Đường dẫn truy cập

Tổng thống Biden sẽ chủ trì hội nghị ASEAN ngày 12-13 tháng 5


TƯ LIỆU: Tổng thống Mỹ Joe Biden, giữa, phát biểu trong hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các nhà lãnh đạo thành viên, ngày 26 tháng 10 năm 2021.
TƯ LIỆU: Tổng thống Mỹ Joe Biden, giữa, phát biểu trong hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các nhà lãnh đạo thành viên, ngày 26 tháng 10 năm 2021.

Tổng thống Joe Biden sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á tại Washington vào tháng sau, Nhà Trắng cho biết ngày thứ Bảy.

Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 12-13 tháng 5 nhằm cho thấy cam kết của Mỹ làm đối tác với các quốc gia trong khu vực.

Nhà Trắng trước đó đã thông báo rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức ngày 28-29 tháng 3, nhưng ASEAN đã xin hoãn lại do một số thành viên lo ngại về lịch trình.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ kỉ niệm 45 năm quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia ASEAN. Hội nghị diễn ra sau khi ông Biden tham gia hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 năm 2021, nơi ông công bố 102 triệu đôla trong các sáng kiến mới để giúp các quốc gia này ứng phó với COVID-19 và an ninh y tế, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế và bình đẳng giới tính.

“Ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden-Harris là Mỹ đóng vai trò một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy ở Đông Nam Á,” phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói thứ Bảy trong một phát biểu. “Những khát vọng chung của chúng ta đối với khu vực sẽ tiếp tục làm nền tảng cho cam kết chung của chúng ta thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, an toàn, được kết nối và bền bỉ.”

10 thành viên của ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Các thành viên hiện vẫn bất đồng với nhau về Myanmar, nước đã chìm vào bất ổn bạo lực kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2 năm ngoái.

ASEAN đang tìm cách thực thi một kế hoạch năm điểm cho Myanmar mà họ đã đạt được vào năm ngoái nhấn mạnh đối thoại, hỗ trợ nhân đạo và chấm dứt bạo lực. Nhưng hội đồng quân sự cầm quyền của Myanmar đã trì hoãn thực thi kế hoạch này ngay cả khi đất nước đã rơi vào tình huống mà một số chuyên gia Liên Hợp Quốc mô tả là nội chiến.

Sự thiếu hợp tác của Myanmar đã khiến ASEAN năm ngoái cấm nhà lãnh đạo nước này, Thượng tướng Min Aung Hlaing, tham dự cuộc họp thượng đỉnh hàng năm, một bước đi chưa từng có đối với tổ chức mà các thành viên theo truyền thống thường tránh chỉ trích lẫn nhau và hoạt động dựa trên sự đồng thuận.

Họ đã áp dụng một chính sách tương tự cho các cuộc họp tiếp theo, nói rằng họ sẽ cho phép Myanmar gửi chỉ các đại diện phi chính trị.

VOA Express

XS
SM
MD
LG