Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm 18/2 xác nhận ông sẽ đi thăm Cuba vào tháng Ba để thúc đẩy tiến bộ trong bang giao giữa hai quốc gia và "các nỗ lực có thể cải thiện đời sống của người dân Cuba."
Viết trên Twitter, ông Obama cũng cam kết nêu các vấn đề nhân quyền trong các cuộc hội đàm với các giới chức tại quốc gia do Cộng sản lãnh đạo này.
Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói: "Chuyến thăm lịch sử này – chuyến đi đầu tiên của một vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm từ gần 90 năm – là một sự chứng tỏ thêm về cam kết của Tổng thống vạch ra một hướng đi mới cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba và nối kết các công dân Mỹ và Cuba thông qua việc mở rộng du hành, thương mại và tiếp cận thông tin." Thông cáo cũng nêu ra rằng ông Obama sẽ đến Cuba vào ngày 21 tháng 3, thực hiện chuyến thăm trong 2 ngày, trước khi đi Argentina.
Chuyến đi Cuba cho thấy ông Obama vẫn kiên quyết thúc đẩy điều ông coi như một thành tích để lại trong di sản của ông trước khi rời chức trong vòng 1 năm nữa.
Kể từ khi quan hệ đôi bên trở nên ấm nồng hồi tháng 12 năm 2014, ông Obama đã đạt được những tiến bộ vững chãi trong nỗ lực phá bỏ các rào cản ngoại giao với quốc gia cựu thù thời chiến tranh lạnh. Những thành công đó bao gồm khôi phục quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán ở thủ đô hai nước. Mỹ cũng đưa tên Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro thường xuyên trao đổi với nhau và đã gặp nhau hai lần.
Vận dụng quyền hành pháp, ông Obama đã kiên trì tước bỏ những hạn chế đã áp dụng từ lâu đối với giao thương, đầu tư và du hành qua Cuba.
Bước tiến mới nhất diễn ra hồi tuần trước, khi hai nước đạt thỏa thuận phục hồi các chuyến bay thương mại trực tiếp đầu tiên giữa đôi bên trong hơn nửa thế kỷ qua.
Nhưng trong lúc ông Obama tiếp tục nới lỏng những hạn chế đối với Cuba trong năm vừa qua, tiến bộ về phía Cuba đã khựng lại, theo ông John Kavulich, chủ tịch Hội đồng Thương mại và Kinh tế Hoa Kỳ-Cuba. Ông Kavulich nói với đài VOA: "Phía Cuba thực ra chưa làm gì cả, ngoài việc cho phép thêm các cá nhân vào Cuba và kiếm thêm tiền nhờ họ."
Song Cuba có thể được động viện thực hiện một vài nhượng bộ quan trọng trong năm tới, theo ông Kavulich, một nhần để ngăn chặn bất cứ tổng thống nào trong tương lai có thể lật ngược các quyết định của ông Obama.
Ông Kavulich phát biểu: "Mọi thứ đều có thể bị đảo ngược. Và các hoạt động duy nhật là một số hãng hàng không bay sang Cuba, và dó không phải là một trở ngại lớn cho một vị tổng thống mới. Do đó, phía Cuba nay biết rằng họ phải thực hiện một vài điều."
Ông Obama có thể tự ý tiếp tục nới lỏng một số hạn chế. Thay đổi lớn nhất mà ông có thể thực hiện, theo ông Kavulich, sẽ là bãi bỏ những hạn chế đối với việc Cuba sử dụng đồng đôla Mỹ trong các giao dịch quốc tế, một biện pháp có thể cải thiện nền kinh tế Cuba một cách đáng kể.
Ông Kavulich nói: "Đó là khoản cuối cùng trong những luật lệ lớn mà ông nắm quyền kiểm soát. Ông có thể để dành khoản đó cho chuyến đi kỳ này."
Nhưng có một giới hạn cho những điều mà ông Obama có thể đạt được một cách đơn phương. Lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ đối với Cuba, đã được áp dụng mấy chục năm nay, chỉ có thể được bãi bỏ bởi Quốc hội. Mặc dù sự ủng hộ dành cho lệnh này đã giảm sút, nó vẫn được hậu thuẫn rộng rãi trong các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng cho rằng bãi bỏ các hạn chế sẽ có tác dụng tưởng thưởng cho một trong những nước có chế độ chính trị áp chế nhất châu Mỹ Latin.
Ông Obama lập luận rằng lệnh cấm vận là một chính sách đã đổ vỡ và không thúc đẩy được các cải cách dân chủ, là điều mà ông cho là sẽ chỉ có được khi Cuba mở cửa ra với thế giới.
Nhưng có rất ít bằng chứng là sự nới lỏng dã dẫn tới những cải thiện về nhân quyền. Mặc dù Cuba đang phóng thích một số tù nhân chính trị và có biện pháp cải thiện truy cập mạng Internet, kiểm duyệt vẫn phổ biến và những người bất đồng chính kiến vẫn bị bỏ tù ở mức độ ngang với những năm vừa qua, theo nhận xét của các tổ chức nhân quyền.
Tuy nhiên, có những gợi ý cho thấy Cuba đang cứu xét ít nhất là những cải cách khiêm tốn đối với hệ thống chính trị độc đảng cứng nhắc của họ. Chủ tịch Cuba Raul Castro, em của lãnh tụ cách mạng thần tượng Fidel Castro, đã đề nghị những hạn chế về nhiệm kỳ cho các nhà lãnh đạo cấp cao và nâng cao khả năng của một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp.
Điều quan trọng hơn là ông Castro, người đã kế nhiệm ông anh vào năm 2006, đã hứa hẹn sẽ rời chức vào năm 2018. Nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1959, một người họ Castro không nắm quyền đảo quốc này.
Nhưng các vấn đề khác ngoài gia đình Castro gây khó khăn cho bang giao Hoa Kỳ - Cuba, kể cả một căn cứ quân sự do Mỹ điều hành ở Vịnh Guantanamo, bên Cuba.
Ông Raul Castro đã tuyên bố cách duy nhất để phục hồi toàn diện bang giao là nếu Washington chuyển quyền kiểm soát căn cứ này cho Cuba. Ông Obama chưa tỏ dấu hiệu ông có ý định làm như thế, nhưng đang cố gắng thực hiện lời hứa từ lâu của ông là đóng cửa nhà tù gây nhiều tranh cãi tại căn cứ này, hiện còn đang cầm giữa mấy chục nghi can khủng bố.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba, có bằng chứng cho thấy công chúng Mỹ không coi nước láng giềng phía nam này với sự nghi kỵ giống như đã từng có. Một cuộc thăm dò công bố trong tuần này của viện Gallup cho thấy 54% người Mỹ có ý kiến thuận lợi đối với Cuba. Tỷ lệ này tăng lên từ mức 10% vào năm 1996.
Nhưng viện Gallup cũng nêu ra rằng sự chia rẽ đảng phái về Cuba đã trở nên sâu rộng hơn. Trong khi 73% đảng viên Dân chủ ủng hộ Cuba, chỉ có 34% đảng viên Cộng Hòa có ý kiến tán thành.