Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama kết thúc chuyến công du Phi Châu


Tổng thống Obama và cựu Tổng thống George W. Bush dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ bom sứ quán Mỹ do al-Qaida thực hiện năm 1998 tại Dar es Salaam, ngày 2/7/2013.
Tổng thống Obama và cựu Tổng thống George W. Bush dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ bom sứ quán Mỹ do al-Qaida thực hiện năm 1998 tại Dar es Salaam, ngày 2/7/2013.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay kết thúc chuyến công du Phi Châu với việc bày tỏ sự tin tưởng về tương lai của châu lục này. Tại Tanzania, Tổng thống Obama đã cùng với cựu Tổng thống George W. Bush dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ bom sứ quán Mỹ do al-Qaida thực hiện năm 1998. Từ Das es Salaam, thông tín viên Dan Robinson của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Những vụ nổ bom có phối hợp nhắm vào các đại sứ quán Mỹ ở Dar es Salaam và Nairobi hôm mồng 7 tháng 8 năm 1998 đã giết chết 224 người.

3 năm sau đó, al-Qaida lại thực hiện vụ tấn công trực tiếp trên lãnh thổ Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Trong một buổi lễ tại tòa đại sứ mới, được khánh thành vào năm 2003, ông Obama và cựu Tổng thống Bush đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm dành cho những người thiệt mạng trong các vụ tấn công.

Chuyến công du Phi Châu của ông Obama tập trung phần lớn vào việc tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư ở châu lục này, dựa trên một mô hình viện trợ mới, cùng với sự hợp tác công-tư với các chính phủ Phi Châu và cải cách.

Nhưng những mối đe dọa an ninh mà các quốc gia Phi Châu đang đối mặt và vai trò của Mỹ trong việc góp phần chống lại các nhóm cực đoan đã nằm trong nghị trình thảo luận của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tại Senegal, Nam Phi và Tanzania.

Tại Nam Phi, ông Obama nói về điều mà ông gọi là “những hoạt động khủng bố vô nghĩa, thường làm méo mó ý nghĩa của đạo Hồi, một trong những tôn giáo vĩ đại nhất của thế giới, và cướp đi sinh mạng của vô số những người vô tội ở Phi Châu.

Ông Obama cũng đã tìm cách bác bỏ ý kiến cho rằng Hoa Kỳ đang quân sự sự giao tiếp với Phi Châu. Ông nói rằng rốt cuộc thì người châu Phi phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ an ninh cho chính mình.

Ông Obama nói: "Tôi biết có nhiều người nói tới sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Phi Châu. Nhưng nếu quí vị nhìn vào những gì mà chúng tôi đang làm, quí vị sẽ thấy là lúc nào chúng tôi cũng đặt sức mạnh của mình đàng sau những nỗ lực của Phi Châu."

Trong sự kiện cuối của chuyến công du Phi Châu, ông Obama đã đến thăm một nhà máy phát điện vốn bị bỏ hoang nhưng đã hoạt động lại nhờ vào những nỗ lực chung của Tanzania và Hoa Kỳ. Nhà máy này nêu bật sáng kiến mới của ông nhằm tăng gấp đôi sản lượng điện ở Phi Châu.

Ông Obama nói rằng cho biết sáng kiến này phản ánh phương pháp của ông là gộp chung các nguồn lực của khu vực công và khu vực tư để thúc đẩy cho sự tiến bộ kinh tế.

Ông cũng đề cập tới những sáng kiến mới khác, từ nông nghiệp cho tới y tế, và nói rằng Hoa Kỳ muốn làm một đối tác vững mạnh của Phi Châu trong những năm tới đây.

Ông Obama nói: "Đó là mục tiêu của tất cả những nỗ lực của chúng tôi. Đó là làm thế nào để người châu Phi có được những công cụ để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân của mình và Hoa Kỳ là một đối tác trong quá trình đó. Điều đó sẽ có lợi cho Phi Châu, điều đó sẽ có lợi cho Hoa Kỳ và điều đó sẽ có lợi cho thế giới."

Trong cuộc du hành một tuần lễ, ông Obama đã nêu bật những sự tiến bộ trong lãnh vực dân chủ và tầm quan trọng của nhân quyền và xã hội dân sự ở Senegal.

Ông nêu lên sự chuyển đổi sang dân chủ của Nam Phi và sự tiến bộ trong công cuộc phòng chống HIV/Aids như một kiểu mẫu cho Phi Châu và nhấn mạnh tới vai trò của thanh niên Phi Châu trong việc xây dựng tương lai.

Trong lúc chuẩn bị rời Tanzania, ông Obama nói rằng ông tin tưởng là “với một cách thức đúng đắn, Phi Châu và người dân của châu lục này có thể xây dựng một thời đại mới của thịnh vượng.”

Xem hình ảnh chuyến công du Châu Phi của Tổng thống Obama:

VOA Express

XS
SM
MD
LG