Đường dẫn truy cập

Tổng thống Đài Loan hối thúc TQ giải quyết các vấn đề xuyên eo biển một cách hoà bình


Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, trái, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm lịch sử tại Singapore, 7/11/2015.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, trái, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm lịch sử tại Singapore, 7/11/2015.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết sự quan trọng của an ninh và phẩm giá của người dân Đài Loan là một trong những thông điệp chính mà ông chia sẻ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm nay, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc trong vòng hơn 60 năm.

Ông Mã Anh Cửu cho báo chí biết rằng trong cuộc họp kéo dài một giờ đồng hồ ông đã nêu ra mối quan tâm về việc Trung Quốc bố trí phi đạn ở bên kia eo biển Đài Loan. Ông Mã cho biết ông Tập trả lời là những phi đạn đó không nhắm vào Đài Loan.

Tại cuộc họp báo ở Khách sạn Shangri-la, nơi diễn ra cuộc hội đàm lịch sử, ông Mã Anh Cửu nói “Tôi đặc biệt nhấn mạnh là đôi bên phải đặt mối quan hệ trên cơ sở của tôn nghiêm, tôn trọng, thành tâm và thiện chí để thu hẹp khoảng cách giữa đôi bên. Cho nên tôi đặc biệt nhấn mạnh là đôi bên phải biến sự thù địch thành tình hữu nghị, và mưu tìm hoà bình, chứ không phải chiến tranh.”

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và cho rằng đảo quốc tự trị này phải thống nhất với Hoa Lục. Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ lập trường là sẽ sử dụng vũ lực, nếu cần, để giải quyết vụ tranh chấp này.

Tập Cận Bình: “Anh em một nhà”

Ông Tập Cận Bình không nói chuyện với báo chí sau cuộc họp, nhưng ông đã có một cuộc tiếp xúc ngắn ngủi với các ký giả trước khi hội nghị bắt đầu. Cũng như ông Mã Anh Cửu, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tới ý muốn của đôi bên là phát triển các mối quan hệ một cách hoà bình.

Tuy nhiên, cả ông Tập Cận Bình lẫn viên chức phát biểu thay mặt ông sau cuộc họp đều không bày tỏ một sự linh động. Ông Tập nói lập trường của Trung Quốc là rất kiên quyết, là Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận một nước Đài Loan và một nước Trung Quốc, hay thậm chí hai nước Trung Quốc, trên vũ đài toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình nói “Sự phát triển quan hệ xuyên eo biển trong 66 năm qua chứng tỏ là cho dù đồng bào hai bên phải trải qua bao nhiêu khó khăn, cho dù đôi bên bị chia cắt trong bao lâu, vẫn không có sức mạnh nào có thể làm cho chúng ta tách ra làm đôi. Chúng ta là anh em cùng huyết thống. Xương có thể nứt nhưng không thể tách đôi. Chúng ta là người một nhà.”

Các cuộc thăm dò ý kiến ở Đài Loan cho thấy ngày càng có nhiều người ở đây xem mình là người Đài Loan chứ không phải là người Trung Quốc.
Một nhà bình luận trên đài truyền hình Formosa nói người Đài Loan quan tâm nhiều hơn về dân chủ thay vì dân tộc. Bà chỉ trích ông Mã Anh Cửu đã không đề cập tới hai chữ dân chủ, một giá trị cốt lõi của Đài Loan. Bà nói thêm rằng “Dân chủ là người dân Đài Loan quyết định vận mạng của chính mình. Người dân Đài Loan sẽ định đoạt tương lai của mình.”

Chọn lựa hay đe dọa?

Ông Tập Cận Bình nói rằng nhân dân đôi bên hiện đang đối mặt với một quyết định về việc phát triển các mối quan hệ xuyên eo biển: họ nên đi theo hướng nào và trên con đường nào.

Ông nói “Chúng ta ngồi với nhau hôm nay để thảm kịch lịch sử sẽ không tái diễn, để những thành tựu của sự phát triển hoà bình các mối quan hệ xuyên eo biển sẽ không bị đánh mất, để đồng bào ở cả đôi bên có thể tiếp tục sống một cuộc sống hoà bình và để cho các thế hệ tương lai có thể chia sẻ một tương lai tươi sáng.”

Trong cuộc hội đàm, đôi bên đồng ý thiết lập một đường dây nóng để trao đổi về những vấn đề cấp bách.

Từ khi Tổng thống Mã Anh Cửu lên nắm quyền năm 2008, Đài Loan và Trung Quốc đã ký kết 23 hiệp định thương mại. Nhưng các nhà lãnh đạo của đôi bên chỉ gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore lần này, khoảng hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Đài Loan.

Chia rẽ sâu sắc

Loan báo về cuộc họp ở Singapore được đưa ra một cách bất ngờ chỉ vài ngày trước, làm bùng ra những cuộc biểu tình phản kháng ở Đài Loan.
Một số người bày tỏ quan tâm về tính chất khép kín của cuộc họp, trong khi những người khác thắc mắc là điều gì làm cho ông Mã và ông Tập vội vã tiến hành cuộc họp như vậy trước cuộc bầu cử có thể là một cuộc bầu cử có tính chất dấu mốc ở Đài Loan.

Đảng Dân Tiến đối lập đang dẫn trước Quốc Dân Đảng của ông Mã Anh Cửu trong các cuộc thăm dò công luận, và nhiều chỉ dấu cho thấy Quốc Dân Đảng có thể bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống và cũng có thể sẽ mất thế đa số tại quốc hội lần đầu tiên trong lịch sử. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng năm 2016.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc chú trọng tới những tường thuật về cuộc họp Tập-Mã, nhưng Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã ngưng tường thuật trực tiếp khi Tổng thống Mã Anh Cửu nói chuyện trong một thời gian ngắn trước khi tham dự cuộc họp với ông Tập Cận Bình. Truyền thông Trung Quốc cũng không tường thuật những phát biểu của ông Mã Anh Cửu trước báo chí sau cuộc họp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG