Tổng thống Indonesia Joko Widodo, còn có tên khác là Jokowi, hôm 12/1 gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Nội nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai đối tác Đông Nam Á về an ninh Biển Đông và thương mại, theo Reuters.
Trước chuyến đi của ông Jokowi, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á khác để hoàn tất bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông bị trì hoãn từ lâu, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh trên tuyến đường biển trong vòng tranh chấp.
Chuyến thăm Hà Nội của ông Jokowi là một phần trong chuyến công du đến một số nước Đông Nam Á, bao gồm điểm dừng trước đó ở Philippines và chuyến thăm dự kiến tới Brunei vào cuối tuần này trước cuộc bầu cử ở Indonesia vào tháng tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói với các phóng viên hôm 11/1 rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam dự kiến sẽ thảo luận với ông về hợp tác về thương mại, an ninh, quốc phòng và nông nghiệp.
Dự thảo chương trình nghị sự của cả hai nước liệt kê các cuộc gặp hôm 12/1 với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trái với thông lệ, ông Jokowi dự kiến sẽ không gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, trong bối cảnh có lo ngại về sức khỏe của nhà lãnh đạo cao tuổi.
Từ năm 2022, Việt Nam theo đuổi chiến lược tăng cường quan hệ với các cường quốc và đối tác toàn cầu, đồng thời nhắm đến mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Indonesia.
Hồi năm 2022, hai nước đồng ý công nhận ranh giới Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhau ở Biển Đông, một động thái được coi là đòn giáng mạnh vào Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ tuyến đường thương mại chiến lược.
Indonesia cũng cho biết họ có kế hoạch xuất khẩu khí đốt sang Việt Nam từ các mỏ khí đốt ở Biển Đông.
Một quan chức Việt Nam cho hay ông Jokowi dự kiến sẽ thảo luận với Việt Nam về tiến trình thực hiện Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông và các cách thức để thúc đẩy COC.
Bộ quy tắc ứng xử Đông Nam Á sẽ được coi là một đòn giáng khác vào Trung Quốc.
Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á từ năm 2002 đã cố gắng thiết lập một khuôn khổ đàm phán về COC, nhưng tiến độ vẫn chậm chạp bất chấp cam kết của tất cả các bên nhằm xúc tiến và đẩy nhanh quá trình này.
Diễn đàn