Sau nhiều tháng bế tắc và giữa những lo ngại ngày càng tăng về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới không trả được nợ, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu của Quốc hội Kevin McCarthy đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về trần nợ của chính phủ vào tối thứ Bảy.
“Sau nhiều tuần đàm phán, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin rằng đây là một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ”.
Ông McCarthy công bố thỏa thuận sau cuộc điện thoại kéo dài 90 phút với tổng thống.
Chủ tịch Hạ viện nói với các phóng viên tại Đồi Capitol rằng ông dự định nói chuyện lại với ông Biden vào Chủ nhật sau khi ông viết xong dự luật và dự kiến đưa nó ra bỏ phiếu vào thứ Tư.
Trong một tuyên bố, ông Biden gọi thỏa thuận này là "một bước tiến quan trọng". Ông nói: “Thỏa thuận cho thấy một sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều họ muốn. Đó là trách nhiệm quản trị”.
Thỏa thuận sẽ nâng giới hạn nợ 31,4 nghìn tỷ đôla trong hai năm trong khi cũng giới hạn chi tiêu trong thời gian đó.
Nó cũng bao gồm việc thu hồi các ngân quỹ liên quan tới COVID chưa sử dụng, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và bổ sung một số yêu cầu về công việc cho các chương trình hỗ trợ lương thực cho người Mỹ nghèo khó.
Thỏa thuận này là cần thiết để tránh vỡ nợ, vốn sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế.
Nhưng nó vẫn cần được thông qua bởi một Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc, trước khi Bộ Tài chính hết tiền để thanh toán các hóa đơn.
Theo Bộ Tài chính, thời hạn đó là vào ngày 5 tháng 6.