 triệu tấn trong cùng năm. Tập đoàn dự báo doanh thu sẽ tăng 12% lên thành 20,3 nghìn tỷ đồng trong năm nay.

VIMC từng có nguy cơ phá sản vào năm 2013 khi phải đối mặt với tổng nợ phải trả là hơn 67,5 nghìn tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 23 nghìn tỷ đồng. Sau hơn 10 năm tái cấu trúc, VIMC đã xóa hết lỗ lũy kế vào quý 3 năm 2023.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG