Tổng thống Barack Obama nói Hoa Kỳ và Kenya đoàn kết chống lại những mối đe dọa khủng bố.
Ngày thứ Bảy, 25/7, phát biểu tại Nairobi trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Tổng thống Obama nói đã có sự hợp tác chống khủng bố tích cực và hữu hiệu giữa Hoa Kỳ và Kenya, chính yếu là đối phó với tổ chức hiếu chiến al-Shabab ở Somalia.
Tổng thống Obama cũng cám ơn Kenya đã nhận hàng trăm ngàn người tị nạn phải rời bỏ nhà cửa vì nhiều năm xung đột tại Somalia.
Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ đang làm việc với Kenya để đối phó với những đe dọa đối với sự thịnh vượng của nước này, và ông ca ngợi tổng thống Kenyatta vì đã cam kết dẹp tan tham nhũng. Ông Obama nói các giới chức cấp cao lẫn cấp thấp cần ngưng việc tìm cách hối lộ mà ông cho rằng đã làm nãn lòng người dân muốn bắt đầu những công việc làm ăn mới.
Tổng thống Obama cũng thảo luận về việc săn trộm voi và nói chính quyền ông sẽ đề nghị những qui định mới cấm bán ngà voi xuyên bang tại Mỹ.
Khi được hỏi về quyền của người đồng tính luyến ái tại Kenya, Tổng thống Obama nói ông tin là nhà nước không nên kỳ thị người dân căn cứ trên định hướng tình dục của họ.
Tổng thống Kenya nói Kenya và Hoa Kỳ cần làm việc chặt chẽ với nhau hơn nữa để giúp ổn định Somalia, và giúp chính phủ nước này giảm bớt những khu vực do al-Shabab kiểm soát. Tổ chức này cũng đã thực hiện một số vụ tấn công tại Kenya.
Hai nhà lãnh đạo nói chuyện với báo chí sau khi họp tại Dinh Tổng thống Kenya ở Nairobi. Trong một nhận xét trước cuộc họp, Tổng thống Obama ca ngợi Kenya đã tránh được căng thẳng sắc tộc và tiến tới “đoàn kết quốc gia.” Ông nói Hoa Kỳ muốn làm việc với các nhà lãnh đạo châu Phi và người dân “không phải vì từ thiện” nhưng vì những lợi ích chung.
Sáng ngày thứ Bảy, tổng thống Obama nói rằng kinh doanh ở Phi châu góp phần phá vở những rào cản và xây dựng những nhịp cầu giữa các nền văn hoá, cung cấp giải pháp khác để tránh bạo động và tuyệt vọng.
Trong một bài diễn văn đọc tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Toàn cầu ở Nairobi, Kenya, Tổng thống Obama khuyến khích đầu tư vào việc kinh doanh tại Kenya. Ông nói châu Phi cần trở thành trung tâm của việc tăng trưởng toàn cầu, không phải chỉ tăng trưởng của châu Phi.
Ông nói “Phi châu đang tiến bước và Kenya đang dẫn đường.”
Tổng thống Obama đồng chủ tọa hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Kenyatta. Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại châu Phi. Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Toàn cầu hàng năm được tổ chức lần đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc vào năm 2010.
Trong bài diễn văn của ông, Tổng thống Kenyatta nói đến những khó khăn về an ninh của Kenya và nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng. Ông kêu gọi những người tham dự hội nghị nói với dân chúng của họ và với mọi người trên thế giới là “Phi châu đang mở rộng và sẵn sàng cho các hoạt động kinh doanh.”
Sau khi trao đổi với một vài nhà kinh doanh trẻ, tổng thống Obama kết thúc cuộc thảo luận bằng cách cổ vũ những người tham dự theo đuổi những dự án kinh doanh liều lĩnh. Ông nói “hãy đi ra và bắt đầu làm một việc gì. Chúng tôi rất khích động về việc này. Chúng tôi hy vọng nhiều việc lớn sẽ xảy ra với các bạn.”
Tổng thống Obama có cha là một người Kenya lần đầu tiên viếng thăm Kenya trong tư cách tổng thống Hoa Kỳ.
