Đường dẫn truy cập

Tổng Thống Obama: gia tài để lại


Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Barack Obama.

Trong cương vị một Thượng nghị sĩ, ông Barack Obama đã ra tranh chức Tổng thống Mỹ như một nhân vật mang lại sự đổi thay vào một thời điểm xung đột quốc tế đang diễn ra và nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. 8 năm sau, gia tài mà ông sắp sửa để lại được đánh giá là lẫn lộn, và dường như bị giới cử tri trong nước bác bỏ, khi họ bầu ông Donald Trump, người đã cam kết sẽ lật ngược những thành tích mà ông Obama hy vọng sẽ để lại.

Từ Toà Bạch Ốc, Thông tín viên Cindy Saine của VOA nhìn lại 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama và đặt câu hỏi với các nhà sử học về liệu Tổng thống Obama có thực hiện được những tiêu chuẩn rất cao mà ông đã tự đặt ra cho chính mình hay không.

Vị Tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ và gia đình ông đã phá vỡ truyền thống kéo dài suốt 219 năm, thời mà chỉ có những người đàn ông da trắng ngự trị tại Toà Bạch Ốc. Mặc dù vậy, ông Obama xác định rõ rằng ông nhắm đến các mục tiêu rộng lớn hơn thế. Sử gia Allan Lichtman thuộc Đại học American nhận định:

“Rõ ràng ông Obama là vị Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ, nhưng ông cầm quyền trong cương vị là Tổng thống của toàn dân Mỹ chứ không chỉ là Tổng thống của một nhóm nào, và điều đó cực kỳ quan trọng trong việc đưa vào dòng chính các nhóm thiểu số, dù là thiểu số sắc tộc, tôn giáo hay là nữ giới, mở đường cho một phụ nữ có thể trở thành Tổng thống. Ông là một tấm gương sáng để mọi người noi theo, ông hoàn toàn trong sạch, không vấp phải tai tiếng nào. Và ông là một nhà hùng biện có khả năng truyền tải cảm hứng cho người khác.”

Hình ảnh của Tổng Thống Obama trước mắt công chúng trong vai một người cha luôn luôn có mặt trong cuộc sống các con, đã được ca ngợi bởi các chính khách không phân biệt đảng phái, kể cả của các nhân vật bảo thủ như Erik Erickson, người dẫn chương trình của một đài truyền thanh Mỹ. Ông nói với VOA qua Skype:

“Chứng kiến ông bà Obama đóng vai trò làm cha mẹ trước công chúng, đặc biệt khi họ phải đóng vai trò ấy trước sự săm soi của công luận, khi mà mọi chú ý đều đổ dồn về họ và con cái của họ ở mọi nơi mọi lúc, tôi tin rằng cung cách họ nuôi dạy con cái thật đáng khen ngợi. ”

Nhưng về chính sách đối ngoại và đối nội, các sử gia nói rằng thành tích của ông Obama có thể đánh giá là lẫn lộn. Đa số nêu thành tích tiêu diệt Osama bin Laden, thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố al-Qaida, là một sự thành công trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Họ cũng nêu lên việc mở đường cho các quan hệ với Cuba là một bước đột phá lịch sử.

Nhưng cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria và tình trạng bất ổn trên khắp vùng Trung Đông được nhiều người coi là những sự thất bại của Obama về mặt chính sách đối ngoại. Đa số cũng đồng ý rằng kế hoạch xây dựng lại các quan hệ với Nga và với Trung Quốc từ con số không của ông Obama cũng không được thực hiện theo đúng kế hoạch đã định.

Ông Lee Edwards thuộc Hội Heritage nhận định:

“Về Trung Quốc, nếu chúng ta có thể nói là Nga đang có những lời lẽ xúc phạm chúng ta, mà điều đó đúng tới một mức độ nào đó, thì Trung Quốc hoàn toàn làm ngơ chúng ta và vẫn tiếp tục xây dựng quân đội của họ, củng cố các đảo nhỏ tại nơi mà họ gọi là Biển Nam Trung hoa.”

Về mặt đối nội, các chuyên gia đơn cử nỗ lực của ông Obama cổ vũ việc hình thành một chương trình chăm sóc sức khỏe để nhiều người dân hơn tiếp cận được hệ thống này, và việc hợp pháp hoá các cuộc hôn nhân đồng tính là những thành tựu lớn nhất của ông, tuy nhiên không phải là ai cũng hài lòng về những thành tựu đó. Ông Erickson nói:

“Về mặt văn hoá, ông Obama đã cơ bản thay đổi đất nước. Tôi không biết sự thay đổi ấy có tốt đẹp về lâu về dài hay không. Ông rời chức vụ giữa lúc có sự chia rẽ sâu sắc giữa những người Mỹ với nhau và họ chống đối nhau mạnh mẽ hơn hơn bất cứ lúc nào.”

Trả lời câu hỏi liệu ông Obama có đạt được mục tiêu do chính ông đề ra trong tư cách là một vị Tổng thống mang lại những thay đổi sâu rộng lâu dài cho đất nước? Sử gia Allan Lichtman quy lỗi cho quốc hội Mỹ đã cản trở cố gắng của ông Obama trong việc thực hiện mục tiêu đề ra.

“Tôi không nghĩ ông là một vị Tổng thống đã mang đến những thay đổi sâu sắc, ông là một Tổng thống quan trọng, và lý do mà ông không tiến xa hơn một bước nữa để trở thành một vị Tổng thống mang lại những đổi thay thực sự đáng kể, như Tổng thống Franklin Roosevelt, hay Tổng thống Ronald Reagan, là vì sự chống đối của phe đối lập.”

Sự thoải mái của ông Obama khi tiếp xúc với giới trẻ, và sức lôi cuốn của ông trong giới trẻ, thể hiện trong những tương tác giữa ông và giới trẻ tại Việt Nam, là một khía cạnh khác mà nhiều người ngưỡng mộ. Ông Lee Edwards.

“Ông Obama là một người rất thông minh, không ai có thể chối cãi điều đó. Ông đọc rộng hiểu nhiều, có tài ăn nói, và có một thái độ nào đó lịch lãm mà thoải mái nơi ông, tăng sức lôi cuốn của ông đối với giới trẻ vốn muốn thấy một người có phẩm chất như thế trong Toà Bạch Ốc.”

Giữa lúc những ngày còn tại chức của ông Obama đang sắp sửa chấm dứt, mức ủng hộ dành cho ông còn cao hơn cả mức ủng hộ dành cho Tổng thống Ronald Reagan vào cùng thời kỳ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Reagan. Đa số người Mỹ dường như rất ngưỡng mộ gia đình Tổng Thống Obama, dù là họ không đồng ý với một số các chính sách của Tổng Thống Obama.

VOA Express

XS
SM
MD
LG