Đường phố Nairobi được được trang hoàng bằng tranh ảnh và dọn dẹp sạch sẽ, thành phố không tiếc tiền để chào đón tổng thống Obama mà người Kenya gọi là “chuyến trở về quê” của ông.
An ninh rất nghiêm nhặt đối với chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ với ít nhất 10.000 nhân viên cảnh sát được triển khai tại Nairobi. Tòa đại sứ Mỹ cảnh báo hội nghị thượng đỉnh tổng thống Obama đồng chủ tọa có thể là “một mục tiêu của khủng bố.”
Một phái đoàn các nhà lập pháp Mỹ và các giới chức Tòa Bạch Ốc tháp tùng tổng thống tham dự hội nghị thượng đỉnh, một động thái mà tòa đại sứ Mỹ tại Nairobi cho biết là nói lên tầm quan trọng Hoa Kỳ đặt vào trong việc ủng hộ các nhà doanh ngiệp châu Phi.
Máy bay của Tổng thống đáp xuống Nairobi vào tối thứ Sáu. Tổng thống Kenyatta đón tổng thống Mỹ tại sân bay. Tổng thống Obama cha là một người Kenya sau đó ăn cơm tối với bà con người Kenya, kể cả bà nội ghẻ Mama Sarah và người chị em khác mẹ Auma Obama.
Các giới chức an ninh nói những lo ngại về an ninh đã khiến cho tổng thống không thể đến làng Kogelo ở phía tây Kenya nơi cha ông sanh ra và được an táng tại đây.
Ông Barack Obama bố là một nhà kinh tế làm việc trong chính phủ của Tổng thống Kenya đầu tiên-cha của đương kim Tổng thống Kenyatta.
Trong tư cách Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Obama đi thăm Kenya vào năm 2006, nhưng theo Phó Tổng thống William Ruto thì chuyến đi đầu tiên trong tư cách tổng thống của ông Obama có rất nhiều ý nghĩa đối với nước ông.
Ông Ruto nói “Tổng thống Obama không như các tổng thống Mỹ khác. Ông có nguồn gốc châu Phi, đặc biệt hơn là nguồn gốc Kenya, và do đó việc này có ý nghĩa theo một cách rất khác.”
Trong khi phần lớn chuyến viếng thăm này là nhằm tăng tiến thương mại, một vấn đề lớn khác nữa trong nghị trình sẽ là vấn đề an ninh khi Tổng thống Obama gặp Tổng thống Kenyatta.
Bộ trưởng Ngoại giao Kenya Amina Mohamed nói đây là mối quan tâm hàng đầu.
Bà Mohamed nói “sự hợp tác của chúng tôi, đặc biệt về an ninh có tính cách lịch sử. An ninh luôn luôn có ở đây, nhưng dĩ nhiên chúng tôi tăng cường rất nhiều trong vài năm qua vì đe dọa khủng bố toàn cầu tất cả chúng ta phải đối mặt.”
Kenya liên tục là mục tiêu tấn công của tổ chức hiếu chiến Somalia al-Shabab. Vụ tấn công gây nhiều tử vong nhất xảy ra tại trường đại học Garissa vào tháng Tư vừa qua với 148 người hầu hết là sinh viên bị tàn sát tại khuôn viên trường đại học.
Sau hai ngày viếng thăm Kenya, Tổng thống Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Ethiopia.
Trước khi Tổng thống Obama đến châu Phi, các tổ chức nhân quyền thúc đầy tổng thống dùng chuyến đi này để kêu gọi cải cách nhân quyền căn bản tại cả hai nước.
Trong một lá thư gởi Tổng thống Obama, một nhóm 14 tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia nói chính phủ Kenya và Ethiopia “đang dối mặt với đe dọa an ninh thực sự, nhưng chúng tôi quan tâm đến cách mỗi chính phủ đáp ứng, thường với những biện pháp an ninh quá đáng, và gia tăng những nỗ lực đàn áp xã hội dân sự và truyền thông độc lập.”